Ngày 25-9, các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu sẽ bắt đầu đợt xét tuyển bổ sung lần 3, tức là đợt 4 trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 và là đợt cuối của khối đại học. Không còn nhiều hy vọng, nhiều trường đã thúc giục Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam họp bàn, gỡ khó cho các trường ngoài công lập trước áp lực không tuyển sinh đủ.
Điểm sàn công lập cũng tuyển hết
Trong số hơn 50 trường ĐH, CĐ xét tuyển đợt 3, có những trường ĐH còn hàng nghìn chỉ tiêu chờ đợi thí sinh nhập học. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành tới 2.000 chỉ tiêu tất cả các ngành nhưng kết thúc đợt 3, trường này mới chỉ nhận được khoảng 100 hồ sơ. Vì vậy, chắc chắn trường sẽ phải tiếp tục xét tuyển đợt 4 từ nay đến hết ngày 15-10. Tương tự, dù thông báo tuyển đến 3.000 chỉ tiêu hệ ĐH và 400 chỉ tiêu CĐ, xét tuyển cả những thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia lẫn xét tuyển bằng học bạ nhưng trong bảng cập nhật danh sách xét tuyển mới nhất của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chỉ có 92 thí sinh của cả 2 hệ nộp hồ sơ tính đến thời điểm cuối đợt xét tuyển 3.
Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH DL Hải Phòng chia sẻ lo lắng: “Không chỉ riêng trường ĐH DL Hải Phòng, nhiều trường ngoài công lập khác có uy tín, thương hiệu lâu năm cũng chung hoàn cảnh vất vả khi xét tuyển. Rõ ràng kỳ tuyển sinh năm nay, cán cân hoàn toàn rơi vào các trường công lập. Các trường lớn như ĐH Kinh doanh và Công nghệ cũng còn tới hàng nghìn chỉ tiêu, trong khi đây là một trong những trường tuyển sinh tốt các năm trước. Tôi thấy trường ngoài công lập dù rất muốn thu hút thí sinh nhưng cũng quá khó khi thí sinh đạt điểm sàn cũng bị các trường công lập tuyển gần hết”.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Trưởng phòng Đào tạo trường CĐ Điện tử – Điện lạnh Hà Nội cho hay, kết thúc 2 đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, nhà trường mới chỉ tuyển được 383 thí sinh, bằng đúng một nửa chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của trường. Bởi vậy, khó khăn của các trường ngoài công lập, trường CĐ trong mùa tuyển sinh 2015 đã quá rõ.
Nóng lòng chờ được giải tỏa áp lực
Ngày 24-9, thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã nhận được báo cáo của 308 trường (4 đại học, 171 trường ĐH, học viện và 133 trường CĐ) trên tổng số khoảng 400 trường xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia. Theo đó, có 86 trường ĐH, CĐ tuyển được 100% chỉ tiêu ngay từ đợt 1, 123 trường ĐH và 52 trường CĐ tuyển được từ 50% chỉ tiêu trở lên. Tuy nhiên cũng có tới 100 trường báo cáo tuyển sinh được dưới 30% sau đợt 1 xét tuyển. Ở đợt xét tuyển đầu tiên này, đã có 73% thí sinh trong tổng số hơn 500.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ đã trúng tuyển.
Đánh giá về khâu xét tuyển năm nay, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT nhận định điểm trúng tuyển của các trường thể hiện sự phân tầng khá rõ nét. Ở tất cả các nhóm trường (trường ĐH trọng điểm, trường ĐH tốp giữa, trường CĐ, trường ĐH ngoài công lập) đều có những trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Các trường tốp đầu đều có điểm trúng tuyển ở mức cao.
Tuy nhiên, đối với các nhóm sau, việc phân tầng về mức điểm đầu vào lại không được Bộ GD-ĐT nhận định cụ thể. Đây chính là khâu mà các trường ngoài công lập và CĐ băn khoăn khi việc không phân định khu vực tuyển sinh của khối công lập khiến họ cạn nguồn tuyển. “Việc để các trường công lập được tuyển vượt chỉ tiêu 5-10% cũng là quy định không hợp lý và gây không ít khó khăn cho chúng tôi” – GS Trần Hữu Nghị chỉ rõ. Những khó khăn này, theo vị Hiệu trưởng trường ĐH DL Hải Phòng, sẽ được các trường phản ánh rõ trong buổi họp góp ý về thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức tới đây với mong muốn Bộ GD-ĐT đưa ra giải pháp giảm áp lực tuyển sinh.
Thông tin cập nhật từ Bộ GD-ĐT đến ngày 24-9, 13 trường ĐH, CĐ đã chính thức công bố nhu cầu xét tuyển đợt 4. Trong đó có 5 trường đại học gồm: ĐH Công nghệ Đông Á 800 chỉ tiêu; ĐH Công nghiệp Việt Hung 600 chỉ tiêu, ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội 600 chỉ tiêu… Đợt xét tuyển này kéo dài từ 25-9 đến hết ngày 15-10. |