Chỉ còn 4 ngày cuối cùng để thí sinh (TS) nộp hồ sơ xét tuyển ĐH-CĐ đợt 1 năm 2015 (từ nay đến hết ngày 20.8), thời điểm này điểm xét tuyển của nhiều trường càng tăng thêm khi những TS điểm cao mới bắt đầu “bung” hồ sơ hoặc rút hồ sơ từ các trường “top đầu” để chuyển sang “top giữa”.
Thí sinh thi THPT Quốc gia 2015
Tuyển sinh 2015: Ngành hot hút thí sinh điểm cao
Nếu chỉ tính tổng điểm 3 môn (không nhân hệ số) thì mức điểm “có khả năng” trúng tuyển vào ngành Bác sĩ đa khoa của ĐH Y Dược TP.HCM đang xếp đầu khu vực phía Nam. Cụ thể, theo mức điểm xét tuyển tối thiểu mà trường này mới công bố, ngành Bác sĩ đa khoa TS muốn trúng tuyển phải đạt từ 27,75 trở lên (năm 2014 là 26 điểm). Tuy nhiên, với các TS đồng mức điểm 27,75 này phải có điểm môn Sinh đạt từ 9,5 điểm trở lên mới có cơ hội trúng tuyển.
Ngoài ra, một số ngành thuộc trường này, TS muốn trúng tuyển phải đạt được mức điểm khá “khủng” với tiêu chí phụ đi kèm như: Bác sĩ răng hàm mặt từ 27,25 điểm với môn Sinh 9 điểm (năm 2014 là 24,5); Dược sĩ 26,25 điểm với môn Hóa 8,75 trở lên (năm 2014 là 25 điểm); Xét nghiệm y học 25 với môn Sinh 8,25 điểm trở lên (năm 2014 là 23,5)… Các ngành còn lại điểm xét tuyển dự kiến trong khoảng 22,25 – 24,5 điểm.
Tương tự, nhiều ngành “hot” của ĐH Sư phạm TP.HCM đến ngày 17.8 rất cao. Chẳng hạn, ngành Sư phạm Toán học 34 điểm (tổ hợp Toán, Lý, Hóa) và 32,25 điểm (tổ hợp Toán, Lý, tiếng Anh); ngành Sư phạm tiếng Anh 33,75 điểm; Sư phạm Hóa 33,3 điểm… Đáng chú ý, một số ngành sư phạm khối xã hội nhân văn cũng có điểm khá cao như: Sư phạm Địa lý 30-32 điểm; Sư phạm lịch sử 31,17 (tổ hợp Văn, Sử, Địa) và 22,25 (tổ hợp Văn, Sử, tiếng Anh).
Còn tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, ngành Báo chí có 408 hồ sơ đăng ký nhưng số TS đạt 25,25 điểm trở lên có tới 108 TS (chỉ tiêu 130); ngành Ngôn ngữ Anh có 515 hồ sơ nhưng đạt 31,5 điểm trở lên có 302 TS (270 chỉ tiêu); ngành Quan hệ quốc tế có 338 hồ sơ nhưng ở khối D01 có 157 TS đạt 23,55 điểm trở lên, 20 TS đạt 23,5 điểm ở khối D14 (160 chỉ tiêu)…
Còn nhiều cơ hội vào trường công
Dù mức điểm chuẩn đang tăng từng ngày nhưng tại nhiều trường ĐH công lập lớn khu vực phía Nam, một số ngành đến thời điểm hiện tại vẫn khá ít hồ sơ đăng ký xét tuyển dù cơ hội việc làm những năm qua khá cao. Tại ĐH Bách khoa TP.HCM, dù một trong những trường “top trên”, nhưng vẫn có một số ngành khó tuyển sinh như: Bảo dưỡng công nghiệp (hệ CĐ) tới thời điểm hiện tại chỉ nhận được 52 hồ sơ trên tổng số 173 chỉ tiêu; ngành Kỹ thuật trắc địa bản đồ 39 hồ sơ/58 chỉ tiêu.
Đặc biệt ở trường này, các ngành thuộc chương trình chất lượng cao và chương trình quốc tế đến ngày hôm nay (17.8) cũng nhận được rất ít hồ sơ. Cụ thể, ở chương trình chất lượng cao các ngành ít hồ sơ gồm: Kỹ thuật dầu khí (27 hồ sơ/52 chỉ tiêu); Quản lý và công nghệ môi trường (14 hồ sơ/35 chỉ tiêu); Kỹ thuật cơ khí (12 hồ sơ/35 chỉ tiêu); Kỹ thuật Máy tính (16 hồ sơ/35 chỉ tiêu)…
Tương tự, với chương trình quốc tế, tình trạng còn “thảm hơn” khi đa số các ngành chỉ 2-3 hồ sơ như: Kỹ thuật địa chất và dầu khí (3 hồ sơ/52 chỉ tiêu); Kỹ sư công nghệ hóa (5 hồ sơ/52 chỉ tiêu); Kỹ sư Xây dựng (2 hồ sơ/52 chỉ tiêu); Cử nhân công nghệ thông tin (2 hồ sơ/52 chỉ tiêu); Kỹ sư công nghệ thông tin (2 hồ sơ/52 chỉ tiêu); Cử nhân quản trị kinh doanh (2 hồ sơ/52 chỉ tiêu)…
Tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cũng có nhiều ngành ít hồ sơ như: ngành Thông tin học (36 hồ sơ/100 chỉ tiêu); Nhân học (13 hồ sơ/60 chỉ tiêu); Văn hóa học (19 hồ sơ/70 chỉ tiêu); Đô thị học (32 hồ sơ/80 chỉ tiêu); Ngôn ngữ Nga (35 hồ sơ/70 chỉ tiêu); Ngôn ngữ Italia (18 hồ sơ/50 chỉ tiêu); Giáo dục học (49 hồ sơ/120 chỉ tiêu)…
Trong khi đó, ở khối ngành nông lâm những năm gần đây mức “cầu” lao động khá lớn ở các chuyên ngành Chế biến lâm sản, thủy sản, Phát triển nông thôn và khuyến nông, Cơ khí nông lâm, Cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm… nhưng các thí sinh lại khá thờ ơ. Tại ĐH Nông lâm TP.HCM, theo ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo nhà trường: Một số ngành như Bản đồ học, nhóm ngành lâm nghiệp, phát triển nông thôn dù có việc làm ngay sau khi ra trường, đáp ứng nhu cầu hết sức lớn cho thị trường lao động vốn đang rất lớn và sẽ còn rất lớn trong tương lai, vậy mà vẫn liên tục gặp khó khăn về đầu vào.
Cụ thể, hiện ngành Phát triển nông thôn mới chỉ có 13 hồ sơ đăng ký (60 chỉ tiêu). Một số ngành khác như: Kinh doanh nông nghiệp cũng chỉ có 12 hồ sơ đăng ký (60 chỉ tiêu); Công nghệ chế biến lâm sản 42 hồ sơ đăng ký (chỉ tiêu 180); Công nghệ chế biến thủy sản 38 hồ sơ (80 chỉ tiêu); Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan chỉ 21 hồ sơ (160 chỉ tiêu); Lâm nghiệp 42 hồ sơ (240 chỉ tiêu)…
Tấp nập rút hồ sơ tại các trường ĐH “tốp” đầu
Không nằm ngoài dự đoán, khi thời điểm chốt hạn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1) chỉ còn 3 – 4 ngày, từ sáng 17.8, khá đông thí sinh đã tập trung về các ĐH tốp đầu ở HN để rút hồ sơ.
Từ 8 giờ sáng, không khí tại nhà C1 ĐH Bách Khoa Hà Nội đã ngột ngạt dưới cái nóng gần 40 độ. Hàng nghìn thí sinh đã tập trung về đây từ khá sớm, đứng ngồi la liệt khắp hành lang tòa nhà, mà phần lớn chỉ để rút hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Em Nguyễn Hữu Quyền, từ huyện Hoài Đức lên đây từ sáng sớm song số thứ tự lên đến 3008 và vẫn đang phải chờ làm thủ tục rút hồ sơ. Lý do Quyền rút hồ sơ là điểm ngành công nghệ thông tin quá cao so với dự định ban đầu nên em rút để chuyển sang khoa CNTT thuộc Học viện Bưu chính Viễn thông.
“Em rất thích học ngành này nên đành chuyển sang cùng khoa ở trường có điểm thấp hơn. Em được 23 điểm, theo bảng xếp hạng mới nhất của trường là lấy từ 22,5 điểm nên em cứ nộp vào, dù vẫn khá phiêu. Nếu không đỗ đành học NV2 là khoa Điện tử viễn thông, điểm chuẩn lấy thấp hơn với 20,5 điểm thời điểm hiện tại” – Quyền cho biết.
Lặn lội từ Hải Dương lên Hà Nội để rút hồ sơ, thí sinh Nguyễn Ngọc Đức tỏ ra thất vọng khi điểm thi của mình khá cao với 24,5 điểm nhưng điểm chuẩn dự báo của khoa Kỹ thuật điện tử – nơi em đăng ký NV1 lại vượt lên đến 25,5 điểm.
Theo Đức, với điểm của mình, chắc chắn khó có hi vọng đỗ bởi lượng thí sinh đăng ký vào đây rất đông trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của khoa chỉ hơn 500 em. Đức sẽ chờ đến chiều nay để rút được hồ sơ ra, và sáng mai sẽ mang sang nộp ở khoa Xây dựng dân dụng công nghiệp ở ĐH Xây dựng. Khoa này điểm đầu vào cao nhất đang là mức 24,5 điểm nên Đức yên tâm hơn.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều thí sinh ở ĐH Bách khoa Hà Nội khi khác xa dự tính ban đầu, điểm chuẩn nhiều khoa “hot” tăng vọt lên cao, từ dự báo 19 – 21 điểm lên đến 24 – 25 điểm khiến nhiều thí sinh chới với, phải nhanh chóng rút hồ sơ.
Tại ĐH Kinh tế quốc dân sáng 17.8, tình trạng rút hồ sơ cũng không kém sôi động khi phần lớn thí sinh đến để rút hồ sơ sang các trường “tốp” dưới do điểm chuẩn tăng chóng mặt.
Để tiện cho thí sinh và phụ huynh theo dõi, trường dán bảng kết quả trúng tuyển đến ngày 15.8 ở cổng vào. Lê Thị Ngọc Huyền, đến từ Hưng Yên, lúc đầu khá tự tin với 25 điểm nộp vào khoa Kế toán.
Tuy nhiên hiện tại, điểm chuẩn của khoa đã lên đến 25.75 điểm và dự báo còn cao nữa. “Em sẽ điều chỉnh sang khoa Quản trị kinh doanh cùng trường. Lúc đầu nộp vào khoa này thấy tự tin nhưng sau mấy hôm thấy tụt hạng quá nên em phải chuyển ngành. Giờ chuyển khoa điểm vào thấp hơn nhưng em vẫn rất lo lắng” – Huyền cho hay.
Theo ghi nhận, để chủ động với tình huống dồn ứ thí sinh đến rút hồ sơ, công tác tiếp nhận hồ sơ, tư vấn tại hai trường trên được triển khai khá quy củ, có trình tự rõ ràng.
Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, ngoài việc bố trí các bàn cung cấp sẵn đơn xin rút hồ sơ cho thí sinh, trường huy động thêm lực lượng bảo vệ và các cán bộ để giữ trật tự an ninh, hướng dẫn thí sinh đến từng phòng để nộp, rút hồ sơ.
Tại ĐH Kinh tế quốc dân, trường sử dụng hẳn hội trường lớn để thí sinh đến làm thủ tục rút hồ sơ, cùng với đó là các bàn hướng dẫn cụ thể, lực lượng cán bộ cũng huy động nhiều hơn, chia ra từng nhóm riêng. Vì thế dù số lượng thí sinh đến đông song công tác tiếp nhận hồ sơ vẫn diễn ra suôn sẻ.
1 quan tâm “Tuyển sinh ĐH-CĐ 2015: Sốc với điểm ngành “hot””