Chiến sĩ công an làm gì?

Trong khuân khổ bài hướng dẫn định hướng nghề nghiệp chúng tôi mô tả những công việc mà chiến sĩ công an sẽ làm việc sau khi bạn trở thành chiến sĩ công an, giúp bạn định hường lựa chọn cho phù hợp với bản thân, gia đình.

Các chức năng của Công an nhân dân Việt Nam

Là một bộ phận của lực lượng vũ trang Việt Nam, lực lượng Công an nhân dân được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó ba chức, năng chủ yếu:

  • Tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp bảo vệ an ninh, trật tự;

  • Thực hiện quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự trong phạm vi cả nước;

  • Tiến hành các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động gây tổn hại đến an ninh, trật tự; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và cuộc sống tự do, hạnh phúc, lao động hòa bình của nhân dân.

Làm công an không phải làm quan cách mạng. Làm công an là để giữ trật tự an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưa phản động làm hại nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Công an nhân dân Việt Nam được cấu thành từ ba bộ phận chính.

  • Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ

Là những cán bộ, chiến sĩ được đào tạo nghiệp vụ chính quy tại các trường đào tạo công an.

  • Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật

Là những cán bộ, chiến sĩ được đào tạo từ các ngành nghề khác phục vụ trong ngành công an, đồng thời đã trải qua khóa học nhất định về nghiệp vụ công an.

  • Học viên

Những học viên đang học tại các trường đào tạo trong ngành công an.

Giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu những vị trí công việc cơ bản của chiến sĩ công an nhân dân

Trong lực lượng cảnh sát

Bạn muốn trở thành một chiến sĩ cảnh sát và đang tự hỏi minh sẽ làm những công việc gì. Cảnh sát Việt Nam bao gồm rất nhiều lực lượng nghiệp vụ để đảm bảo an ninh trật tự, bình yên trên mọi lĩnh vực và ở mọi miền Tổ quốc. Mỗi lực lượng có một công việc đặc thù riêng trong phạm vi nhất định để đảm bảo hiệu quả cao nhất. Trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, các chiến sĩ công an sử dụng mọi biện pháp nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ được nhân dân tin tưởng giao phó. Khoác trên mình màu áo công an nhân dân, bạn có thể trở thành:

  • Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội

Thi thoảng, bạn lại thấy có chú công an khu vực đến chơi nhà, ngồi hỏi chuyện cha mẹ bạn. Bạn đừng tưởng chú công an đi chơi nhé, chú ấy đang làm nhiệm vụ đấy. Các chú công an khu vực là một bộ phận quan trọng của lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Đảm bảo trật tự nơi công cộng; đăng kí, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; cấp và quản lý chứng minh nhân dân; quản lý vũ khí, vật liệu nổ; quản lý con dấu; quản lý những người thuộc diện quản chế, cải tạo tại chỗ, cải tạo không giam giữ, án treo; hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng v.v… Đó là những công việc hàng ngày của lực lượng cảnh sát hành chính về trật tự xã hội.

Do đặc thù công việc của mình, các chiến sĩ cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thường rất gần gũi với người dân. Nhiều người được nhân dân coi như người thân trong gia đình. Thông thuộc địa bàn, nắm vững về từng người dân, họ cũng là lực lượng hỗ trợ đắc lực trong công tác điều tra, truy quét tội phạm.

  • Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Cảnh sát hình sự)

Bạn đã từng hồi hộp theo dõi những bộ phim hình sự nước ngoài hay phim truyền hình dài tập Cảnh sát hình sự? Cuộc đấu tranh với bọn tội phạm ngoài đời còn cam go và khốc liệt hơn trên màn bạc rất nhiều. Trong mặt trận đó, những chiến sĩ cảnh sát hình sự vẫn ngày đêm chiến đấu để giữ gìn sự bình yên cho từng mái nhà, từng con phố… Các đội cảnh sát SBC (săn bắt cướp) với những chiến công vang dội chính là thuộc lực lượng này.

Tham gia vào hàng ngũ cảnh sát hình sự, bạn có nhiệm vụ tiến hành các biện pháp trinh sát và hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật, để điều tra, khám phá tội phạm về trật tự xã hội (trừ tội phạm về ma túy và tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ), góp phần bảo vệ tài sản cũng như tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

  • Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy

Tội phạm ma túy luôn là một trong những loại tội phạm liều lĩnh, nhiều thủ đoạn nhất. Chúng hình thành đường dây khép kín, hoạt động chia cắt theo từng khâu, luôn thay đổi quy luật hoạt động và sử dụng công nghệ cao để trách bị phát hiện. Bị bắt, chúng rất ngoan cố, thậm chí tìm mọi cách mua chuộc các chiến sĩ. Trên mặt trận gay go, nóng bỏng này, các chiến sĩ công an đã kiên quyết đấu tranh đến cùng, không ngại hy sinh, xóa sổ nhiều đường dây buôn bán ma túy lớn nhỏ trong những năm qua.

Nhiệm vụ cụ thể của cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy là nghiên cứu, nắm bắt tình hình hoạt động của các loại tội phạm ma túy, từ đó phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của tội phạm về ma túy để đề xuất, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa đấu tranh. Bên cạnh đó, họ nghiên cứu phương thức, thủ đoạn và quy luật hoạt động của tội phạm về ma túy, tiến hành hoạt động điều tra tội phạm về ma túy theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Y học vẫn có câu: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Điều này cũng đúng với công việc của các chiến sĩ công an. Một hoạt động khác không kém phần quan trọng của lực lượng cảnh sát này là phối hợp với các cơ quan trong và ngoài ngành để tổ chức công tác tuyên truyền, phòng chống tội phạm về ma túy.

Những chú chó nghiệp vụ tài ba đã giúp các chiến sĩ công an phá nhiều vụ án tưởng như đi vào bế tắc vì không tìm được vật chứng, các đối tượng nghi can bỏ trốn hoặc không nhận tội. Ngoài việc giám biệt và đánh hơi truy tìm dấu vết, chó nghiệp vụ còn tham gia tuần tra kiểm soát, dẫn giải tội phạm… Chú chó nào được lựa chọn phải vượt qua yêu cầu rất cao về sức khỏe, khả năng chịu đựng căng thẳng, sự thính nhạy của khứu giác, sự linh hoạt v.v… Đồng thời, chú ta cũng phải trải qua các khóa huấn luyện rất ngặt nghèo.

  • Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ

Bạn thường theo dõi báo chí và thấy một loạt những vụ án lớn về tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quỹ nhà nước, lừa đảo… bị đưa ra ánh sáng. Đó chính là chiến công của những chiến sĩ cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ.

Nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát này là tiến hành các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa và ngăn chặn các tội phạm xâm phạm sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội; các tội phạm về chức vụ và tội phạm kinh tế khác được quy định tại Bộ luật hình sự.

  • Cảnh sát phòng cháy chữa cháy

Bảo vệ người dân khỏi “giặc lửa” là nhiệm vụ của những chiến sát cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Họ quản lý, tổ chức, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trên toàn quốc, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

  • Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp

Đây là các chiến sĩ làm những công việc thầm lặng, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của toàn lực lượng. Nhiệm vụ của cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp là canh gác, bảo vệ các mục tiêu quan trọng như Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, các đại sứ quán; tổ chức tuần tra, cơ động chiến đấu kịp thời trấn áp mọi hoạt động phá rối an ninh, trật tự; bảo vệ các phiên tòa, bắt giữ, áp tải bị can, dẫn giải người làm chứng, quản lý kho vật chứng và hỗ trợ công tác thi hành án…

  • Cảnh sát giao thông

Quen thuộc nhất với chúng ta có lẽ chính là những chiến sĩ cảnh sát giao thông với màu áo vàng đặc trưng. Lực lượng này có nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo và tiến hành công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; giáo dục, tuyên truyền cho người dân về Luật Giao thông. Cảnh sát giao thông bao gồm hai lực lượng hợp thành: cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt, cảnh sát giao thông đường thuỷ.

Ngoài ra, trong lực lượng cảnh sát, còn có thể kể đến một số đội cảnh sát đặc biệt như: Cảnh sát trật tự, Cảnh sát 113 thuộc Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát cơ động thuộc Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp v.v…

Giữ bí mật tuyệt đối là yêu cầu hàng đầu của người chiến sĩ tình báo vì nhiều khi họ phải sống trong lòng địch hết sức nguy hiểm. Ngoài cấp trên trực tiếp giao nhiệm vụ, không ai khác (kể cả những người thân trong gia đình như bố mẹ, anh em, vợ con v.v…) được biết về công việc của những “người anh hùng lặng lẽ” này.

Lực lượng an ninh

Mong ước được tham gia mặt trận giữ vững an ninh quốc gia, bạn có thể tham gia vào lực lượng an ninh. Âm thầm, lặng lẽ, ít xuất hiện trước công chúng nhưng cũng đầy quyết liệt, mưu trí và dũng cảm, các chiến sĩ an ninh đã triệt phá bao âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch và phản động, giữ vững độc lập và thống nhất đất nước. An ninh nhân dân gồm nhiều lực lượng nghiệp vụ hợp thành: trinh sát ngoại tuyến; kỹ thuật nghiệp vụ; quản lý xuất, nhập cảnh; an ninh kinh tế; an ninh văn hóa, tư tưởng; tình báo; chống gián điệp…

  • An ninh văn hóa – tư tưởng

Đây là mặt trận không tiếng súng nhưng cũng vô cùng cam go bởi các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi thủ đoạn xấu để xâm hại an ninh, trật tự trong lĩnh vực tư tưởng – văn hóa. Nhiệm vụ của những chiến sĩ an ninh trên mặt trận này là phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động xâm hại an ninh, trật tự trong lĩnh vực tư tưởng – văn hóa do các thế lực thù địch và bọn tội phạm khác tiến hành; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

  • An ninh tình báo

Những câu chuyện về các chiến sĩ tình báo trong và ngoài nước từng khiến bạn mê mẩn? Cuộc sống của người chiến sĩ tình báo dường như luôn được che phủ bởi một lớp màn bí mật, pha chút màu sắc huyền thoại. Nhiệm vụ cụ thể của họ là phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu và hoạt động thâm nhập, phá hoại của cơ quan đặc biệt của nước ngoài.

Thường xuyên phải hoạt động trong điều kiện nguy hiểm và căng thẳng, được lựa chọn vào lực lượng này thường là những người ưu tú, đặc biệt mưu trí và dũng cảm với thần kinh thép và bản lĩnh tuyệt vời.

  • An ninh kinh tế

Sự nghiệp phát triển nền kinh tế đất nước đòi hỏi phải thực hiện đúng đắn, có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước; bảo vệ các bí mật Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế; đảm bảo sự an toàn của các cơ sở vật chất, kĩ thuật, tài sản quốc gia, các mục tiêu kinh tế trọng điểm, đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế. Bởi vậy, các chiến sĩ an ninh kinh tế có nhiệm vụ đấu tranh chống các âm mưu, hoạt động phá hoại về kinh tế có tính chất an ninh, tình báo, gián điệp, phá hoại kinh tế do các thế lực thù địch và các loại tội phạm kinh tế gây ra.

 

BẠN CÓ BIẾT

Công an hiệu kết hợp với cấp hiệu, phù hiệu

  • Công an hiệu

Biểu tượng của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, được gắn trên mũ của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an.

  • Phù hiệu kết hợp với cấp hiệu

Bậc quân hàm mang ở vai áo trang phục, được phân biệt chủ yếu bằng vạch, sao và màu nền. Cấp hiệu của sĩ quan nghiệp vụ nền màu đỏ.

Congan43

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*