Khó phát hiện sai sót về ưu tiên trong tuyển sinh

Trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vừa qua xảy ra tình trạng nhầm lẫn điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực đã khiến nhiều thí sinh có nguy cơ từ đậu ĐH thành trượt.

Khó phát hiện sai sót về ưu tiên trong tuyển sinhThí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 nhập học tại một trường ĐH tại TP.HCM

Do Bộ quản dữ liệu tuyển sinh

20 thí sinh (TS) ở tỉnh Phú Yên là một trong những ví dụ. Tuy nhiên, do phát hiện kịp thời và có sự can thiệp của Bộ GD-ĐT nên những TS này được phép tham gia dự tuyển lại nguyện vọng 1 bằng số điểm thực chất của mình.

Một khó khăn cho các trường trong việc phát hiện sai sót về điểm ưu tiên là do năm nay Bộ quản lý dữ liệu của TS. Khi xét tuyển, các trường chỉ nhập mã vạch, sau đó dữ liệu của Bộ sẽ tự cộng điểm ưu tiên của TS nếu có. Trường không thể kiểm tra hồ sơ gốc ngay trong thời gian xét tuyển để phát hiện sai sót. Mọi thứ đều dựa trên sự trung thực của TS và khâu nhập dữ liệu ở các trường THPT cũng như sở GD-ĐT.

PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Võ Tấn Kiệt là một trong những TS bị nằm trong tình huống sai sót ở trên. Sau khi Bộ gửi công văn cho trường, chúng tôi đã tiếp nhận nguyện vọng của Kiệt là vào ngành kinh doanh quốc tế, do số điểm thực tế của Kiệt dư so với điểm chuẩn của ngành này là 20,75 điểm”.

Ngoài ra, theo tiến sĩ Minh, có 3 trường hợp khác đăng ký xét tuyển vào trường cũng có sự nhầm lẫn điểm ưu tiên do sở GD-ĐT cộng nhầm. Trong đó, có 2 TS dù được cộng điểm nhưng vẫn rớt, và 1 TS dù trừ bỏ điểm nhầm lẫn thì vẫn đậu do điểm thực chất khá cao.

Tại Trường ĐH Tài chính – Marketing cũng có 2 trường hợp vô tình khai nhầm. Theo đó, TS này học ở TP.HCM nhưng khi viết trên hồ sơ thì khai là khu vực 1, đối tượng 1. Hai TS này đều đã có giấy báo trúng tuyển. “Tuy nhiên ngay sau đó, TS thông báo lại nên trường đã kịp thời báo lên Bộ để xả dữ liệu, tạo điều kiện cho TS đăng ký nguyện vọng bổ sung. Trong trường hợp phát hiện chậm thì TS sẽ không kịp xét nguyện vọng bổ sung nữa”, ông Châu Minh Quý, Phó phòng Đào tạo cho biết.

Vô tình và cố tình khai nhầm

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thông tin thêm: “Tại trường cũng có vài trường hợp nhầm lẫn như vậy. Có 2 nguyên nhân, một là do vô tình sai sót, có thể TS không nắm rõ mình khu vực nào, đối tượng nào. Hai là do cố tình sai sót để được cộng điểm, tăng cơ hội trúng tuyển mà không hề biết sau này nhập học nếu không đúng sẽ từ đậu thành trượt. Cả hai nguyên nhân này đều rất tội. Nếu không phát hiện kịp thời ngay từ đầu, các em sẽ không có cơ hội đăng ký xét tuyển các đợt tiếp theo, vì trên nguyên tắc nằm trong danh sách trúng tuyển rồi thì không thể xét tuyển. Cái khó là dữ liệu này của TS do Bộ quản lý, các trường không thể kiểm tra”.

Ông Châu Minh Quý cũng cho rằng hậu kiểm trong tuyển sinh 2015 là việc đã làm trong nhiều năm nay. Theo đó, TS nào gian dối sẽ bị hủy kết quả trúng tuyển. Tuy nhiên, nếu ngay từ đầu trường ĐH, CĐ có hồ sơ gốc của TS thì dù có xảy ra tình huống “đang trúng tuyển thành trượt”, TS cũng không bị mất quyền lợi trong việc xét tuyển các đợt tiếp theo.

Cộng điểm ưu tiên thế nào là hợp lý?

Vì không phải là chuyên gia để có thể nói về vấn đề một cách toàn diện. Tuy vậy, cũng mong góp thêm lời bàn vào vấn đề xã hội đang quan tâm: nên cộng điểm ưu tiên hay không và cộng thế nào.

Kỳ xét tuyển đại học nhằm tuyển chọn người có năng lực, đặc biệt là năng lực sáng tạo, để đào tạo lâu dài. Cách tốt nhất để phát hiện ra năng lực một người là phỏng vấn trực tiếp. Tuy nhiên, cách này không khả thi khi số người cần phỏng vấn là khoảng 1 triệu. Theo tôi thì “tư chất” của con người phân phối đều trong các vùng miền. Khó có thể nói người Hà Nội “nói chung” thông minh hơn người Hà Giang. Vậy nhưng chất lượng học sinh (HS), và do đó kết quả thi, ở hai nơi hoàn toàn khác nhau. Chắc ai cũng thừa nhận lý do chủ yếu là điều kiện sống, điều kiện học hành. Để giải một bài toán, cần khoảng 5 khâu lý luận, thì một HS ở Hà Nội đã được học 4 khâu, chỉ cần “sáng tạo” 1 khâu nữa là đủ. Ngược lại, một HS ở miền núi chỉ mới được học 2 khâu, nếu sáng tạo thêm 2 khâu nữa, điểm vẫn thua HS Hà Nội, mà thực chất là kém khả năng sáng tạo hơn em HS miền núi.
Để khắc phục tình trạng đó, chúng ta có chính sách “ưu tiên”. Vùng khó khăn được cộng điểm. Điều đó hoàn toàn hợp lý.

Vấn đề còn lại là cộng thế nào?

Trước đây, khi kỳ thi đại học tách riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT, với mức độ khó cao hơn, HS được khoảng 13 điểm là đỗ, thì việc cộng 2 điểm chẳng hạn, là cộng thêm 15,4% số điểm.

Khi tiến hành “2 trong 1”, thực chất HS nếu chỉ cần tốt nghiệp thì được khoảng 12 điểm (3 môn), kết hợp điểm tổng kết năm là đủ. Để đỗ đại học thì cần khoảng 15 – 18 diểm. Như vậy, chỉ tranh nhau “suất đại học” trong khoảng 3 đến 6 điểm. Nếu vẫn cộng 2 điểm như trước thì tức là đã cộng thêm 2 trong tổng số 3 – 6 điểm, tức là cộng khoảng 33,3% đến 66,6% số điểm.

Có lẽ cần có một sự điều chỉnh cho hợp lý chăng? Chẳng hạn nếu định như trước kia, ưu tiên 15% số điểm thì chỉ cộng thêm từ 0,45 đến 0,9 điểm là cùng.

Một khi HS ở vùng khó khăn có trình độ quá thấp so với “đề thi chung” rồi thì việc cộng điểm ít có ý nghĩa. Lại trở về cái “tiên đề” mà tôi rất tin là “Nói chung tư chất được phân phối đều” để thử tìm một giải pháp thực sự công bằng. Công bằng theo nghĩa: người có tư chất ngang nhau thì được tạo điều kiện học ngang nhau. Nếu được quyết định, tôi sẽ đưa ra phương thức sau:

Trong tổng số chỉ tiêu vào đại học, dành 50% để lấy theo số điểm, từ cao xuống thấp. 50% còn lại được chia đều theo tỷ lệ HS các tỉnh. Ở mỗi tỉnh sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp. Nếu tỉnh nào muốn bảo đảm sự công bằng trong tỉnh đó do điều kiện vùng miền thì có thể lặp lại cách làm tương tự cho tỉnh mình.

Làm như vậy các em giỏi ở các thành phố lớn không bị thiệt, mà bảo đảm công bằng xã hội hơn cách làm hiện nay. Nếu lo HS ở địa phương kém (rõ ràng là chỉ về trình độ tạm thời, chứ không phải về tư chất) thì có thể mở những lớp bồi dưỡng (dự bị) cho các HS này.

Tất nhiên, những con số phần trăm trong bài này còn phải cân nhắc cho thích hợp. Và mỗi phương pháp mới đều cần đi kèm những biện pháp mới để… chống tiêu cực. Nhưng đó không phải là đề tài bàn đến trong bài này.

 

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*