Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, chậm nhất là ngày 20.7 các cụm thi trên toàn quốc phải hoàn tất việc chấm thi và nộp dữ liệu về cho Bộ. Trao đổi với Thanh Niên, các cụm thi đều cho biết đã chấm thi xong và đã nộp trực tiếp dữ liệu kết quả thi cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT.
Sau khi tham dự kỳ thi THPT quốc gia, các thí sinh chuẩn bị bước vào giai đoạn xét tuyển
|
Còn ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, trả lời vắn tắt: “Mọi năm trường nào tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho trường đấy, năm nay một trường chỉ là 1 trong 99 hội đồng thi, vì thế 1 trường làm sao đủ dữ liệu cho cả nước, đương nhiên phải tập trung về Bộ”.
Khi hỏi về việc bao giờ TS sẽ được biết kết quả thi, các cụm thi do ĐH chủ trì đều cho biết họ không biết cũng như không được phép công bố kết quả. “Việc công bố sẽ do Bộ đảm nhiệm. Các trường chỉ được giao nhiệm vụ tổ chức thi, chấm thi, rồi nộp kết quả về Bộ”, ông Trịnh Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết.
Ngày 17.7, một lần nữa Bộ GD-ĐT đã “ra lệnh” bằng một công văn tới các đơn vị chủ trì cụm thi yêu cầu tất cả các cụm thi không công bố kết quả thi mà Bộ sẽ công bố sau khi có đầy đủ dữ liệu của tất cả cụm thi trên cả nước.
Theo lý giải của ông Hoàng Minh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khi yêu cầu điều này có thể Bộ muốn tất cả TS có thể tra cứu điểm thi của mình bắt đầu từ một thời điểm nhất định, tránh tình trạng TS ở cụm này biết trước, cụm kia biết sau gây cảm giác bồn chồn sốt ruột cho nhiều TS. “Tôi không biết hiệu năng server của Bộ có chịu nổi tải hàng triệu người truy cập cùng một lúc không, nhưng được yêu cầu gửi dữ liệu cho Bộ để Bộ công bố thì chúng tôi chấp hành”, ông Sơn nói. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng giả sử các cụm thi được quyền công bố đồng loạt thì không phải hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) ở cụm thi nào cũng có thể đáp ứng, bởi không phải trường ĐH chủ trì cụm thi nào cũng có server riêng để tạo ra được cơ sở dữ liệu riêng.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, việc Bộ tập trung dữ liệu về một đầu mối rồi công bố, về mặt kỹ thuật có thể sẽ không có vấn đề gì nếu như có máy chủ tốt. Tuy nhiên, nguy cơ trục trặc là không thể tránh khỏi nếu như “ôm” về một mối. “Năm 2002, lần đầu tiên cả nước thực hiện kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức 3 chung, sự cố đã xảy ra. Sau khi Đài truyền hình VN đưa tin có điểm thi và nêu địa chỉ website công bố điểm, lượng truy cập ồ ạt khiến chỉ 10 phút sau toàn bộ hệ thống bị sập, ngày hôm sau mới khắc phục được”, giảng viên ngành CNTT một trường ĐH nhớ lại.
Một số chuyên gia khác thì đặt vấn đề, nếu toàn bộ dữ liệu kết quả thi được đặt ở máy chủ của một đơn vị thuộc quyền quản lý (chẳng hạn như Cục CNTT hoặc một trường ĐH lớn nào đó) của Bộ thì cũng là hợp tình, hợp lý. Nhưng nếu Bộ GD-ĐT ủy quyền cho một đơn vị kinh doanh CNTT nào đó thì “có chuyện”. Cái “cắc cớ” lớn nhất trong câu chuyện này là đe dọa sự tự chủ của các trường ĐH chủ trì các cụm thi. Đó là ngay quyền công bố điểm cho các TS thi tại cụm do mình tổ chức không có đã đành mà cả việc đưa thông tin kết quả cụ thể sau khi Bộ công bố cũng không có.
Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất phần mềm băn khoăn: “Có hay không chuyện ngân sách nhà nước mà Bộ định dành khoản này sẽ được “rót” vào một công ty để họ lo giúp Bộ đặt máy chủ chạy dữ liệu? Nếu có thì phải chăng việc Bộ “ôm” về hết để giao lại cho doanh nghiệp liên quan thế nào đến việc “ăn – chia” trong phi vụ làm ăn này?”.