Nên nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học khi nào?

Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng – Bộ GD-ĐT, năm nay tuy có bốn đợt xét tuyển ĐH và năm đợt xét tuyển CĐ nhưng đợt 1 (thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ ngày 1-8 đến 20-8) là đợt xét tuyển quan trọng nhất.

Nên nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH khi nào?
Từ sáng sớm rất đông thí sinh đã xếp hàng tại gian tư vấn của Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG, TP.HCM) để được nghe tư vấn và nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 tại ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ sáng 2-8

Theo kinh nghiệm từ những năm trước, gần như các chỉ tiêu quan trọng đều tuyển xong trong đợt 1. Các chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung chỉ là những ngành khó tuyển.

Ba cơ sở quyết định đăng ký xét tuyển

PGS.TS Trần Văn Nghĩa tư vấn: “Thí sinh có thể dựa trên ba cơ sở để lựa chọn ngành đăng ký xét tuyển: điểm thi của mình, điểm chuẩn (của ngành, trường) những năm trước và phổ điểm của Bộ GD-ĐT công bố.

Hiện nay tất cả các trường đều đã công khai những thông tin này trên website của trường, thí sinh có thể dễ dàng tham khảo. Năm nay phổ điểm đẹp hơn nên điểm sàn cao hơn. Số thí sinh đạt 19 điểm trở xuống tăng nhiều so với năm trước. Vì thế, nếu đạt 19 điểm thì thí sinh nên chọn những ngành năm trước có mức điểm 16 – 17 mới an toàn. Trong khi số lượng thí sinh đạt 25 điểm trở lên tương đương năm trước, nên dự báo điểm chuẩn các ngành có mức điểm chuẩn những năm trước từ mức này trở lên sẽ không biến động nhiều”.

Một thí sinh ở Quảng Ngãi có nguyện vọng nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường ở TP.HCM băn khoăn: “Ngày 20-8 em ra bưu điện nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển được không, hay em phải nộp trước? Nếu nộp trước em có thiệt thòi so với thí sinh ở gần?”.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa cho biết về nguyên tắc thí sinh có thể nộp hồ sơ bất kỳ lúc nào, từ ngày 1-8 đến hết ngày 20-8 tại trường hoặc qua đường bưu điện. Tuy nhiên, nếu nộp qua đường bưu điện phải theo hình thức phát chuyển nhanh của bưu điện, nếu dùng dịch vụ của các công ty chuyển phát bên ngoài sẽ không có giá trị xét tuyển.

“Trong thời gian đăng ký xét tuyển đợt 1, thí sinh nộp ngày nào cũng có giá trị như nhau. Nhưng nếu thí sinh đã cân nhắc kỹ lưỡng với đầy đủ thông tin có được thì không nên chờ tới ngày 20-8 để nộp. Thí sinh cũng không nên dựa hoàn toàn vào thông tin số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển để đưa ra quyết định việc chọn ngành chọn trường, vì thực tế đây cũng là số ảo!” – thầy Nghĩa khuyên.

Trả lời thắc mắc của nhiều thí sinh và phụ huynh về việc các trường dành 25% chỉ tiêu để xét tổ hợp mới, ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – marketing, cho biết năm nay ngoài các khối thi truyền thống, một số trường còn xét tuyển thêm tổ hợp môn thi mới.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, với những trường tuyển sinh có tổ hợp mới thì chỉ tiêu cho những ngành có tổ hợp mới là 25%, còn lại các khối truyền thống chiếm 75% chỉ tiêu của ngành đó.

“Ví dụ ngành quản trị kinh doanh của trường chúng tôi tuyển bốn khối (khối A, A1, D1 và tổ hợp mới toán – văn – lý) với tổng 400 chỉ tiêu, thì tổ hợp mới chỉ 100 chỉ tiêu. Thí sinh theo dõi thống kê điểm thi sẽ có thông tin theo tổ hợp ở từng ngành, có thể biết được số điểm của mình nằm ở mức nào để quyết định nên giữ lại hay rút hồ sơ chuyển sang ngành khác” – thầy Tuấn tư vấn.

TS Lê Tuấn Lộc, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM), cho biết năm nay nhà trường vẫn tuyển dựa vào ba khối thi (A, A1, D1) như trước đây. Trường xác định điểm chuẩn cả ba khối thi giống nhau. Khi nộp đơn xét tuyển vào trường, thí sinh nên chọn khối thi nào mà mình có điểm cao nhất để đăng ký     nguyện vọng 1.

Xét tuyển bằng tiêu chí phụ ra sao?

Trong buổi tư vấn sáng 2-8, rất nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm đến việc các trường xét tuyển bằng tiêu chí phụ.

“Tiêu chí phụ là như thế nào? Khi nào nhà trường xét đến tiêu chí phụ?” – một thí sinh nêu thắc mắc. TS Tăng Hữu Tân, trưởng ban tuyển sinh Trường ĐH Tôn Đức Thắng, giải thích: nhiều trường đưa ra tiêu chí xét tuyển phụ để xử lý trong trường hợp thí sinh bằng điểm nhau.

“Khi nào các thí sinh có điểm số ngang nhau nhưng chỉ tiêu của trường không cho phép nhận hết số thí sinh này, lúc đó trường xét đến tiêu chí phụ. Tiêu chí phụ của mỗi ngành khác nhau. Hiện các trường đều đã công bố thông tin về việc áp dụng tiêu chí phụ của từng ngành trên website của trường” – thầy Tân chia sẻ.

Tuy nhiên, thí sinh Trần Thị Thúy Ái, Trường THPT Gia Định, lại băn khoăn: “Quy định áp dụng tiêu chí phụ của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch bằng việc ưu tiên điểm môn ngoại ngữ sẽ gây thiệt thòi cho thí sinh tự do không thi môn ngoại ngữ”.

ThS Nguyễn Ngọc Hà, phó phòng đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, giải thích: “Nhà trường đã công bố quy định áp dụng tiêu chí phụ của trường từ rất sớm. Đối với thí sinh tự do, thực tế có nhiều em ngại thi môn ngoại ngữ. Chúng tôi đã tư vấn nhiều lần với thí sinh tự do là ngoài các môn khối B, thí sinh cần phải thi thêm môn ngoại ngữ. Chỉ khi nào có trường hợp đồng điểm trong quá trình xét tuyển, nhà trường mới sử dụng đến tiêu chí phụ thứ nhất là ưu tiên thí sinh có điểm môn ngoại ngữ cao hơn. Nếu thí sinh tự do có điểm khối B cao thì tiêu chí phụ không quan trọng. Nếu xét tiêu chí phụ này vẫn còn thí sinh đồng điểm, trường sẽ xét tiếp điểm trung bình ba năm học THPT”.

Một phụ huynh thắc mắc: “Trong số 400 chỉ tiêu ngành y đa khoa của Trường ĐH Y dược TP.HCM có bao nhiêu chỉ tiêu tuyển thẳng và cử tuyển?”.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, trả lời: “Năm nay nhà trường có dành một số chỉ tiêu cho hệ cử tuyển và tuyển thẳng nằm trong số chỉ tiêu chung của từng ngành, nhưng cho đến nay nhà trường chưa biết chính xác có bao nhiêu chỉ tiêu cho đối tượng này. Theo quy định, nhà trường công bố số thí sinh cử tuyển và tuyển thẳng trước ngày 15-8. Sau khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, thí sinh theo dõi trên website của trường, đến ngày này (15-8) nếu có số thí sinh vượt quá số chỉ tiêu thì nên rút hồ sơ”.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa lưu ý: “Theo quy định, đối với các trường công an, thí sinh phải nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển tại nơi đăng ký sơ tuyển. Bộ Công an quy định thí sinh đã đăng ký sơ tuyển vào ngành nào thì khi đăng ký xét tuyển phải theo ngành đó. Thí sinh nên tham khảo thông tin chi tiết hơn trên website của các trường công an”.

Cân nhắc rút hồ sơ vào ngày 20-8

Có khá nhiều thí sinh và phụ huynh băn khoăn về việc rút hồ sơ xét tuyển. Chia sẻ vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – tư vấn: lượng hồ sơ xét tuyển có thể tăng đột biến vào những ngày cuối của thời gian xét tuyển. Nếu thấy điểm số của mình không an toàn thì nên rút hồ sơ xét tuyển. Muốn rút hồ sơ, thí sinh phải trực tiếp đến trường để rút. Nếu nhờ người thân rút thay thì phải có giấy ủy quyền trường mới giải quyết cho rút hồ sơ.

Tư vấn thêm về băn khoăn này, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – cho biết khi xem danh sách cập nhật số lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển, nếu xét tuyển nhiều ngành, thí sinh không chỉ xem ngành 1 của mình mà nên xem thêm ngành 2, 3 vì có thể rớt ngành 1 nhưng lại đậu ngành 2, 3.

Do vậy, thí sinh nên xem kỹ và cân nhắc trước khi rút hồ sơ. Khi rút hồ sơ, trường sẽ trả cho thí sinh các giấy tờ gồm: phiếu đăng ký xét tuyển, giấy chứng nhận kết quả kỳ thi THPT quốc gia và một bao thư đã dán sẵn tem ghi địa chỉ của thí sinh. Liên quan đến việc rút hồ sơ, TS Lê Chí Thông – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) – lưu ý: thí sinh cân nhắc việc rút hồ sơ vào ngày 20-8.

Thời điểm này có thể lượng thí sinh nộp hồ sơ và rút hồ sơ rất đông nên việc giải quyết rút hồ sơ, xóa dữ liệu xét tuyển của thí sinh trên hệ thống sẽ chậm. Nếu dữ liệu từ trường thí sinh rút hồ sơ ra chưa kịp xóa, thí sinh không thể trực tiếp nộp hồ sơ xét tuyển vào trường khác, trong khi 20-8 là ngày cuối cùng nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1.

Còn TS Nguyễn Đức Minh – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – đưa ra lời khuyên: nếu thí sinh rút hồ sơ vào ngày cuối cùng và dữ liệu chưa được xóa, thí sinh có thể chọn giải pháp gửi chuyển phát nhanh về trường định nộp hồ sơ để đảm bảo rằng mình không nộp hồ sơ trễ hạn.

Băn khoăn ngành học

Hiện nay nhiều ngành đào tạo có tên gọi khá giống nhau nên thí sinh và phụ huynh băn khoăn không biết sự khác nhau giữa các ngành này thế nào. Một thí sinh lo lắng về việc chưa biết sự khác nhau giữa hai ngành công nghệ sinh học và sinh học. Thí sinh này còn chia sẻ rằng mình muốn học ngành công nghệ sinh học nhưng không muốn làm việc trong phòng thí nghiệm, liệu có theo học được hay không?

Câu hỏi này đã nhận được nhiều trả lời của ban tư vấn. PGS.TS Trần Lê Quan – phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) – cho rằng nền tảng của hai ngành này vẫn là kiến thức về sinh học.

Tuy nhiên, ngành sinh học ra đời từ rất lâu và dạy về sinh học, thực vật, động vật, sinh thái… trong khi ngành công nghệ sinh học ra đời sau này tập trung về ứng dụng công nghệ và đi sâu vào công nghệ mới với đối tượng người và động vật. Còn PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng đưa ra lời khuyên: nếu không muốn làm việc trong phòng thí nghiệm thì tốt nhất thí sinh không nên theo học ngành công nghệ sinh học, vì ngành này chủ yếu học và làm việc trong phòng thí nghiệm như nuôi cấy tế bào gốc, nuôi cấy mô…

Một phụ huynh đặt câu hỏi: ngành kỹ thuật điện – điện tử và công nghệ kỹ thuật điện – điện tử giống hay khác nhau? PGS-TS Đỗ Văn Dũng tư vấn: các ngành kỹ thuật chia làm hai nhánh là kỹ thuật và công nghệ kỹ thuật.

Ngành nào có chữ “kỹ thuật” đầu tiên thì chương trình đào tạo hàn lâm hơn, thiên về tính toán, nghiên cứu và thiết kế. Ngành có chữ “công nghệ kỹ thuật” thì đi sâu về ứng dụng, lý thuyết ít và thực hành nhiều hơn. Tóm lại, người học kỹ thuật thiên về nghiên cứu, thiết kế, còn người học công nghệ kỹ thuật thiên về triển khai và làm việc tại hiện trường.

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*