Cuộc chạy đua nước rút vào giảng đường ĐH của hàng trăm ngàn thí sinh đã bắt đầu. Dự kiến từ hôm nay 18/8 đến hạn chót 20/8, thí sinh sẽ ồ ạt rút-nộp hồ sơ tạo ra một cuộc “tháo chạy” với hiệu ứng đô-mi-nô đầy kịch tính.
TPHCM: Xếp hàng dài chờ rút, nộp hồ sơ
Ngày 17/8, ghi nhận ở một số trường ĐH tại TPHCM, việc nộp, rút hồ sơ đang ở giai đoạn cao điểm. Tại trường ĐH Công nghiệp TPHCM ngay từ sáng sớm đã có hàng nghìn thí sinh đến đây xin nộp, rút hồ sơ. Theo quan sát của PV, ở mỗi khu vực nộp, rút hồ sơ tại đây, thí sinh và phụ huynh phải xếp thành 2- 3 hàng dọc kéo dài cả chục mét.
Đang đứng ở hàng ngoài chờ con, ông Phan Văn Lợi (quê Bình Thuận) cho biết, hai bố con ông vừa rút hồ sơ ở trường ĐH Bách khoa TPHCM xong phải chạy sang trường này để kịp nộp hồ sơ trong ngày. “Sau khi làm hồ sơ, hai bố con phải thay nhau xếp hàng, chờ đến lượt vào nộp hồ sơ chứ không dám rời chỗ bởi người đông nghẹt, đi là mất chỗ luôn”, ông Lợi nói.
Trường ĐH Sài Gòn, ĐH Mở, ĐH Công nghiệp Thực phẩm, ĐH Ngân hàng TPHCM… cũng xảy ra tình trạng tương tự. Tính đến hết ngày 17/8, trường ĐH Sài Gòn có 13.462 hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong đó có 6.297 thí sinh xin rút hồ sơ. Như vậy, số hồ sơ còn lại là 7.165 trong khi trường chỉ có 4.000 chỉ tiêu.
Ông Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo trường tỏ ra băn khoăn: “Tôi không hiểu vì sao, hơn 3.000 thí sinh không đủ điểm vào trường đang làm gì mà đến giờ vẫn chưa chịu rút hồ sơ để tìm trường khác nộp vào?”. Tại trường ĐH Mở, hiện có hơn 2.000 thí sinh không đủ điểm nhưng hiện tại vẫn chưa đến lại rút hồ sơ.
Hà Nội: Đầy kịch tính
Cách đây ít hôm, ĐH Bách khoa Hà Nội nhận được khoảng 10.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và sau mỗi ngày lại có nhiều thí sinh đạt điểm cao hơn nộp hồ sơ, đẩy điểm chuẩn dự kiến của trường này lên đến đỉnh điểm đến mức dù có đạt 3 điểm 8,5 cũng khó lòng đậu vào ngành “hot” nhất của trường này (Công nghệ thông tin). Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn thí sinh phải “tháo chạy” khỏi trường này.
Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa dừng lại vì, chỉ trong buổi sáng 17/8, vẫn có 500 người tiếp tục nộp hồ sơ và, điều đáng nói trong đó có hơn 200 người đạt trên 25 điểm. Một thí sinh đạt 24,25 điểm khối D1 (chưa nhân hệ số môn tiếng Anh) nộp hồ sơ ĐKXT vào ĐH Ngoại thương nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời: ở thời điểm này thì tạm đạt, nhưng còn ngày mai, ngày kia chưa biết thế nào.
Dự báo về tình hình rút-nộp hồ sơ ĐKXT của thí sinh từ ngày hôm nay 18/8, một nhà tuyển sinh khu vực Hà Nội nhận định: Tất cả các trường, các thí sinh sẽ chịu một tình cảnh đầy kịch tính. Thí sinh ồ ạt rút hồ sơ khi thấy không còn an toàn và lại ồ ạt nộp sang trường khác, tiếp tục gây đình trệ, tắc nghẽn trên toàn mạng.
Đẩy các trường vào thế bị động
Đó là nhận xét chung của các trường ĐH được hỏi khi nói về những thay đổi mới đây mà Bộ GD&ĐT mới chỉ đạo cho công việc xét tuyển của các trường. Một nhà tuyển sinh ở Hà Nội dẫn ví dụ: Ngày 16/8, Bộ yêu cầu các trường công bố điểm chuẩn dự kiến; điều này sẽ dẫn đến việc sau 17/8 sẽ lại có một làn sóng thí sinh, gia đình rầm rập nhao đi chỗ nọ, chỗ kia rút hồ sơ để nộp chỗ khác, hoặc đảo NV trong một trường, hoặc nộp vào trường mới. Tất cả sẽ tạo nên một sự hỗn độn mới trong các ngày 18-20/8. Đây chính là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách dường như đã không lường trước.
Một chuyên gia cũng dẫn việc chỉ đạo mới đây của Bộ GD&ĐT khi cho phép các thí sinh được sửa nguyện vọng hoặc điều chỉnh hồ sơ ĐKXT qua Sở GD&ĐT. Chuyên gia này đặt câu hỏi: Sở GD&ĐT không có hồ sơ thí sinh, cứ nhận một cách cơ học theo chỉ đạo, sau này ai sẽ chịu trách nhiệm về tính xác thực?
Về phần mềm đã gây tai tiếng từ đầu mùa tuyển sinh, một nhà đào tạo tại khu vực Hà Nội đề nghị: Bộ cần tránh tình trạng vừa làm, vừa nâng cấp, vừa sửa, mô-đun này, mô-đun kia khiến cho các trường không khỏi bối rối. Một nguồn tin còn lo ngại, mỗi trường một phần mềm, không có sự thống nhất, sẽ dẫn đến tình trạng, có thể có trường “vống” điểm thí sinh nộp hồ sơ để thí sinh ngừng nộp hồ sơ, nhằm trục lợi cho một số đối tượng và không ai kiểm soát, thanh tra được. Nguồn tin này nói: Mới đây, Bộ GD&ĐT có gửi email đề nghị các trường gửi file cập nhật điểm chuẩn tạm thời, điểm thí sinh nhưng, nguồn tin này nhận định, đã quá muộn!
Đáng ra, ngay từ đầu ngành GD&ĐT phải định hướng được tình huống, đưa ra giải pháp, chế tài khi đưa ra chính sách thì Bộ sẽ không bị động và để rồi lại ra nhiều chỉ đạo bổ sung, đẩy các trường vào thế bị động như hiện nay. Đó là ý kiến của không ít nhà tuyển sinh khi được hỏi về những chủ trương tuyển sinh mới ra gần đây.
Cần sửa đổi gì?
Mệt mỏi và ngao ngán là những từ các nhà tuyển sinh sử dụng để miêu tả về công việc tuyển sinh năm nay. Một trường đã làm “điều tra” thử trên 600 thí sinh thi khối C đạt được 25,0 điểm và trong đó chỉ có 3 thí sinh ở cụm thi Hà Nội, còn lại là học sinh ngoại tỉnh. Kết quả này khiến người ta đoán già đoán non về chất lượng thí sinh. Nhà tuyển sinh của trường này, được biết, không hề phấn khởi trước điểm số cao chót vót của thí sinh mình được nhận. Về điểm này, một số trường đề nghị, nếu năm tới còn thi 2 trong 1 thì cần thay đổi đề thi và thanh kiểm tra tốt hơn nữa để có chất lượng thí sinh “đẹp” hơn.
Năm tới, cần quản lý phân tán thay vì quản lý tập trung. Cụ thể là thay vì quản 1 phần mềm duy nhất tập chung ở Bộ GD&ĐT với một dữ liệu duy nhất thì nên phân tán dữ liệu ra một số trường để tránh rủi ro, một nhà quản lý thi đề nghị.