Công tác xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ còn tiểm ẩn rủi ro. Nhiều trường đứng trước thách thức không chọn được thí sinh chất lượng cao
Năm nay là năm đầu tiên, Việt Nam tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia với 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT cho thí sinh, vừa là để các trường đại học, cao đẳng lấy đó làm căn cứ thực hiện công tác tuyển sinh.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 được coi là “trận đánh lớn” của ngành Giáo dục với kỳ vọng là sẽ giảm áp lực, tốn kém cho xã hội. Tuy nhiên, thực tế, tình trạng hàng nghìn phụ huynh, thí sinh luôn phải “dính mắt” vào máy điện thoại, máy tính… cũng như xếp hàng, chen lấn, chầu trực ở các trường để rút-nộp hồ sơ nguyện vọng 1 (NV1) trong 20 ngày qua đã bộc lộ những hạn chế của công tác tổ chức xét tuyển
Ảnh minh họa
Tình trạng hồi hộp, lo lắng đến mất ăn, quên ngủ của hàng nghìn thí sinh và người nhà chắc chắn sẽ không dừng lại ở sau khi các trường công bố điểm chuẩn NV1 mà sẽ kéo dài nhiều tháng nữa. Vì theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường sẽ thực hiện xét tuyển NV bổ sung đợt 1 từ ngày 25/8 đến hết ngày 15/9 và sẽ công bố điểm chuẩn vào 20/9; Xét tuyển NV bổ sung đợt 2 từ ngày 20/9 đến hết ngày 5/10 và sẽ công bố điểm chuẩn trước ngày 10/10.
Việc xét tuyển NV bổ sung đợt 3 từ ngày 10/10 đến hết ngày 25/10 và sẽ công bố điểm chuẩn trước ngày 31/10; Xét tuyển NV bổ sung đợt 4 (các trường Cao đẳng) từ ngày 31/10 đến hết ngày 15/11 và sẽ công bố điểm chuẩn trước ngày 20/11.
Trong đợt xét tuyển NV1, các trường tuyển 70-75% chỉ tiêu tuyển sinh 2015. Các đợt sau chỉ còn khoảng 30% chỉ tiêu trong khi tỷ lệ hồ sơ “ảo” dự kiến sẽ rất nhiều nên công tác tuyển sinh năm nay sẽ khó lường trước rủi ro lớn với thí sinh. Thí sinh và người nhà sẽ phải tiếp tục lao vào “ôm” máy tính và các phương tiện nghe-nhìn khác; căng thẳng ăn trực, nằm chờ ở các trường, theo dõi chỉ tiêu, số điểm thay đổi chóng mặt từng ngày, từng giờ của các ngành ở những nguyện vọng còn lại.
Chưa hết, năm nay có tới gần 200 trường có phương án xét tuyển riêng. Trong đó có trường mang tính đặc thù như: Âm nhạc, nghệ thuật, thể thao không thể chỉ dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để thực hiện công tác tuyển sinh mà còn phải thực hiện thêm một hình thức kiểm tra, đánh giá khác như kiểm tra chỉ số IQ, EQ, thi năng khiếu để xét tuyển thí sinh vào trường. Vì vậy, thí sinh sẽ phải mất thêm tiền bạc, thời gian để đăng ký xét tuyển vào những trường đặc thù này.
Có thể nói, một trong những nguyên dẫn đến tình trạng “náo loạn” trong công tác xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay là sai lầm của Bộ GD-ĐT đã cho phép 1 thí sinh được đăng ký 4 ngành học ngay từ NV1.
Từ năm 2014 trở về trước, khi đăng ký dự thi đại học, cao đẳng thí sinh chỉ được chọn 1 ngành (gọi là NV1). Sau khi có kết quả thi, các trường đại học xét tuyển NV1 cho thí sinh. Nếu thấy có ngành nào chưa đủ chỉ tiêu thì các trường xét tuyển đợt thứ 2. Trong đợt này, thí sinh được chọn 1 ngành nữa gọi là NV2, vì vậy đợt xét tuyển này được gọi là đợt xét tuyển NV2.
Còn năm nay, khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi thí sinh không được yêu cầu chọn ngành nào cả. Trong đợt xét tuyển này thí sinh được yêu cầu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển và các em được phép chọn tối đa 4 ngành ngay từ NV1 nên nhiều thí sinh đã hiểu không đúng về danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển của từng ngành. Bởi theo danh sách, mỗi thí sinh có thể xuất hiện ở 4 ngành (1 nguyện vọng 1 và 3 nguyện vọng khác cùng trường).
Như vậy, với con số “ảo” đã khiến thí sinh hiểu là danh sách đăng ký xét tuyển vào trường nên dẫn đến tình trạng nhiều em rút và chuyển nguyện vọng một cách ồ ạt. Vì vậy, kéo theo các trường không kịp “trở tay” khi mà hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin ở nhiều trường vẫn còn những hạn chế khi cập nhật danh sách, biểu điểm.
Nhiều trường sẽ không chọn được thí sinh phù hợp
Không chỉ việc xét tuyển năm nay sẽ còn kéo dài, gây hoang mang, lo lắng cho hàng nghìn gia đình và thí sinh mà hoạt động của nhiều trường đại học, cao đẳng cũng đang đứng trước thách thức sẽ bị xáo trộn trong công tác tuyển sinh.
Như mọi năm, thí sinh thi xong đại học, cao đẳng theo phương thức 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển), ngay từ vòng chấm đầu tiên, các trường đã dự kiến được điểm chuẩn để chọn lọc thí sinh sao cho đủ chỉ tiêu mà không cần chờ đến điểm sàn của Bộ GD-ĐT.
Còn trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, với việc thí sinh biết điểm thi trước sau đó mới đăng ký xét tuyển NV1 nên chỉ khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, các trường mới hình dung ra được mức điểm chuẩn dự kiến cũng như mới biết được số lượng thí sinh đăng ký vào trường mình là bao nhiêu.
Mặt khác, việc các trường xây dựng điểm chuẩn và biết được số lượng thí sinh chính thức sẽ mất khá nhiều thời gian khi thí sinh được phép đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành khác nhau của trường ở đợt xét tuyển NV1. Điều này dẫn đến thí sinh “ảo” rất lớn ngay từ NV1 và có thể còn nhiều trường không tuyển được đủ chỉ tiêu cho các ngành khác nhau khi tình trạng rút hồ sơ vào những ngày cuối cùng của mỗi đợt tuyển sinh. Vì vậy, họ phải thêm một lần thực hiện tuyển sinh bổ sung dẫn đến thời gian xét tuyển kéo dài.
Khi các trường tốp đầu tuyển sinh đủ chỉ tiêu xong, các trường tốp giữa và tốp trung bình sẽ “thấp thỏm” chờ đón, sàng lọc thí sinh trong hàng nghìn hồ sơ “ảo”. Còn nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cũng phải chờ đợi khi các trường công lập tuyển sinh xong thì mới thống kê được số lượng thí sinh đăng ký vào trường mình là bao nhiêu và mới có thể triệu tập thí sinh đến làm thủ tục nhập học.
Như mọi năm, nhiều trường đại học, cao đẳng có thể thực hiện công tác làm thủ tục nhập học cho thí sinh từ ngay đầu tháng 9. Còn đối với hình thức tuyển sinh năm nay, thời gian tiến hành công đoạn này đối với trường tốp đầu phải kéo dài đến tháng 10, còn các trường tốp trung bình hoặc thấp hơn có thể kéo dài đến cuối năm hoặc lân sang năm sau.
Bên cạnh việc sẽ gặp khó khăn trong công tác tổ chức xét tuyển, các trường đại học, cao đẳng dự kiến còn gặp trở ngại rất lớn khi sàng lọc và chọn lựa thí sinh vào học theo đúng năng lực, sở thích của các em cũng như khả năng đào tạo của trường.
Nếu như mọi năm thi đại học, cao đẳng, thí sinh chọn khối thi và làm theo đề thi khó hơn nhiều đề thi tốt nghiệp THPT. Khi có kết quả, các trường sẽ biết rõ được thí sinh giỏi ở môn nào, kém ở môn nào để chọn lựa, sàng lọc được thí sinh vào trường. Còn năm nay, đề thi THPT Quốc gia có từ 60-70 % là kiến thức cơ bản, chỉ khoảng 30% là có tính phân hóa thì sẽ rất khó cho các trường chọn lựa thí sinh ưu tú nhất vào trường.
Mặt khác, thông qua đợt xét tuyển NV1 vừa qua, nhiều thí sinh có tâm lý chạy theo “đám đông” theo kiểu miễn sao đăng ký vào ngành nào để đỗ đại học chứ không nghĩ đến ngành đó có phù hợp với sở thích, năng lực và nhu cầu việc làm sau khi tốt nghiệp. Những trường hợp này (nếu trúng tuyển) có thể sẽ chỉ học tạm thời ở trường đại học được khoảng 1 đến 2 học kỳ rồi lại tìm cách sang năm thi lại.
Như vậy, các trường đại học, cao đẳng khó có thể lường trước những yếu tố rủi ro trong công tác tuyển sinh để chọn lựa thí sinh có chuẩn “đầu vào” chất lượng. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thí sinh “đầu ra” và công tác đào tạo của các trường.
TP.HCM:Nhiều thí sinh bối rối trước giờ chốt sổ nguyện vọng 1
Theo quy định, thí sinh có thể nộp hay rút hồ sơ dự tuyển nguyện vọng 1 trước 17h hôm nay (20/8). Cuộc đua rút-nộp hồ sơ bước vào thời điểm “thắng, bại”.
Ghi nhận tại Đại học Sư phạm TP.HCM vào sáng ngày 20/8, tuy lượng thí sinh đến rút hồ sơ không còn nhiều như những ngày trước, nhưng càng về trưa, thí sinh và thân nhân đến trường đến rút hồ sơ ngày càng đông. Tuy vậy, nhờ sắp xếp hợp lý, thí sinh không phải chờ quá lâu để rút hồ sơ dự tuyển. Trung bình, khoảng 30 phút sau khi nộp yêu cầu, thí sinh sẽ được hoàn trả hồ sơ.
Tại Đại học Sài Gòn, tình hình tương tự cũng xảy ra. Nhiều phụ huynh và thí sinh sau khi nhận được hồ sơ đã tức tốc lên xe để chuyển sang trường khác có mức điểm hợp lý.
Các thí sinh cũng tỏ ra mệt mỏi và bối rối trước giờ chốt sổ vì không biết nên lựa chọn ngành nào, trường nào là hợp lý. Theo một cán bộ tư vấn của Đại học Sài Gòn, việc thí sinh đợi đến ngày cuối cùng mới nộp hồ sơ sẽ rất khó định lượng được cơ hội trúng tuyển. Điều này chỉ thuận lợi với những thí sinh điểm cao. Nhưng lại làm cho những thí sinh đang ở ngưỡng xét tuyển có nguy cơ bị loại.
“Rất có thể điểm chuẩn sẽ tăng đột biến và sẽ có những trường hợp hôm trước chắc trúng tuyến nhưng hôm sau bị trượt dù điểm không hề thấp”, cán bộ này cho biết.