Nếu bạn đã chọn cho mình toa tàu số 4 NGHỀ Y, có cả một đại gia đình y khoa đang chờ đón bạn trước mắt.
Nghề y là một trong những nhóm nghề lớn nhất của xã hội, liên quan trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng con người. Vì vậy, ngành này đòi hỏi nghiêm ngặt về trình độ chuyên môn. Người làm trong ngành y nhất định phải qua đào tạo chuyên ngành, và tuỳ vào trình độ khác nhau mà được phân những công việc tương xứng.
Các môn cơ sở của nghề y là sinh học, giải phẫu học, mô học, sinh lý học, hoá sinh, sinh lý bệnh, vi sinh y học, ký sinh trùng y học, dược lý học, di truyền học, vệ sinh dịch tễ học v.v… Ngoài ra, còn có những điều kiện phẩm chất cần thiết như phương pháp tư duy logic, đôi mắt sáng, đôi bàn tay khéo léo, sức khoẻ tốt…
Các bạn có thể học trở thành bác sĩ tại Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Thái Bình, Trường Đại học Y Hải Phòng, Trường Đại học Y Thái Nguyên, Trường Đại học Y (Đại học Huế)…
Đòi hỏi về tính chuyên môn cao nên thời gian học ngành y thường kéo dài hơn các ngành khác (đào tạo đại học các ngành xã hội, kinh tế thường từ khoảng 4 năm đến 4 năm rưỡi, các ngành kỹ thuật khoảng 5 năm). Với ngành y, bạn cần đến 6 năm để có tấm bằng bác sĩ (bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa: Nội, Ngoại, Sản, Nhi).
Ngoài ra, còn có Trường Đại học Y tế Công Cộng. Tại đây, sau 4 năm học, bạn sẽ nắm trong tay bằng cử nhân Y tế công cộng, cùng với các cử nhân tốt nghiệp ở khoa Y tế công cộng của các trường đại học y.
Công việc của cử nhân Y tế công cộng là dự đoán mô hình bệnh tật có thể xảy ra trong tương lai gần hoặc dự phòng bệnh tật, xây dựng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh…
Tại Trường Cao đẳng Y tế Nam Định, thời gian học là 4 năm (gấp đôi thời gian học cao đẳng của đa số các ngành khác). Sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ có bằng cử nhân điều dưỡng. Khi đó, bạn có thể trở thành y tá trưởng trong các phòng, khoa của các bệnh viện.
Thấp hơn một chút là:
Trường Trung cấp Y tế Hà Nội, Trường Trung cấp công nghệ và y tế Pasteur… và các trường trung cấp Y tế ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Thời gian học ở những trường này là 3 năm. Tốt nghiệp, bạn sẽ trở thành điều dưỡng viên (y tá) trong các bệnh viện, phòng khám, trạm y tế cơ sở.:.
Do đặc thù riêng của nghề nghiệp mà người làm trong ngành y thường luôn có ý thức học tiếp lên trình độ chuyên môn cao hơn trong nghề nghiệp.
Trong các trường đại học y, sau khi tốt nghiệp, nếu học giỏi, bạn có thể học tiếp luôn bằng: Bác sĩ nội trú (3 năm).
Khi đã có thâm niên nghề nghiệp ít nhất là 3 năm, bạn có thể thi để học một trong 2 bằng sau:
– Chuyên khoa I (2 năm)
– Cao học (3 năm)
Tốt nghiệp thạc sĩ, bạn có thể tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ y học (tập trung: 2 năm, tại chức: 3 năm) hoặc chuyên khoa II – Bác sĩ có trình độ tay nghề cao (2 năm).
Học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức trong nghề y là cả quá trình liên tục và lâu dài. Còn trước mắt, bạn có thể:
· Tự học nghề y từ hôm nay
Nếu bạn thấy thích nghề y và cảm thấy nghề này phù hợp với mình thì bạn có thể tự học ngay từ bây giờ. Bạn nên tìm đọc các quyển sách về các danh nhân y học, các phát minh khoa học có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của y học hiện đại hoặc các bài thuốc y học cổ truyền, những phương thuốc bí truyền có khả năng “cải lão hoàn đồng”…
Đặc biệt ngay tại trường phổ thông, bạn hãy học thật giỏi môn sinh học và hoá học, bước đầu hiểu được quy luật di truyền, các bộ phận trong cơ thể con người. Điều này sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình nắm bắt các kiến thức trong cơ sở đào tạo y học.
Thậm chí nếu bạn không phải là một người khéo tay thì việc thỉnh thoảng học thủ công, luyện tập khâu vá cũng là một cách để giúp bạn sau này đỡ lúng túng trong các giờ học giải phẫu, phẫu thuật thực hành, thao tác thực nghiệm trong các phòng thí nghiệm của trường Y.