Xét tuyển đại học, cao đẳng 2015: Vẫn nhiều mối lo

Với nhiều đổi mới trong công tác tuyển sinh, nhiều trường vẫn chưa thể yên tâm do không tính toán được lượng hồ sơ ảo. Vẫn còn nhiều mối lo.

Đến thời điểm này, trong khi các trường đại học tốp giữa, tốp dưới đang tăng tốc để tuyển đủ chỉ tiêu nhiều trường đã có đủ, thậm chí là dư hồ sơ xét tuyển.

Kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1, mặc dù quy định điểm đầu vào khá khiêm tốn, chỉ 18,5 điểm trở lên cho ngành Dược học, các ngành còn lại bằng ngưỡng đảm bảo đầu vào ở cả bậc đại học và cao đẳng, nhưng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chỉ mới thu hút được khoảng 3.000 hồ sơ xét tuyển.

Vì thế, để đảm bảo chỉ tiêu, trong các đợt xét nguyện vọng bổ sung tiếp theo, trường cần thêm 3.800 hồ sơ. Vậy mà sau gần 2 ngày xét tuyển nguyện vọng bổ sung, lượng hồ sơ trường này nhận được theo cả 2 cách trực tiếp và trực tuyến chẳng thấm tháp vào đâu: chỉ 470 hồ sơ. Thời gian để hoàn tất đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung đầu tiên không còn nhiều, vì thế, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cảm thấy lo lắng. Theo ông, việc có quá nhiều đổi mới trong thi cử rồi tuyển sinh như năm nay đang khiến các trường đại học ngoài công lập lâm vào thế khó.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng: “Khi quy định điểm nộp hồ sơ mà không có định vị điểm cho những trường tốp trên các thí sinh đạt điểm chuẩn đảm bảo chất lượng (15 điểm) đều tập trung vào những ngày đầu. Năm nay điểm thi Trung học phổ thông quốc gia lại cao, các em tưởng điểm cao có thể đậu vào các trường tốp trên. Thế nhưng sau quá trình xét tuyển, nhiều em 19, 20, có khi hai mấy điểm vẫn rớt”.

Tình hình tại Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh khả quan hơn khi kết thúc 2 ngày đầu của đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, đơn vị này nhận vào thêm khoảng 1 ngàn hồ sơ.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh – Truyền thông Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, so với mọi năm, tình hình có vẻ ảm đạm hơn.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh nói: “Nếu như lấy cùng thời điểm xét nguyện vọng bổ sung so với năm ngoái, năm nay số lượng hồ sơ ít hơn. Nguyên nhân có thể là do những thay đổi trong việc tuyển sinh nên trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vừa qua, các thí sinh gần như đã chọn được trường học cho mình. Với tỷ lệ trúng tuyển nguyện vọng 1, nhiều trường gần như đã lấy đủ chỉ tiêu”.

Lường trước được tình hình khó khăn, thay vì tập trung từ 60 đến 70% chỉ tiêu cho nguyện vọng bổ sung như mọi năm, năm nay, trường chủ động xét tuyển đến 60% chỉ tiêu ngay trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Hiện nguyện vọng 1 của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã có khoảng 3.000 hồ sơ xét tuyển. Nhờ vậy, nhiều khả năng trường sẽ hoàn thành chỉ tiêu 5.100 hồ sơ ngay trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung này.

Trong khi các trường chưa hoàn thành chỉ tiêu đang tập trung mọi nguồn lực để thu hút hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung các trường đã tuyển đủ hồ sơ ngay trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vừa qua lại đối mặt với mối lo “sinh viên ảo”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, mặc dù nhà trường đã chủ động xét dự phòng thêm 9% trong tổng số chỉ tiêu 2.650 hồ sơ, nhưng vẫn chưa thể yên tâm do khả năng hồ sơ ảo là rất lớn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà cho rằng: “Năm nay, Bộ Giáo dục – Đào tạo cho xét tuyển dựa vào học bạ và cả dựa vào điểm thi trung học phổ thông quốc gia. Nhiều em mặc dù đăng ký 4 nguyện vọng ở trường nhưng đồng thời cũng nộp học bạ vào trường khác và có khả năng đậu. Khi cùng lúc đậu 2 nơi các em có thể quyết định chọn nơi này bỏ nơi kia. Do đó sẽ gây ra hiện tượng hồ sơ ảo. Thứ hai, năm nay Bộ cho 4 sự lựa chọn mà trường là đơn vị đào tạo đa ngành nên có nhiều thí sinh có các lựa chọn 3, 4 không đúng với lĩnh vực hoặc khối ngành mà các em yêu thích. Vì vậy có khả năng các em sẽ không đi học”.

Để hạn chế thấp nhất số hồ sơ ảo trước khi năm học bắt đầu, hiện các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp như: nhắn tin thông báo nhập học đến từng thí sinh trúng tuyển, lên phương án làm thủ tục nhập học sớm, chuẩn bị công tác tư vấn nghề nghiệp cho tân sinh viên… Hy vọng, cách làm sáng tạo này sẽ giúp các trường đảm bảo đúng chỉ tiêu xét tuyển trong năm nay.

Xét tuyển đợt 2: Thưa thớt thí sinh đến nộp hồ sơ

Hôm nay (28/8) bước sang ngày thứ 3 của đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào đại Học, cao Đẳng, nhưng đến thời điểm này, có rất ít thí sinh đến nộp hồ sơ.
Tính đến hết ngày 27/8, Đại học Lao động – Xã hội (Hà Nội) chỉ nhận được15 hồ sơ trên tổng số 400 chỉ tiêu. Trong khi đó, tình hình tại các trường ngoài công lập cũng tương tự.

Theo đó, Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội mới nhận được hơn 100 hồ sơ đăng ký trên tổng số hơn 4.600 chỉ tiêu. Đại học Phương Đông cũng còn trên 2.200 chỉ tiêu nhưng lượng nộp vào chỉ lác đác. Riêng trường Đại học Thăng Long có 213 hồ sơ nộp vào, nhưng vẫn còn trống 700 chỉ tiêu.

Đợt nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 này bắt đầu từ ngày 26/8 – 7/9/2015. Thí sinh có thể sử dụng tối đa 3 phiếu để đăng ký vào 3 trường khác nhau trong mỗi đợt xét tuyển, tuy nhiên không được thay đổi nguyện vọng hoặc rút hồ sơ để chuyển sang trường khác. Thời gian công bố kết quả xét tuyển nguyện vọng 2 trước ngày 10/9.

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*