Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015: Điểm cao vẫn có thể bị trượt

Theo dự báo, điểm của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 tăng so với năm trước, đồng nghĩa với cơ hội xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ là khá rộng. Tấm vé vào giảng đường lại phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của thí sinh khi tham gia xét tuyển. Thế nhưng, nhiều thí sinh khá mù mờ về xét tuyển, lựa chọn không đúng sẽ đánh mất đi cơ hội của chính mình.

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015: Điểm cao vẫn có thể bị trượt

Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 được dự báo điểm thi sẽ cao hơn so với năm trước. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với các thí sinh khi tham gia xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, sau khi có kết quả thi, mỗi thí sinh được Hội đồng thi do trường ĐH tổ chức cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó có một giấy dùng để xét tuyển sinh nguyện vọng (NV) 1 và ba giấy dùng để xét NV bổ sung. Theo ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT): “Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ”.

Cũng theo ông Trinh, thí sinh đã trúng tuyển NV1 không được xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Nếu không trúng tuyển theo NV1, thí sinh dùng 3 bản chính giấy chứng nhận để tham gia xét tuyển NV bổ sung. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ xét tuyển để xét tuyển đợt tiếp theo. Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước. Các trường xét tuyển phải cập nhật dữ liệu vào trường lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia, 3 ngày/1 lần công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách các thí sinh xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp.

Như vậy, một phiếu điểm thí sinh được dự tuyển vào tối đa 4 ngành của một trường ĐH, CĐ. Cơ hội của thí sinh có thể lên tới 16 cơ hội để vào trường ĐH. Tuy nhiên, trên thực tế những năm vừa qua cho thấy các trường ĐH lớn và các ngành thu hút thí sinh giỏi sẽ lấy đủ chỉ tiêu ở ngay NV1, còn các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung chủ yếu là ở các trường địa phương, các trường ngoài công lập. Do đó, cơ hội cho xét tuyển bổ sung của thí sinh đã bị thu hẹp về chỉ tiêu, về số lượng trường và ngành. Thí sinh cần phải cân nhắc thận trọng ngay từ NV1.

Trên thực tế đã chứng minh, nhiều thí sinh có cùng mức 27 điểm nộp vào khoa Bác sĩ Đa khoa của ĐH Y Hà Nội của năm trước cũng đã chứng kiến cả trăm thí sinh bị trượt, dù có cùng 27 điểm. Trong khi đó, nếu năm nay thí sinh không cân nhắc kỹ lưỡng vẫn gặp cảnh “trớ trêu” đó là không vào được ngành mình yêu thích do có quá nhiều thí sinh cùng mức điểm. Khi thí sinh ở nguyện vọng tiếp theo cũng chỉ là thứ tự ưu tiên, trường sẽ lấy thí sinh ưu tiên 1 trước, rồi mới tới các ưu tiên tiếp theo. Mỗi lần lỡ hẹn, thí sinh đều mất đi cơ hội của chính mình và không tận dụng được, vẫn có thể bị trượt dù đủ điểm vào một trường nào đó.

Không nên có tư tưởng đỗ bằng mọi giá

Đánh giá về cơ hội của thí sinh năm nay, TS. Phạm Mạnh Hà – Phó trưởng Khoa công tác thanh niên (Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam) cho rằng, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho các thí sinh so với các năm trước khi tham gia quá trình xét tuyển vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, các em cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng các nguyện vọng của mình. Cách thức xét tuyển đã khác so với năm trước, nếu trước đây thí sinh đăng ký ở trường nào có điểm theo điểm chuẩn là đỗ ngay. Nhưng năm nay, thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia xong mới dùng kết quả để xét tuyển sinh 2015 vào các trường ĐH, CĐ. Theo đó có quá nhiều diễn biến phức tạp, thí sinh khó có thể lường trước được.

Cũng theo TS Phạm Mạnh Hà: “Nhìn chung, chắc chắn năm nay điểm chuẩn NV1 sẽ cao hơn năm trước, vì thế thí sinh cần cân nhắc tới các cơ hội của mình. Thí sinh cần cân nhắc tới khả năng của mình ở lần xét tuyển NV1, nếu trượt sẽ mất đi cơ hội đỗ vào trường uy tín, ngành đào tạo tốt theo mong muốn, vì thế cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét đủ khả năng mới nộp hồ sơ. Ở các cơ hội khác, nên xác định thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4, sao cho các ngành tương đồng, có yếu tố khối thi, nghề nghiệp cơ bản là gần giống nhau, để tránh mắc sai lầm khi chọn nghề mà mình không yêu thích”.

Chia sẻ về cách chọn nghề, theo TS Phạm Mạnh Hà: Hiện nay, có nhiều thí sinh chọn nghề theo cảm tính, nghĩa là theo “đam mê một nửa” hoặc chạy theo ngành nghề sau này có mức thu nhập cao mà không biết mình có tố chất, năng lực, tính cách phù hợp yêu cầu của nghề đó không. Thí sinh nên nhớ, bất cứ ở ngành nào, trường nào nếu người học tốt nghiệp loại giỏi đều dễ xin việc. Điều quan trọng là phải lựa chọn ngành mình thích, thực sự có sở trường, có đam mê chứ không phải ngành đấy thời thượng.

“Để lựa chọn ngành học một cách chuẩn xác thì phải xác định được các bước cơ bản: Liệt kê sở thích, đặt câu hỏi mình giỏi nhất ở lĩnh vực gì (sở trường) và tìm hiểu nhu cầu của xã hội cũng như tính chất công việc mà mình sẽ lựa chọn để đưa ra quyết định đúng đắn. Thí sinh phải xác định ngay được mình sẽ làm gì trong tương lai. Ngành nghề đó được đào tạo ở trường nào, năng lực bản thân đến đâu để ghi vào NV1 thì cơ hội đỗ mới cao, sau này ra trường sẽ không bị hối hận vì chọn sai nghề”, TS Phạm Mạnh Hà đưa ra lời khuyên.

Thời điểm hiện tại, các Hội đồng thi trên cả nước đang tích cực triển khai công tác chấm thi THPT Quốc gia 2015. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trước ngày 30/7, các Hội đồng thi do trường đại học chủ trì in và gửi Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh đã đăng ký dự thi để xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Ngày 1/8, các trường bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH,CĐ. Các trường ĐH, CĐ công bố điểm trúng tuyển NV1 trước ngày 25/8. Công tác xét tuyển nguyện vọng bổ sung của các trường ĐH, CĐ sẽ được tổ chức thành 4 đợt, thời gian từ ngày 25/9 đến ngày 15/11.

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*