Chấm thi THPT quốc gia, có lo lệch điểm?

Chấm thi THPT quốc gia, có lo lệch điểm?

Nhận thấy điều này, dưới sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các hội đồng chấm thi THPT quốc gia những ngày qua đã làm việc hết sức nghiêm túc.

Tính nghiêm ngặt được tuân thủ tối đa. Từ nội quy phòng chấm đến quy trình khép kín qua các vòng chấm (2 vòng chính, thêm vòng 3 nếu điểm lệch trên mức cho phép), rồi công tác chấm thanh tra, việc thống nhất bài chấm, lên điểm…
Điểm vượt trội nhất, tiện lợi cho người chấm so với năm trước, theo ý kiến nhiều giám khảo, đó là các phiếu chấm một số môn có kèm theo đáp án trả lời…
Tuy nhiên, còn nhiều điều lo lắng cho sự công bằng của việc chấm thi. Thứ nhất là về nhân lực. Do số lượng bài quá lớn nên phải huy động tối đa nhân lực từ nhiều trường phổ thông lẫn CĐ, ĐH, từ thành phố đến tỉnh, từ giáo viên trực tiếp dạy lớp 12 cho đến giáo viên không chuyên dạy khối lớp này…
Các năm trước, chỉ giáo viên dạy 12 mới được chấm bài thi tốt nghiệp. Mặc dù – theo nhận định của Bộ – phần lớn giám khảo đều có chuyên môn nhưng tính chuyên nghiệp chấm thi thì chưa thật đảm bảo.
Trong lúc đó, nhiều đáp án chấm đòi hỏi sáng tạo của thí sinh, nhất là các môn xã hội. Vì thế, cần sự linh hoạt chứ không lệ thuộc hoàn toàn vào đáp án. Những điều này chỉ giáo viên trực tiếp dạy khối 12 mới có sự đánh giá chính xác năng lực, kỹ năng… của đối tượng mình dạy.
Thứ hai là áp lực về thời gian. Trước việc Bộ đưa ra thời gian kết thúc việc chấm thi, thì ở từng hội đồng chấm thi phải rượt đuổi theo hạn định. Áp lực ấy đè lên vai giám khảo. Họ phải tăng tốc độ chấm, mà nhiều hội đồng chấm thi không khống chế số lượng của từng giám khảo trong từng buổi, từng ngày. Tâm lý chung là càng nhanh càng tốt. Đây chính là điểm lo lắng nhiều nhất về chất lượng chấm thi của kỳ thi lần này.
Rõ ràng, với những gì đạt được trong kỳ thi đổi mới lần này, ngành giáo dục còn nợ lại nhiều bài toán nan giải phía trước.

Điểm thi Kỳ thi quốc gia sẽ có chênh lệch lớn ở từng cụm

Nêu quan điểm về kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, TS. Nguyễn Khắc Thái, nguyên Giảng viên Đại học Huế đã nói như vậy.

Kỳ thi THPT quốc gia đã kết thúc tốt đẹp, dư luận quanh kỳ thi này không phải không ít và có những ý kiến khác nhau. Mỗi người một quan điểm khác nhau nhưng tựu chung đều mong muốn ngành giáo dục sẽ rút ra được nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm trong lần tổ chức đầu tiên cho một kỳ thi chung quốc gia.

Bài phóng vấn dưới đây với TS. Nguyễn Khắc Thái sẽ là một quan điểm riêng về hậu kỳ thi quốc gia vừa qua.

PV: Với tư cách là một nhà giáo, một công dân, ông đánh giá thế nào về Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua?

TS. Nguyễn Khắc Thái: Kỳ thi đã phân lập được trình độ để chọn được thí sinh tốt nghiệp và tuyển vào đại học, nhưng khâu tổ chức thi vẫn còn một số mặt cần xem xét lại.

Thứ nhất, kỳ thi này đã tước mất quyền đào tạo phổ thông, vì khi đã đào tạo 12 năm phổ thông thì có quyền công nhận tốt nghiệp. Cho nên phải tổ chức một kỳ thi như thế nào đó để không làm mất quyền đào tạo cấp học phổ thông.

Thứ hai, kỳ thi chưa có sự đồng bộ giữa việc kết hợp các phương thức tuyển sinh đại học với việc công nhận tốt nghiệp. Điều đó gây nên hoang mang tâm lí cho học sinh.

Thứ ba, kỳ thi với khâu tổ chức địa bàn thi chưa phải là ưu việt, vì cho dù Bộ GD&ĐT có một phương án mới là tổ chức thành các điểm thi, nhưng cứ một lần học sinh rời nhà đi đều có những khó khăn nhất định

Theo cá nhân tôi, nên tổ chức kỳ thi ở các địa phương và các trường đại học về các địa phương giúp địa phương tổ chức thi công nhận tốt nghiệp, để việc di chuyển về mặt xã hội sẽ ổn định hơn và tiết kiệm nhiều hơn cho xã hội.

Thực ra phương án này đã được thực hiện ở một số năm trước đây, đó là sau ngày miền Nam giải phóng –mỗi 1 trường đại học được phân công về 1 tỉnh để giúp cho địa phương tổ chức kỳ thi, như thế sẽ tiết kiệm hơn. Chỉ cần đổi mới nội dung đề thi thì sẽ đáp ứng được cả hai yêu cầu là công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.

Như vậy là ông ủng hộ phương án kỳ thi nên giao về các địa phương, và như ông cũng vừa nói các trường đại học phải về địa phương để giúp địa phương thực hiện tốt kỳ thi này. Điều đó có phải ông không tin tưởng một kỳ thi được diễn ra ở địa phương, vì có thể phát sinh tiêu cực?

TS. Nguyễn Khắc Thái: Sau kỳ thi vừa qua thì có xuất hiện trong dư luận một số ý kiến cho rằng, có một số khu vực thả nổi trong coi thi, cho nên các thí sinh có được cơ hội thảo luận bài, như thế khả năng điểm thi ở khu vực đó sẽ cao hơn.

Như vậy sẽ thiếu đi sự công bằng trong cả nước. Do đó, nhất thiết phải nghiên cứu lại cách thức tổ chức để đảm bảo sự công bằng.

Có một số quan điểm cho rằng, đề thi năm nay được ra theo hướng  có tỷ lệ “ưu tiên” cho việc xét tốt nghiệp THPT. Phải chăng rút kinh nghiệm từ những năm trước khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thường trên 90%, năm nay nếu dưới 90% có thể xã hội sẽ bị sốc và đề thi được ra theo hướng tương đối dễ?

TS. Nguyễn Khắc Thái: Tôi thì cho rằng bộ đề thi năm nay đã có sự phân lập trình độ trong một số đề thi, cái đó là ưu điểm cần được phát huy.

Đề thi cần có trên 50% dành cho việc xét tốt nghiệp và tỷ lệ còn lại dành cho nâng cao để xét vào đại học, cao đẳng. Tất cả những thí sinh có năng lực mà trả lời được phần nâng cao thì tất yếu sẽ trả lời được phần tốt nghiệp.

Nếu là kỳ thi “hai trong một” thì đề thi phải ra như vậy, phải chứa đựng trong đó hai yếu tố, một yếu tố thỏa mãn yêu cầu tốt nghiệp, một yếu tố thỏa mãn yêu cầu nâng cao.

Ông suy nghĩ như thế nào khi năm nay có hai loại cụm thi cũng giống như hình ảnh của hai kỳ thi như mọi năm?

TS. Nguyễn Khắc Thái: Tôi không tán thành việc phân thành hai cụm thi như năm nay.

Hai loại cụm thi này gây nên một cảm nhận không tốt trong thế hệ trẻ. Con mắt nhìn giữa học sinh với nhau cũng đã không tốt. Phân thành hai cụm thi cũng sẽ gây khó khăn cho con đường phát triển sau này đối với một số thí sinh, có thể trước mắt vì hoàn cảnh gia đình, vì trình độ thì học sinh chỉ đăng ký cụm thi tốt nghiệp.

Thậm chí có những em rất giỏi nhưng không đăng ký cụm xét đại học, vì bản thân học sinh đó nhìn thấy không có tương lai trong lúc việc. Vì vậy, số học sinh chỉ đăng ký thi cụm để xét tốt nghiệp không hẳn là học sinh kém.

Phân chia hai cụm thi như trên về mặt xã hội sẽ tạo nên hiệu ứng xấu về tâm lí, tình cảm, sự tự tin của học sinh. Nên bình đẳng ở mọi đối tượng thi, chỉ nên phân loại trong đề thi.

Nếu Kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục được áp dụng những năm tới thì theo ông cần phải được hoàn thiện, cải tiến như thế nào?

TS. Nguyễn Khắc Thái: Thứ nhất, theo tôi cần hoàn chỉnh lại đề thi, làm sao để đề thi có trên 50% câu hỏi đáp ứng được để xét tốt nghiệp, còn lại là đặt ra yêu cầu cho đại học.

Thứ hai, thống nhất một kỳ thi chung trong toàn quốc.

Thứ ba, nghiên cứu lại các điểm thi, làm thế nào để tránh học sinh đi xa. Ví như từ Hà Tĩnh ra Vinh (Nghệ An) để thi thì không khác gì từ Hà Tĩnh ra Hà Nội. Đã rời khỏi quê hương thì đều khó khăn.

Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua nếu nói tiết kiệm là không đúng, vì mọi chi phí vẫn như những kỳ thi trước, không có gì thay đổi, có giảm chỉ giảm một bộ phận không rời khỏi quê hương và chấp nhận thi tốt nghiệp tại địa phương.

Việc phân chia môn thi năm nay cũng chưa được hợp lí, nên mới xảy ra tình trạng có hội đồng chỉ có 1 thí sinh dự thi. Có thể theo phương án, các môn bắt buộc chung thì thi chung còn các môn tự chọn có thể thi chung và có đề riêng.

Năm nay là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi quốc gia, vậy theo ông cần xã hội sẽ giám sát kỳ thi này như thế nào để khách quan nhất?

TS. Nguyễn Khắc Thái: Theo tôi, sau khi chấm thi có kết quả thi xong Bộ GD&ĐT nên tổ chức những Hội nghị đánh giá rút kinh nghiệm, có tính xã hội. Gồm những cơ quan đào tạo từ bậc giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, đại diện một số nhà khoa học.

Từ đó mới rút ra được kinh nghiệm, từ đó mới có điều chỉnh. Tuy nhiên, để tránh tình trạng rơi vào trạng thái của con lắc, tức điều chỉnh từ trạng thái tả sang trạng thái hữu khiến cho mỗi năm có một sự thay đổi, và mỗi học sinh như một vật thí nghiệm cho thi thử là không đúng.

Đánh giá, rút kinh nghiệm và khắc phục dần, chứ không phải năm nay thi kiểu này, năm tới xóa đi thi kiểu khác.

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*