Vì sao xét tuyển vào đại học căng thẳng, rắc rối

Các chuyên gia nhận định, đó là kết cục của việc thí sinh tìm hiểu thông tin chưa đầy đủ, chưa xác định đúng vị trí của mình; Các trường xử lý thông tin chưa khoa học và Bộ Giáo dục chưa hình dung hết khó khăn khi thực hiện.

Hành trình xét tuyển nguyện vọng 1 vào đại học, cao đẳng năm 2015 đã đi được 2/3 chặng đường. Những ngày qua, tình trạng căng thẳng của “đợt thi thứ 2” – cuộc đua vào đại học diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước, đặc biệt là các trường phía Nam. Thí sinh phải đến trường đại học từ sớm túc trực, xếp hàng chờ đến lượt nộp và rút hồ sơ. Không khí căng thẳng, mệt mỏi từ sân trường kéo vào phòng tiếp nhận. Nhiều em đã bật khóc vì không rút được hồ sơ.

Các chuyên gia đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn gây ra tình trạng này.

Xét tuyển ĐH 2015: Nhiều thí sinh chưa xác định đúng vị trí của mình

Trước thềm xét tuyển đợt 1 vào đại học, cao đẳng, Cục phó Khảo thí và Kiểm định chất lượng Trần Văn Nghĩa đã hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ xét tuyển. Theo đó, các em phải dựa vào ba yếu tố: Điểm chuẩn năm trước của ngành, trường định xét tuyển; Số điểm đạt được; Vị trí của mình theo phổ điểm và không nên lạm dụng việc rút hồ sơ bởi đó chỉ là cách sửa sai, chỉ thực hiện khi chắc chắn mình không đỗ.

Ông Nghĩa đã phân tích, do đề thi năm nay phục vụ hai mục đích xét tốt nghiệp và đại học, nên điểm của thí sinh cũng cao hơn so với năm trước. Riêng điểm sàn – ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cũng đã tăng 2 điểm so với năm trước. Vì vậy, những trường tốp giữa, điểm chuẩn có khả năng tăng khoảng 2 điểm. Ở những trường tốp đầu, ngành hot như Y đa khoa, điểm chuẩn có thể ở mức 28 điểm, do số lượng thí sinh đạt từ điểm này trở lên có vài trăm em.

Mặc dù đã có hướng dẫn rõ ràng, nhưng rất nhiều thí sinh vẫn còn mơ hồ, không xác định được vị trí của mình để lựa chọn ngành học chính xác. Nhiều trường tốp giữa xác định mức điểm nhận hồ sơ là 15, nhưng điểm chuẩn năm trước của nhiều ngành có thể là 17-18. Thế nhưng thí sinh được 15-16 điểm vẫn nộp hồ sơ đăng ký ngành này. Như vậy, chỉ cần vài ngày sau, khi số lượng thí sinh nộp hồ sơ nhiều hơn, em này sẽ bị bật ra khỏi danh sách có thể đỗ, vậy là lại vội vàng đi rút hồ sơ rồi bắt đầu nộp trường khác.

“Nếu năm trước ngành mà thí sinh có nguyện vọng vào lấy 24 điểm, năm nay thí sinh được 25 điểm, thì xác suất nhỏ vẫn có thể trượt. Học sinh bên cạnh đăng ký xét tuyển ngành này, phải căn lấy ba ngành khác năm trước có điểm chuẩn khoảng 22-23 điểm, hoặc 20 điểm thì chắc chắn đỗ (vì đợt 1 thí sinh có thể đăng ký 4 ngành ở một trường)”, Cục phó Khảo thí tư vấn.

Vì sao xét tuyển vào đại học căng thẳng, rắc rối

Việc rút hồ sơ tại Đại học Đà Nẵng chỉ diễn trong vòng 15 phút

Một số đại học thống kê hồ sơ xét tuyển thiếu khoa học

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cứ 3 ngày một lần, các trường phải thống kê danh sách thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển theo thứ tự từ cao xuống thấp để các em biết được vị trí của mình có khả năng đỗ hay không.

Tuy nhiên, bên cạnh một số trường tổ chức nhiều bàn tiếp nhận hồ sơ, sắp xếp số lượng, vị trí thí sinh trong danh sách đăng ký xét tuyển khoa học, dễ nhìn, dễ tìm thì rất nhiều trường để số liệu lộn xộn, xen kẽ các ngành khiến thí sinh như lạc vào ma trận. Các em phải căng mắt để tính toán tổng số hồ sơ nộp vào ngành mình chọn, rồi sắp xếp lại theo trật tự để biết vị trí chính xác của bản thân. Nhiều thí sinh cho biết “vô cùng mệt mỏi và hoang mang”.

Việc sắp xếp hồ sơ, ghi lại phiếu tiếp nhận được nhiều trường ở Đà Nẵng và Hà Nội thực hiện khoa học, nên dù có đông người đến rút, các trường vẫn nhanh chóng giải quyết. Thí sinh không phải vật vã chờ đợi nhiều ngày. Trong khi đó nhiều trường ở phía nam, do khâu tiếp nhận, sắp xếp chưa khoa học nên khi có đông thí sinh đến rút hồ sơ, trường đã lúng túng, không thể giải quyết nhanh.

Bộ Giáo dục chưa lường hết được khó khăn

Thầy Đỗ Văn Xê (Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ) cho biết, thay vì mỗi hồ sơ đăng ký xét tuyển chỉ được chọn một ngành như những năm trước, Bộ Giáo dục lại cho phép thí sinh được chọn tối đa 4 ngành vì đã tin vào khả năng lọc ảo của phần mềm tuyển sinh. Nhưng thực ra việc cho phép thí sinh được chọn 4 ngành đã gây tác hại ngay từ khi nộp hồ sơ chứ không chỉ tạo nên thí sinh trúng tuyển ảo lúc hết hạn.

Với quy định nêu trên, phần lớn thí sinh đăng ký cả 4 nguyện vọng nên tên của các em xuất hiện trong danh sách của cả 4 ngành. Việc thí sinh điểm cao xuất hiện ở danh sách tổng hợp 4 nguyện vọng đã đẩy các bạn có điểm thấp hơn ra ngoài chỉ tiêu làm những em này hoang mang. Số lượng thí sinh điểm cao nộp vào càng nhiều thì sự rối loạn càng tăng mạnh. Điều này khiến nhiều em điểm kém vội vã rút hồ sơ vì lo lắng, trong khi không dự đoán được lượng hồ sơ ảo này.

“Nhiều trường đại học cũng vì tin phần mềm lọc thí sinh ảo của Bộ nên không lường hết tác động của lượng hồ sơ ảo. Họ chưa chuẩn bị phương tiện công nghệ thông tin để hỗ trợ nên chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, rối loạn trong khâu xét tuyển năm nay”, thầy Xê lo ngại.

Ngày 11/8, Bộ ban hành công văn chỉ đạo các trường đại học phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện các biện pháp gỡ rối, cho phép thí sinh nộp đơn xin điều chỉnh nguyện vọng. Tuy nhiên các biện pháp này chủ yếu dựa vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ, trong khi thực tế phần lớn trường đều sử dụng phần mềm riêng để nhận hồ sơ xét tuyển. Theo thầy Xê, giải pháp “chữa lửa” này vì vậy gần như không thể phát huy tác dụng trong khi thời gian hết hạn nộp hồ sơ cận kề.

Xét tuyển đang giống “lập trình động”

Thầy Trần Nam Dũng, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) nhận xét, việc xét tuyển vào đại học năm nay có thể gọi là lập trình động. Để giải một bài toán mà mọi thứ đều thay đổi thì rất khó.

“Cách tốt nhất là chỉ nên cho các em đăng ký vào đại học một lần, với 4, 5 hay 10 nguyện vọng cũng được. Tất cả bỏ hết vào một chương trình chung, rồi cho chạy ra kết quả. Thí sinh trúng nguyện vọng nào thì học nguyện vọng đó, không được thay đổi. Chứ như hiện tại, điều khiển gần một triệu thí sinh mà không có quy tắc, quy định cụ thể thì rối rắm là điều không tránh khỏi”, thầy Dũng nói.

Một giảng viên khác nhận xét, Bộ Giáo dục nói rằng “không để học sinh điểm cao trượt đại học”, nhưng Bộ đang quên mất rằng để làm việc tốt sau khi ra trường thì không phải cứ tạo mọi điều kiện để các em đỗ đại học, kể cả những ngành mà các em không thích là được. Để học tập, làm việc hiệu quả, các em phải có sở trường, đam mê, yêu thích ngành nghề đó. Không phải cứ đỗ vào đại học là tương lai tươi sáng.

“Vì vậy hãy cho các em nhiều lựa chọn cùng một lúc, theo đúng nguyện vọng. Khi tất cả tích hợp vào phần mềm chung, trúng tuyển vào trường nào thì thí sinh đó sẽ không xét tuyển ở trường khác nữa”, vị giảng viên đề xuất.

Từ 6/8, để giúp thí sinh lựa chọn trường và ngành học phù hợp với điểm thi, tăng cơ hội đỗ nguyện vọng 1 trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2015, với lợi thế Công nghệ thông tin, Đại học FPT đã mở thử nghiệm công cụ giúp thí sinh tra cứu thứ hạng điểm thi THPT quốc gia của mình một cách nhanh chóng tại địa chỉ http://tuvanchontruong.fpt.edu.vn.

Trong phiên bản thử nghiệm, công cụ này còn cung cấp thông tin ngành học của các trường đại học xét tuyển theo 5 khối truyền thống: A (Toán, Lý, Hóa), A1 (Toán, Lý, Tiếng Anh), B (Toán, Hóa, Sinh), C (Văn, Sử, Địa), D1 (Văn, Toán, Tiếng Anh).

Thí sinh chọn khối thi, ghi tổng điểm đạt được, chọn ngành, sau đó bấm tra cứu, công cụ tư vấn sẽ cho ra thứ hạng trong tổng số thí sinh thi khối đó và thông tin xét tuyển của trường có ngành, khối tương ứng.

Ông Nguyễn Danh Quảng, Phó giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét, đây là công cụ hỗ trợ thí sinh rất nhiều trong quá trình tìm hiểu thông tin để quyết định nộp hồ sơ xét tuyển. Đại học FPT cũng sắp ra mắt công cụ tra cứu nguyện vọng 2, cung cấp thông tin về số lượng chỉ tiêu của các ngành/trường còn lại cho đợt xét tuyển NV2.

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*