“Đã có rất nhiều thí sinh phải đi xa vất vả, điều này khiến Bộ GD&ĐT rất áy náy và cũng chia sẻ”, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga nói.
GS.TS Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, thấy nhiều thí sinh vất vả Bộ đã rất áy náy.
Sau 13 năm giữ kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ ổn định theo phương thức 3 chung, năm nay, Bộ GD&ĐT đã quyết định tạo ra bước đột phá mới. Vì thế, việc thí sinh, phụ huynh, và các trường còn bỡ ngỡ với phương thức mới là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, cách thức tổ chức và phương pháp thực hiện công tác xét tuyển năm nay vẫn còn những vấn đề vướng mắc. Điều này khiến cho các khâu vận hành thiếu trơn tru, thông suốt và làm mất khá nhiều công sức, cũng như thời gian của những người trong cuộc.
GS.TS Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT- nói: “Tôi rất cảm kích quyết tâm theo đuổi ngành nghề yêu thích của các thí sinh trong suốt quá trình tuyển sinh vừa qua. Tôi cũng rất băn khoăn và chia sẻ với thí sinh và phụ huynh về những vất vả trong việc nộp và rút hồ sơ xét tuyển”.
Năm 2015, mặc dù Bộ GD&ĐT đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng quy chế tuyển sinh 2015 mới. Trong quá trình xét tuyển vừa qua, Bộ cũng luôn luôn có những giải pháp để kịp thời điều chỉnh các tình huống xảy ra, tuy nhiên vẫn có những vấn đề Bộ không lường trước được như: tâm lý của người nhà và thí sinh luôn muốn đến trường để rút – nộp hồ sơ. “Bởi vậy, đã có rất nhiều thí sinh phải đi xa vất vả, điều này khiến Bộ rất áy náy và cũng rất chia sẻ” – GS.TS Bùi Văn Ga bày tỏ.
Để những kì xét tuyển sau được thuận lợi hơn, thực sự có thể giảm áp lực cho các thí sinh và phụ huynh, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ xây dựng lại quy chế cho phù hợp, hài hòa giữa quyền tự chủ của các trường và lợi ích của thí sinh. Đặc biệt, Bộ sẽ tham khảo tâm lý cầu thí sinh và xã hội.
Ngoài ra, đối với các nhà trường cũng cần đưa ra điểm nhận hồ sơ ở mức phù hợp, không nên đưa ra mức thấp quá, khiến nhiều thí sinh phải nộp vào, sau đó lại phải rút ra. Đối với các thí sinh cần phải sử dụng các giải pháp công nghệ thông tin để việc đăng ký xét tuyển được hiệu quả.
Kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1, GS.TS Bùi Văn Ga cũng cho biết, ông rất tiếc khi giải pháp mà Bộ đưa ra giúp thí sinh giảm bớt việc đi lại khi làm thủ tục rút – nộp hồ sơ qua kênh Sở GD-ĐT các địa phương, đã không có nhiều thí sinh thực hiện.
Những giọt nước mắt vì xét tuyển
Dù đã hết hạn đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1, nhưng những hình ảnh thí sinh nháo nhào rút – nộp hồ sơ trong ngày cuối cùng 20/8 vẫn khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Nước mắt, sự tiếc nuối, mệt mỏi… là những gì người ta thấy ở nhiều phòng nộp – rút hồ sơ đại học.
Câu chuyện của thí sinh Vũ Thị Phương Hạnh, đến từ Hải Phòng, là ví dụ điển hình của tình trạng “chơi chứng khoán” điểm số năm nay. Hạnh thi khối D được 24,25 điểm, tự tin nộp vào khoa Quản trị Kinh doanh của Đại học Ngoại thương, Hà Nội.
Đến ngày 17/8, nữ sinh rút hồ sơ ra vì cơ hội trúng tuyển thấp.Từ đó đến ngày cuối nhận hồ sơ xét tuyển, 2 mẹ con Hạnh thuê phòng trọ ở gần Đại học Kinh tế Quốc dân để hàng ngày đến trường theo dõi tình hình xét tuyển. Sự tốn kém, mệt mỏi đeo đuổi hai mẹ con trong những ngày “căng như dây đàn” chờ đợi. “Biển người” nộp hồ sơ tại Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội chiều 20/8. Ảnh: Minh Đức.
Sáng 20/8, biết khó đỗ Đại học Kinh tế Quốc dân, nữ sinh quyết định nộp hồ sơ vào Học viện Tài chính (dự kiến điểm chuẩn đến ngày 19/8 là 21,75 điểm). Lo lắng, thương con, khi phóng viên hỏi, bà Hồng đã bật khóc vì sự đổi mới năm nay của ngành giáo dục. “Không chỉ mình con tôi khổ mà cả gia đình cùng khổ. Con tôi điểm cũng cao, mọi năm có thể chắc chắn đỗ đại học, nhưng giờ thì ăn chực nằm chờ để tìm cơ hội mà vẫn vô vọng”, bà Hồng gạt nước mắt nói.
Còn tại TPHCM, nhiều phụ huynh, thí sinh cũng bật khóc khi phút 89 khóa hồ sơ. Người đau đớn vì bị đánh bật khỏi ngưỡng điểm trúng tuyển dự kiến. Có thí sinh thất thần, lo âu vì không biết quyết định rút – nộp của mình rồi sẽ đi đến đâu…
“Khó tránh khỏi vướng mắc”
“Trong quá trình xét tuyển, Bộ GD&ĐT có những giải pháp để kịp thời điều chỉnh các tình huống xảy ra, tuy nhiên, vẫn có những vấn đề Bộ không lường trước được như: Tâm lý của người nhà và thí sinh luôn muốn đến trường để rút – nộp hồ sơ. Bởi vậy, đã có rất nhiều thí sinh phải đi xa vất vả, điều này khiến Bộ GD&ĐT rất áy náy và cũng rất chia sẻ”.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, việc rút, nộp hồ sơ trong đợt xét tuyển vừa qua chỉ tập trung ở số ít các trường lớn uy tín.
“Thực tế chỉ khoảng 30-40 trường trên tổng số hơn 400 đại học, cao đẳng của cả nước (chiếm 10%) có sức thu hút mạnh mẽ thí sinh. Mặt khác, gần 10.000 thí sinh đã đế1n các sở GD&ĐT của địa phương làm thủ tục điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, không đến rút hồ sơ ở trường. Vì vậy, số thí sinh thực tế phải đi lại nhiều không thể so sánh với hàng triệu lượt thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và mỗi đợt thi đại học, cao đẳng hằng năm trước đây”, ông Ga khẳng định.
ông Ga, việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích rõ ràng giảm được chi phí và áp lực thi cử rất lớn cho xã hội. Bộ GD&ĐT rất chia sẻ sự lo lắng của thí sinh, phụ huynh vất vả đến trường để rút, nộp hồ sơ mới yên tâm. Tuy nhiên, việc này thực hiện ở sở GD&ĐT sẽ an toàn và thuận lợi hơn rất nhiều.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, quy trình có kết quả thi rồi mới đăng ký xét tuyển sẽ giúp thí sinh chọn được ngành học mình yêu thích, hạn chế nhiều rủi ro chọn ngành, trường. Khi các trường tuyển được nhiều thí sinh yêu thích ngành nghề, có năng lực tương đối đồng đều, việc nâng cao chất lượng đào tạo được thực hiện dễ dàng hơn.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích, vì vậy khó tránh khỏi những vướng mắc. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT có những giải pháp để xử lý kịp thời tình huống xảy ra.
Sau khi kết thúc tuyển sinh, Bộ sẽ tổ chức các cuộc họp với sở GD&ĐT, trường đại học, cao đẳng để trao đổi rút kinh nghiệm. Mặt khác, những năm tới, thí sinh sẽ quen dần việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu, từ đăng ký dự thi đến xét tuyển để giảm nhẹ áp lực tuyển sinh. Đây là xu thế tất yếu mà các nước phát triển trên thế giới đều làm. Năm nay, không nhiều thí sinh lựa chọn các giải pháp này.
Trong 3 đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung sắp tới, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho hay, để đơn giản hóa thủ tục nộp hồ sơ, sẽ giao các sở GD&ĐT tiếp nhận và chuyển thông tin đăng ký của thí sinh đến các trường liên quan qua phần mềm tuyển sinh. Với phương án này, thí sinh chỉ đến 1 nơi cũng có thể nộp hồ sơ xét tuyển cho cả 12 nguyện vọng của mình.
Theo quy chế tuyển sinh, trong các đợt xét tuyển bổ sung còn lại, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Thí sinh có thể sử dụng cùng lúc 3 phiếu báo kết quả thi, mỗi phiếu 4 nguyện vọng vào 4 ngành khác nhau của cùng một trường. Như vậy, các em có thể chọn cùng lúc 12 nguyện vọng trong mỗi đợt xét tuyển tới đây
Xét tuyển ĐH – CĐ 2015: Không như kỳ vọng!
Nhiều thí sinh và phụ huynh cho rằng, công tác xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 đã không đạt được như kỳ vọng, khi bộc lộ quá nhiều bất cập, hạn chế.
Hiện công tác xét tuyển đợt 1 của mùa tuyển sinh năm nay theo phương thức mới đã chính thức khép lại. Các Sở Giáo dục và Đào tạo đã gửi số liệu thống kê thay đổi nguyện vọng của thí sinh về cơ sở dữ liệu chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời gửi về các trường để cập nhật. Điểm chuẩn chính thức kèm theo danh sách thí sinh trúng tuyển sẽ được các trường công bố trong vài ngày tới. Tuy nhiên, nhìn lại 20 ngày nhận hồ sơ đăng ký vừa qua với những bất cập nảy sinh trong quá trình xét tuyển đã có thể thấy, kỳ vọng về một mùa tuyển sinh giảm bớt áp lực cho thí sinh và phụ huynh đã không đạt được.
Ưu điểm lớn nhất của phương thức xét tuyển mới là tạo ra nhiều cơ hội hơn để các thí sinh được đỗ vào Đại học. Trước đây, thí sinh chọn trường trước rồi mới đi thi. Sau khi có điểm, các em hoặc là trượt, hoặc là đỗ, hoặc là phải chờ đến các nguyện vọng bổ sung. Còn năm nay, thí sinh thi trước, biết điểm rồi mới đăng ký chọn ngành, chọn trường sau. Trong vòng 20 ngày xét tuyển của đợt 1, các em có quyền nộp và rút hồ sơ vào các trường bao nhiêu lần tùy ý.
Có thể thấy, mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tạo ra một phương thức tuyển sinh mà ở đó quyền lợi, tính chủ động và khả năng tự quyết định của thí sinh được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh tùy ý nộp và rút hồ sơ một mặt tạo cơ hội tối đa cho các em, mặt khác lại gây ra những lúng túng cho cả thí sinh và các trường, nhất là trong những ngày cuối của đợt xét tuyển
Vất vả nhất trong kỳ xét tuyển này là các thí sinh ở tỉnh xa. Mặc dù vào giữa kỳ xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cung cấp giải pháp để hạn chế việc thí sinh phải di chuyển xa, nhưng lượng thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển qua Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn rất thấp.
Với cách thức xét tuyển ĐH, CĐ mới, vai trò của công nghệ thông tin là rất quan trọng. Tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, để giúp thí sinh đỡ phải đi lại vất vả, ngay từ khi bắt đầu thực hiện xét tuyển, trường đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, cấp cho mỗi thí sinh nộp hồ sơ 1 tài khoản và mã truy cập để các em có thể thay đổi nguyện vọng của mình thông qua trang web của nhà trường. Tuy nhiên, đại diện ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho biết, số lượng thí sinh sử dụng công nghệ thông tin để xét tuyển chưa nhiều. Điều này cho thấy các em cũng cần có thời gian để làm quen với cách xét tuyển qua mạng.
Một số chuyên gia về tuyển sinh Đại học cũng góp ý: Trong kỳ tuyển sinh năm sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên rút ngắn thời gian xét tuyển xuống còn khoảng 10 ngày; cho phép thí sinh chọn 1 ngành ở nhiều trường thay vì chọn nhiều ngành ở 1 trường như hiện nay. Điều này sẽ giúp các em có thể theo đuổi được ngành nghề mà mình phù hợp và yêu thích thay, vì chỉ biết chạy theo xếp hạng điểm số như năm nay. Sau khi kết thúc xét tuyển, hi vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các trường sẽ sớm tổng kết và rút ra những kinh nghiệm cần thiết để kỳ tuyển sinh năm sau diễn ra thuận lợi hơn.