Thí sinh không nên chọn ngành nghề theo tiêu chí ‘dễ đậu’

Tại buổi hội thảo hướng nghiệp ngày 21/12, nhiều chuyên gia khuyên thí sinh cần phải chọn nghề theo khả năng phù hợp chứ không nên chọn theo tiêu chí “dễ đậu” để vào ĐH, CĐ.
Thiếu định hướng nghề, sinh viên chán giảng đường đại học  /  ‘Hai năm ra trường, tôi vẫn luẩn quẩn trong vòng bế tắc’
Có mặt tại buổi hội thảo, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo ĐH Nông lâm TP HCM cho rằng công tác tuyển sinh đã vốn rất quen thuộc với các trường CĐ, ĐH từ nhiều năm trước, nhưng đối với việc đổi mới kỳ thi của năm nay thì công tác hướng nghiệp cho học sinh cần phải được chú trọng nhiều hơn.

hoi-thao-JPG-2234-1419217944-7854-1419225345

Đối với thí sinh, trước khi chọn cho mình một ngành nghề phù hợp cần xác định được tầm quan trọng của ngành, nghề mà mình đã chọn. Đặc biệt trong thời buổi hiện tại cần cân nhắc đến nhu cầu việc làm của từng ngành, chứ không phải chọn trường theo tiêu chí “dễ đậu”. “Đậu vào các trường ĐH, CĐ chỉ là sự trú chân tạm bợ, nếu các bạn không có tâm huyết, khả năng với nghề thì đó là một sự lãng phí lớn cho bản thân và gia đình”, tiến sĩ Lý nói.

Ngoài ra, theo đại diện của ĐH Nông lâm thì thí sinh cũng cần biết lượng sức mình chứ không nên chạy theo những ngành nghề được xem là “cao siêu” không phù hợp với năng lực và khả năng thi vào của mình. Thí sinh phải tính đến mức độ phù hợp, điểm chuẩn của những năm gần đây, chỉ tiêu… “Nghề nghiệp thì rất đa dạng nhưng năng lực của con người thì có hạn trong khi giới trẻ lại có quá nhiều ước mơ cao xa, một số em lại lệ thuộc vào sự quyết định của người khác”, ông Lý e ngại và cho rằng chính mỗi thí sinh cần phải cân nhắc kỹ và đưa ra lựa chọn phù hợp cho bản thân mình.
Ông Trần Tuấn Anh cho rằng thí sinh cần phải chọn nghề nghiệp theo khả năng thích hợp trong tương lai chứ không chỉ dựa vào sở thích nhất thời. Ảnh: Nguyễn Loan
Còn ông Trần Tuấn Anh, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP HCM thì có cái nhìn thực tế hơn. Ông cho rằng thí sinh không nên chọn nghề khi chỉ dựa vào sở thích ban đầu của mình mà còn phải cân nhắc đến sự phù hợp của nghề nghiệp trong tương lai. Hiện nay thị trường lao động đi theo hướng mở, theo xu thế hội nhập nên thí sinh phải biết tính toán mục đích, khả năng thích ứng và sự hiểu biết của mình về nghề.

Ông Tuấn Anh cũng cho rằng phần lớn học sinh Việt Nam đều thích học đại học hơn là học nghề. Trong khi đó trên thực tế, về nhu cầu nhân lực của TP HCM trong 5 năm tới tập trung tới 85% nhu cầu vào nguồn nhân lực đã qua đào tạo nghề, còn nhu cầu đối với trình độ ĐH chỉ chiếm 13%, còn trên ĐH là 2%.

Dự báo về nhu cầu nhân lực, ông Tuấn Anh cho rằng hiện nay kinh tế phát triển và quá trình hội nhập giúp thị trường lao động phát triển sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên theo ông thì điểm yếu lớn nhất của lao động Việt Nam, nhất là những sinh viên mới ra trường không phải là ở khả năng mà là thiếu trách nhiệm và tinh thần tự giác làm việc. “Trong phần hướng nghiệp ở trường phổ thông và ĐH, CĐ giáo viên cần phải xây dựng được cho các em tính tự giác, tự lập, có trách nhiệm với công việc của mình”, ông Tuấn Anh lưu ý.

Ông cũng cho biết, trong những năm tới ngành Kỹ thuật công nghệ được xem là có nhu cầu nhân lực cao nhất; tiếp đó là ngành kinh tế – tài chính – ngân hàng – pháp luật và hành chính.

Theo ông Lương Quốc Khanh, chuyên viên Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH thuộc Sở Giáo dục TP HCM, mỗi năm TP HCM có khoảng 65.000 học sinh tốt nghiệp THPT, do đó vấn đề hướng nghiệp được Sở xác định là trọng tâm của năm học nhằm giúp các em định hướng tốt tương lai của mình. Tuy nhiên, ông cũng nêu ra một thực tế là có tới 75% học sinh của thành phố thiếu hiểu biết về ngành học.

Theo ông Khanh, để có thể thực hiện công tác hướng nghiệp tốt ở các trường THPT, THCS cần phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác hướng nghiệp chuyên nghiệp, được bồi dưỡng kiến thức sâu rộng để tư vấn cho các em. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đổi mới nội dung giảng dạy chương trình học hướng nghiệp ở các trường THPT theo hướng trực quan, sinh động để học sinh dễ nắm bắt, gắn công tác hướng nghiệp của các trường phổ thông với các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp.

Hiện tại TP HCM cũng đã xây dựng đề án “Phân luồng học sinh sau trung học” đang trình lên UBND phê duyệt.

Có mặt tại buổi hội thảo, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM đã cung cấp thêm một số thông tin quan trọng về kỳ thi THPT năm nay. Theo đó, kỳ thi sẽ được tổ chức tại 34 cụm thi trong cả nước với quy mô khoảng 20-30 nghìn thí sinh/cụm. Dự báo năm nay số thí sinh chọn từ 5 môn trở lên sẽ là phổ biến, thậm chí những học sinh càng giỏi sẽ đăng ký dự thi càng nhiều môn để tăng cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Về hồ sơ đăng ký dự thi, đối với năm nay thí sinh sẽ không đặt vấn đề thi vào trường nào mà chỉ đăng ký thi môn nào, cụm thi nào và mục đích dự thi. Học sinh vừa học xong lớp 12 sẽ đăng ký dự thi tại trường THPT đang học, còn thí sinh tự do đăng ký thi tại địa điểm do Sở Giáo dục quy định.

Theo báo cáo của 428 trường ĐH, CĐ thì gần như tất cả trường sẽ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ xét tuyển. Tuy nhiên, trong đó có 235 trường (135 trường ĐH, học viện và 100 trường CĐ) chỉ sử dụng kỳ thi THPT quốc gia, 192 trường còn lại (81 trường ĐH và 111 trường CĐ) vừa sử dụng kỳ thi THPT quốc gia, vừa sử dụng kết quả học tập để xét tuyển.

>>> Tuyển sinh 2015 – Hầu hết các trường yêu cầu sơ tuyển

>>> Tuyển sinh 2015 – Thí sinh không thiệt khi xét tuyển năm 2015

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*