Gần đến ngày chốt, thí sinh điểm cao mới nộp hồ sơ xét tuyển

4 ngày trước khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1, nhiều đại học tốp đầu của Hà Nội như: Ngoại thương, Luật, Bách khoa… nhận được khá nhiều hồ sơ, phần lớn là thí sinh có điểm cao.

Sáng 17/8, trước phòng Đào tạo Đại học Ngoại thương Hà Nội, hàng trăm thí sinh xếp hàng dài chờ đến lượt nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng. Nhiều em cho biết, sau thời gian theo dõi tình hình nộp hồ sơ của các bạn, hôm nay mới bắt đầu đi đăng ký. Các em này hầu hết có điểm thi từ 26 trở lên.

Gần đến ngày chốt, thí sinh điểm cao mới nộp hồ sơ xét tuyển

Trong hàng dài thí sinh đến nộp hồ sơ và điều chỉnh nguyện vọng vào Đại học Ngoại thương Hà Nội sáng 17/8, không ít em có điểm thi cao mới lần đầu nộp hồ sơ.

Tạ Phương Anh (Bắc Giang) được 26,75 điểm thi khối A1 cho biết, những ngày qua trong khi thí sinh khắp nơi đổ xô nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học thì em ngồi đợi xem phổ điểm của các bạn nộp vào Ngoại thương thế nào. Khi thấy điểm của mình hơn 1,25 điểm so với ngưỡng an toàn vào ngành Quản trị kinh doanh mà trường công bố, em mới đi nộp hồ sơ. “Chờ như vậy cho chắc ăn, đỡ phải vất vả đi lại, rút nộp hồ sơ nhiều lần”, nữ sinh cười giải thích.

Con gái của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền (46 tuổi, Hà Nội) thi khối D1 được 26,25 điểm sáng nay cũng lần đầu đi nộp hồ sơ vào ngành Kinh tế đối ngoại của Đại học Ngoại thương. Thí sinh này cho biết, dù suốt 2/3 thời gian nộp hồ sơ nguyện vọng 1 vừa qua, đại đa số sĩ tử đã đăng ký vào các trường nhưng em hoàn toàn không lo lắng.

“Mỗi ngày em đều cập nhật danh sách đăng ký vào Ngoại thương để xem mức điểm của mình ở đâu. Khoa Kinh tế đối ngoại có khoảng 100 bạn bằng điểm với em, nhưng nhà trường xét ưu tiên môn Toán với các đối tượng này, em lại được 9,5 điểm nên gia đình cũng yên tâm để sát ngày mới nộp hồ sơ”, thí sinh nói. Em cho biết thêm, càng chờ đến những ngày cuối thí sinh càng biết chắc ngành nào có cơ hội đỗ cao để đăng ký, như thế sẽ đỡ vất vả chạy tới nhiều trường.

Gần đến ngày chốt, thí sinh điểm cao mới nộp hồ sơ xét tuyển

Thí sinh Tạ Phương Anh (Bắc Giang) được 26,75 điểm thi khối A1 sau thời gian xem xét kỹ phổ điểm của hồ sơ nộp vào Đại học Ngoại thương mới quyết định đăng ký xét tuyển

Nguyễn Nhật Mai (THPT chuyên Ngoại ngữ Hà Nội) được 26,25 điểm khối D1 và Cung Thị Hiền Hà (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) được 32,75 điểm khối D1 (đã nhân hệ 2 tiếng Anh), 24,25 điểm khối A1 cũng có mặt trong hàng dài thí sinh đến đăng ký xét tuyển vào Đại học Ngoại thương Hà Nội. Điểm số của hai nữ sinh đều cao hơn mức chuẩn dự kiến mà trường công bố.

Tuy nhiên, Nhật Mai, Hiền Hà vẫn có chút lo âu khi thấy quanh mình còn nhiều thí sinh điểm rất cao giờ mới bắt đầu nộp hồ sơ. “Em sợ còn nhiều bạn điểm cao tiếp tục đăng ký xét tuyển trong những ngày tới, đẩy mức điểm chuẩn vào ngành tăng lên”, Hiền Hà chia sẻ.

Trưởng phòng Đào tạo Đại học Ngoại thương Hà Nội, bà Lê Thu Thủy cho biết, những ngày gần đây trường nhận được 30-40 hồ sơ đăng ký xét tuyển mỗi ngày, và hầu hết có điểm thi trên 26. Số hồ sơ có điểm cao nộp vào đang tăng lên.

Tại hội trường Đại học Luật Hà Nội sáng 17/8 rất đông thí sinh đến rút – nộp hồ sơ. Không ít trong số đó là những em đạt điểm cao giờ mới đăng ký vào trường. Nguyễn Việt Bách (THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội) cho biết, thi được 22,75 điểm, đứng vị trí thứ 300 trong danh sách thí sinh khối D của ngành Luật (chỉ tiêu tuyển sinh là 1.715). Cuối tuần vừa qua, trường công bố điểm chuẩn dự kiến, điểm thi THPT quốc gia của em hơn đến 7,75 điểm so với ngưỡng trúng tuyển tạm thời. Đã chắc chắn 90% sẽ đỗ, em mới quyết định nộp hồ sơ.

Quỳnh Anh (Vĩnh Phúc) được 26 điểm khối C, Thùy Linh (Thái Bình) 32,5 điểm khối D (đã nhân hệ 2 môn tiếng Anh) và Nguyễn Thị Hương (THPT Đông Sơn 1, Thanh Hóa) đạt 21 điểm khối A cũng cho biết chưa nộp hồ sơ vào trường nào trước Đại học Luật vì để “chắc ăn mới nộp”.

Trưởng phòng Đào tạo Lê Đình Nghị cho hay, đến hết ngày 16/8 Đại học Luật Hà Nội nhận được gần 4.800 hồ sơ đăng ký, khoảng 1.200 hồ sơ được thí sinh rút ra. Những ngày này, nhà trường tiếp tục nhận được khoảng 30 hồ sơ đăng ký mỗi ngày, chủ yếu của thí sinh đạt từ 21 điểm trở lên.

Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Phong Điền cho biết, chỉ tính trong sáng 17/8 đã có 200 thí sinh trên 26 điểm nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường. Những ngày trước, lượng thí sinh nộp vào không cao bằng nhưng cũng không có em nào dưới 23 điểm.

Đại học Kinh tế quốc dân sáng 17/8 có 230 thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào. Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Quang Dong cho biết, phần lớn thí sinh nộp mới này có điểm từ 24 trở lên.

Được thay đổi nguyện vọng ở địa phương, thí sinh vẫn dồn về thành phố

Nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, dù Bộ Giáo dục cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng ngay tại trường THPT hoặc Sở, nhưng đến nay không nhiều em sử dụng cách thức này.

Để tạo thuận lợi cho thí sinh, nhất là những em ở vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không phải đi xa khi muốn thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển, Bộ Giáo dục đã cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển và thay đổi nguyện vọng tại các Sở Giáo dục hoặc trường THPT thay vì phải đến trực tiếp các trường đại học.

Thí sinh chỉ cần nộp hồ sơ gồm Đơn đề nghị thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển, Giấy biên nhận thu hồ sơ của trường cũ hoặc Phiếu báo phát chuyển Hồ sơ đăng ký xét tuyển của bưu điện. Sở Giáo dục sẽ cập nhật thay đổi vào phần mềm quản lý thi đến hết ngày 20/8, đồng thời gửi về Bộ danh sách thí sinh đề nghị rút hồ sơ. Các trường đại học, cao đẳng thường xuyên cập nhật thông tin điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển do Sở Giáo dục chuyển lên hệ thống phần mềm quản lý tuyển sinh 2015 của Bộ và tiếp nhận danh sách thí sinh đề nghị rút hồ sơ, cập nhật vào phần mềm quản lý tuyển sinh.

Mặc dù vậy, với tâm lý “chắc ăn”, đa số thí sinh và người nhà vẫn đến tận trường đại học để rút và nộp hồ sơ. Phó giám đốc Sở Giáo dục Hòa Bình Nguyễn Đức Lương cho biết, sau khi có công văn của Bộ, ngày 11/7, Sở đã có văn bản hướng dẫn 20 trường THPT trên toàn tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ, cử cán bộ kỹ thuật để nhập số liệu vào phần mềm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dù đã một tuần nhưng Sở chưa nhận được bộ hồ sơ nào của thí sinh.

Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang cũng cho biết, thông điệp theo dõi tình hình và nộp hồ sơ điều chỉnh nguyện vọng tại Sở đã được gửi đến tất cả các trường phổ thông. Sở đã cử một bộ phận tiếp nhận, tuy nhiên, hiện Hà Giang mới nhận được 5 bộ hồ sơ xin điều chỉnh nguyện vọng.

Ở tận Tuyên Quang, nhưng em Lý Minh Thắng (học sinh trường THPT Tân Trào) vẫn xuống Đại học Bách khoa Hà Nội để nộp hồ sơ. Thắng cho hay chưa biết thông tin có thể nộp hồ sơ tại Sở. “Tuy nhiên, nếu biết em vẫn xuống Hà Nội để trực tiếp làm cho nhanh, vì sợ qua hệ thống Sở hay trường sẽ không kịp thời gian, trong khi thời hạn thay đổi hồ sơ đăng ký không còn nhiều”, Thắng nói.

Trưởng phòng Quản lý và Đào tạo một trường đại học lớn tại Hà Nội cho biết, Bộ quy định hết ngày 20/8 thì các Sở mới chuyển danh sách về cho các trường đại học, như vậy việc xác định điểm trúng tuyển của các trường sẽ gặp khó khăn. Vì nếu Sở không gửi ngay khi các em nộp hồ sơ điều chỉnh thì các trường đại học không biết thí sinh nào đã rút hồ sơ, thí sinh nào mới nộp vào.

“Rút hồ sơ tại địa phương cũng tốt nếu mọi khâu đều thông suốt, chỉ sợ trục trặc khâu nào đó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Nếu trượt nguyện vọng 1 thì cơ hội vào các trường tốt rất ít bởi hầu hết trường đã tuyển đủ chỉ tiêu ở đợt đầu tiên”, vị cán bộ nói và cho biết, có trường hợp, phụ huynh đến nộp hồ sơ cho con, hôm sau gọi điện đến trường bức xúc vì chưa thấy tên con trong danh sách. Nguyên nhân là trường mà thí sinh rút hồ sơ chưa kịp xóa tên thí sinh đó khỏi hệ thống, nên trường tiếp nhận không thể cập nhật thông tin của thí sinh đó

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*