Nhiều sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân phản ánh học phí năm nay tăng quá cao (30%) gây khó khăn cho các em. Nhà trường cho biết mức học phí đưa ra là đúng quy định và được thông báo từ tháng 3/2016.
Phản ánh với VnExpress, nhiều sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân bày tỏ bức xúc về việc học phí năm học 2016-2017 tăng quá cao. Cụ thể, mức tăng học phí sắp tới của sinh viên K57 (năm thứ hai) và K58 sắp vào trường lần lượt là 375.000 đồng/tín chỉ với các ngành nhóm 1 (gồm Tin học kinh tế, Hệ thống thông tin quản lý, Công nghệ thông tin, Kinh tế học, Kinh tế tài nguyên, Kinh tế bất động sản và địa chính, Kinh doanh bất động sản, Luật kinh doanh, Luật kinh doanh quốc tế, Thống kê kinh tế xã hội và Thống kê kinh doanh); 450.000 đồng/tín chỉ (gồm các chuyên ngành còn lại không thuộc nhóm 1 và nhóm 3) và 530.000 đồng/tín chỉ (với các ngành Kế toán tổng, Kiểm toán, Kinh tế đầu tư và Kinh tế quốc tế, Tài chính doanh nghiệp).
Năm ngoái, mức học phí lần lượt đối với ba nhóm ngành này là 295.000 đồng, 355.000 đồng và 415.000 đồng/tín chỉ.
Đại học Kinh tế quốc dân được giao quyền tự chủ năm 2015. |
Thu Hà, sinh viên K57 cho hay, ngành học của em thuộc nhóm chịu học phí điều chỉnh cao nhất là 530.000 đồng/tín chỉ. Trung bình mỗi sinh viên đăng ký khoảng 40 tín chỉ cho một năm học, số tiền phải đóng là hơn 21 triệu đồng theo mức học phí cao nhất và gần 19 triệu đồng với ngành học có mức học phí thấp nhất. Trong khi năm học trước, Hà đóng 14 triệu tiền học phí cho cả năm.
Theo Hà, mức học phí này sẽ là gánh nặng với những sinh viên gia đình khó khăn. “Em và nhiều bạn cùng khóa biết thông tin trường sẽ tăng học phí theo lộ trình nhưng không nghĩ là tăng kịch trần ở mức cao như vậy”, Hà nói.
Vân Anh, sinh viên K57 cho hay, một năm em đăng ký học khoảng 40 tín chỉ thì số tiền học phí là hơn 21 triệu đồng. “Nếu học phí cao tương xứng chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất thì em không kêu ca. Năm nay tăng khoảng 30%, những năm sau này nếu vẫn như vậy thì số tiền học phí có thể tăng lên khoảng 600.000-700.000 đồng/tín chỉ, quá cao?”, sinh viên này lo lắng.
Trên trang NEU Confessions, nhiều sinh viên than thở với mức học phí này thì có thể… nghỉ học vì gia đình không gánh nổi. Một sinh viên K57 cho biết gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập của bố mẹ khoảng 5 triệu/tháng. Em mới nhập học đã đi làm gia sư dạy kín cả tuần. Tiền công mỗi tháng gần 3 triệu đồng dành ăn uống, đóng tiền nhà, còn học phí thì phải xin gia đình hoàn toàn.
“Em mới học hết năm thứ nhất, nhìn vào học phí tăng đều hàng năm em thấy rất lo lắng, không biết có trụ nổi đến khi ra trường không”, sinh viên này nói.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, từ trước đến nay, sinh viên quen với việc học phí được nhà nước bao cấp một phần. Vì vậy, khi các trường đại học được Chính phủ giao quyền tự chủ, tự thu tự chi, học phí tăng lên thì không khỏi sốc.
Theo ông Chương, Đại học Kinh tế quốc dân đã xây dựng lộ trình tăng học phí theo đúng Đề án tự chủ của trường được Chính phủ phê duyệt và Nghị định 86 về học phí đối với các trường đại học tự chủ. Trên cơ sở đó, trường xây dựng học phí theo hướng tính đúng, tính đủ.
“Cũng như những năm trước, mức học phí của Đại học Kinh tế quốc dân đưa ra cho năm học này đều tính đến khả năng chấp nhận của thị trường, người học, điều kiện kinh tế xã hội. Cụ thể, chúng tôi chia theo nhóm ngành. Những ngành ít người học nhưng xã hội vẫn cần, mức học phí thấp hơn nhiều. Những ngành hot, cơ hội việc làm cao, thu nhập cao thì mức học phí cao hơn. Mức học phí của ngành thấp chỉ 12 triệu đồng, còn ngành hot nhất là 17,5 triệu đồng/năm. Tính trung bình, mức học phí đại trà của trường là 13,5 triệu đồng/năm. Trong khi đó, theo Nghị định 86 thì mức trần học phí phải là 17,5 triệu đồng/năm”, Hiệu phó Đại học Kinh tế quốc dân cho hay.
Thông tin về học phí cũng được nhà trường thông báo từ tháng 3/2016. Khi học phí tăng, nhà trường cũng tăng cường các chính sách hỗ trợ học bổng cho sinh viên nghèo học giỏi, sinh viên thuộc diện chính sách. Hiện quỹ học bổng của trường có khoảng 50 tỷ đồng.
Ông Chương thừa nhận, sinh viên K57 (những em nhập học năm 2015-2016) có phần thiệt thòi hơn sinh viên trước đó vì nhập học đúng giai đoạn “bước đệm”, trường chuyển từ tự chủ một phần lên tự chủ toàn phần.
Từ năm 2015, Chính phủ đã thí điểm giao quyền tự chủ hoàn toàn cho 14 trường đại học, cao đẳng. Đó là các trường: Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ TP HCM, Đại học Kinh tế TP HCM, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Hà Nội, Đại học Tài chính – Marketing, Đại học Ngoại thương, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Đại học Mở TP HCM, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Công nghiệp TP HCM, Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM, Đại học Điện lực, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Thương mại. |
Phương Hoàng – Lan Hạ