Ngành công nghiệp dược phẩm đang phát triển ở Việt Nam

Ngày 10/01/2014 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 68/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước.

Theo IMS Health, Việt Nam thuộc 17 nước có ngành công nghiệp dược đang phát triển. Phân loại này dựa trên tiêu chí chủ yếu là tổng giá trị thuốc tiêu thụ hàng năm, ngoài ra còn có các tiêu chí khác như mức độ năng động, tiềm năng phát triển thị trường và khả năng thay đổi để thích nghi với các biến đổi chính sách về quản lý ngành dược tại các quốc gia này.

Thị trường giàu tiềm năng

Thị trường dược phẩm Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á, khoảng 16% hàng năm. Năm 2013 tổng giá trị tiêu thụ thuốc là 3,3 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020 (BĐ1).

Cơ cấu thị trường thuốc chủ yếu là thuốc generic chiếm 51,2% trong năm 2012 và biệt dược là 22,3%. Kênh phân phối chính là hệ thống các bệnh viện dưới hình thức thuốc được kê đơn (ETC) chiếm trên 70%, còn lại được bán lẻ ở hệ thống các quầy thuốc (OTC) (BĐ2). Tiêu thụ các loại thuốc tại Việt Nam hiện nay cũng đang trong xu hướng chung của các nước đang phát triển, đó là điều trị các bệnh liên quan đến chuyển hóa và dinh dưỡng chiếm tỷ trọng nhiều nhất (20%) (BĐ3).

Mức chi tiêu cho sử dụng thuốc của người dân Việt Nam còn thấp, năm 2012 là 36 USD/người/năm (so với Thái Lan: 64 USD, Malaysia: 54 USD, Singapore:138 USD), cùng với mối quan tâm đến sức khỏe ngày càng nhiều của 90 triệu dân sẽ là những yếu tố thúc đẩy phát triển ngành dược Việt Nam.

BĐ1: Tăng trưởng tổng giá trị tiêu thụ thuốc và chi tiêu bình quân đầu người cho dược phẩm

1214_TGDL_duocVN_Loan BT-BD01

Nguồn: Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS).

BĐ2: Cơ cấu thị trường thuốc ở Việt Nam

1214_TGDL_duocVN_Loan BT-BD02

Nguồn: Công ty Cổ phần Chứng khoán Thiên Việt, BMI Pharmaceuticals & Healthcare Report.

BĐ3: Cơ cấu doanh thu thuốc theo bệnh ở Việt Nam, 2013

1214_TGDL_duocVN_Loan BT-BD03

Nguồn: Hang T. Nguyen, Ngành dược phẩm Việt Nam, 2014; Cục Quản lý Dược.

Thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc chủ yếu là nhập khẩu

Công nghiệp dược Việt Nam chỉ mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sử dụng thuốc tân dược của người dân và 50% còn lại phải nhập khẩu, chưa kể nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và các hoạt chất để sản xuất thuốc. Tổng giá trị nhập khẩu thuốc năm 2013 trên 1,8 tỷ USD, trong khi năm 2008 con số này chỉ mới 864 triệu USD, tăng hàng năm trong giai đoạn 2008-2013 là 18% (BĐ4).

Năm 2013, thuốc nhập vào Việt Nam chủ yếu từ các thị trường Pháp, Ấn Độ và Hàn Quốc….(BĐ5), còn nguyên liệu để sản xuất thuốc đa số nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, lần lượt là 52% và 16% tổng giá trị nhập khẩu (Bảng 1). Về nguyên liệu đông dược, 90% nhập từ Trung Quốc, còn lại là thảo dược trồng ở Việt Nam, phổ biến như atisô, đinh lăng, cam thảo, cao ích mẫu, diệp hạ châu,…

BĐ4: Tình hình nhập khẩu thuốc của Việt Nam

1214_TGDL_duocVN_Loan BT-BD04

Nguồn: 2014: Italian Trade Agency, Brief sector note on pharmaceutical industry in Vietnam; ICE processing of General Statistics Office data.

BĐ5: Thị trường nhập khẩu thuốc của Việt Nam, năm 2013

1214_TGDL_duocVN_Loan BT-BD05

Nguồn: 2014: Italian Trade Agency, Brief sector note on pharmaceutical industry in Vietnam; ICE processing of General Statistics Office data.

Bảng 1: Nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất thuốc của Việt Nam

1214_TGDL_duocVN_Loan BT-B01

Nguồn: VINANET, NG.Hương,Tổng quan ngành dược phẩm Việt Nam năm 2013.

Doanh nghiệp sản xuất dược phẩm ở Việt Nam

Các doanh nghiệp (DN) dược phẩm Việt Nam mới phát triển sau năm 1990, có tuổi đời khá trẻ so với thế giới. Hiện có 178 DN sản xuất thuốc, trong đó có 98 DN sản xuất tân dược, 80 DN sản xuất đông dược và 30 cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền. Hệ thống phân phối thuốc rộng khắp cả nước với trên 2.200 đơn vị và 43.000 cơ sở bán lẻ. Dù vậy, Việt Nam vẫn chưa có một nền công nghiệp dược hiện đại, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường và chưa có công nghiệp sản xuất nguyên liệu dược. Các DN dược Việt Nam đa số sản xuất thành phẩm từ nguyên liệu nhập, hiện mới có một nhà máy sản xuất nguyên liệu kháng sinh tổng hợp của Mekophar, sản lượng thiết kế khoảng 200 tấn amoxicillin và 100 tấn ampicillin mỗi năm, chỉ đủ cho nhu cầu của bản thân DN.

Trong đó DN dược trong nước có mặt trên sàn chứng khoán, năm 2013, 3 DN dẫn đầu doanh thu thuần là DHG, TRA và DMC. Giai đoạn 2009 – 2013, DN có tăng trưởng doanh thu cao là TRA, PPP và DHG với mức lần lượt là 22,5%, 19,3% và 19,2%. Tăng trưởng lợi nhuận đáng kể trong giai đoạn này là TRA đạt 35,3% và PMC là 23,9%. Tuy nhiên SPM lại có mức tăng trưởng lợi nhuận âm -27,2% khá lớn (Bảng 2).

Bảng 2: Doanh thu một số doanh nghiệp dược

1214_TGDL_duocVN_Loan BT-B02

Nguồn: Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS).

Chi phí quản lý DN của các DN dược phẩm bình quân chiếm khoảng 8% doanh thu thuần năm. Các DN đầu ngành là DHG, IMP, TRA, PMC có tỷ trọng chi phí quản lý năm 1013 tăng nhẹ so với năm 2012. Tỷ trọng này tăng mạnh ở DCL (từ 4,2% lên 8,3 %), và giảm nhiều ở DMC (từ 9,5% giảm còn 7,78%) (BĐ6).

Chi phí bán hàng của các DN dược bình quân chiếm khoảng 17% doanh thu thuần năm. IMP, DHG và OPC là những DN quy mô tương đối lớn, có mạng lưới bán hàng phủ rộng toàn lãnh thổ Việt Nam và có chi phí bán hàng lớn (hơn 20%) (BĐ6).

Do hầu hết đều sản xuất các dòng thuốc phổ biến có giá rẻ nên DN nội địa cạnh tranh quyết liệt trong phân khúc thị trường hạn hẹp, trong khi biệt dược có giá trị cao đều do DN nước ngoài chiếm lĩnh.

Các DN dược trong nước đang có xu hướng nâng cấp nhà máy sản xuất đạt các tiêu chuẩn quốc tế như PIC/S-GMP, EU-GMP để sản xuất thuốc generic chất lượng cao nhằm tăng khả năng thâm nhập kênh phân phối ETC và xuất khẩu; đồng thời gia công và sản xuất thuốc nhượng quyền là con đường ngắn và hiệu quả để theo kịp trình độ của ngành dược thế giới và tăng năng lực cạnh tranh.

BĐ6: % chi phí quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần

1214_TGDL_duocVN_Loan BT-BD06

Nguồn: FPTS.

Ghi chú:

DHG – Công ty cổ phần Dược Hậu Giang.
IMP – Công ty cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM.
DMC – Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco.
TRA – Công ty cổ phần Traphaco.
DCL – Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long.
OPC – Công ty cổ phần Dược phẩm OPC.
PMC – Công ty cổ phần Dược phẩm Dược liệu Pharmedic.
SPM – Công ty cổ phần SPM.
DBT – Công ty cổ phần Dược phẩm Bến Tre.
DHT – Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây.
LDP – Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng.
VMD – Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex.
PPP – Công ty cổ phần Dược phẩm Phong Phú.

BĐ7: % chi phí bán hàng/doanh thu thuần

1214_TGDL_duocVN_Loan BT-BD07

Nguồn: FPTS.

VŨ TRUNG

 

 

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*