Nhiều chuyên gia giáo dục dự báo, theo hình thức thi và xét tuyển trong kì thi THPT quốc gia 2015, tỷ lệ trượt tốt nghiệp sẽ nhiều, bên cạnh đó sẽ nảy sinh tình trạng thí sinh điểm cao vẫn có thể trượt đại học.
Sẽ có nhiều học sinh trượt tốt nghiệp!
PGS.TS Lê Thế Vinh, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho biết: “Ưu điểm của kỳ thi THPT quốc gia 2015 là tiết kiệm. Đánh giá thực hơn học sinh tốt nghiệp THPT mặc dù có thể tỷ lệ đạt tốt nghiệp sẽ thấp hơn so với năm trước. Việc tổ chức kỳ thi chung quốc gia về hình thức như một kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước sẽ đảm bảo tính khách quan của.
Phân tích về việc sẽ xảy ra tình trạng phân loại học sinh, cần xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo đánh giá được năng lực học sinh, vừa đảm bảo tính ổn định của hệ thống. Bên cạnh đó, kết quả thi phải phân loại được HS để các trường ĐH, CĐ làm cơ sở lựa chọn. Tránh trường hợp có 1.000 HS nộp hồ sơ với kết quả 29,5 điểm mà nhà trường chỉ có 200 chỉ tiêu, không thể chọn ra được.
Cùng quan điểm trên, một lãnh đạo của Sở GD-ĐT cũng cảnh báo tình trạng, sẽ có khả năng có thí sinh đỗ ĐH nhưng lại trượt tốt nghiệp. Theo phương án thi hiện tại, để được xét tốt nghiệp thí sinh phải thi bốn môn tối thiểu, trong đó ba môn bắt buộc và một môn tự chọn nhưng một thực tế có thể xảy ra là có em bị điểm liệt một trong số bốn môn tối thiểu, hoặc tổng điểm bốn môn tối thiểu đó quá thấp nên không đỗ tốt nghiệp, trong khi điểm các môn mà các em thi thêm để xét tuyển ĐH lại đủ điểm đỗ.
Ông Bùi Đức Hiền, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Điện lực cho hay, mặc dù Bộ cũng đã mở cơ hội cho thí sinh thi tại cụm thi đại học đỗ tốt nghiệp theo quy định xét tuyển tốt nghiệp là 50% học bạ nhưng sẽ có trường hợp thí sinh trượt tốt nghiệp nhưng đỗ đại học bởi cùng một đề thi nhưng trình độ khác nhau, coi thi khác nhau. Tỷ lệ thí sinh ở cụm thi địa phương tốt nghiệp cao hơn ở cụm thi đại học có thể xảy ra. Lúc đó xã hội phải chấp nhận vì mục đích của 2 cụm thi khác nhau.
Đưa ra giải pháp tình trạng trên, PGS.TS Lê Thế Vinh kiến nghị: “Nên tổ chức giống như kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy hàng năm (do các Trường ĐH, CĐ chủ trì thực hiện theo Quy chế thi tuyển sinh). Cấu trúc đề thi có thể gồm 2 phần: Tốt nghiệp (50%) + Tuyển sinh ĐH (50%). Ví dụ: HS nắm được kiến thức cơ bản rất dễ dàng đạt điểm 5,0; nhưng sẽ khó khăn mới đạt được điểm 6,0 và rất rất khó để đạt được 9,0-10 điểm. Không nên tổ chức tại các trường THPT mà các em học, mà tổ chức ở Trường ĐH, CĐ (như các em Thi ĐH trước đây).
Lên kế hoạch chặn thí sinh “ảo”
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 có ba điểm mới liên quan đến công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học là kết quả thi vừa dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh; Thí sinh đăng kí dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ sau khi đã có kết quả thi; Các trường ĐH, CĐ tự chủ và linh hoạt trong việc đề xuất các khối thi phù hợp với yêu cầu tuyển sinh đối với các ngành đào tạo.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết: “Đối với thí sinh, việc đăng ký dự tuyển sau khi đã có kết quả thi sẽ giúp các em tránh được rủi ro là đạt điểm cao nhưng vẫn có thể trượt ĐH như những năm trước đây, các em lựa chọn được những trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực của mình, đáp ứng tốt hơn tính đa dạng về ngành nghề của giáo dục đại học; cho phép các trường tuyển được các thí sinh có năng lực sát hơn với ngành nghề đào tạo.Với cách thức tuyển sinh nêu ra trong phương án, thí sinh sẽ linh hoạt trong việc chọn các khối thi phù hợp, và sẽ giảm mạnh số thí sinh ảo”.
“Đây là động lực bên trong để các cơ sở giáo dục đại học có các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội” – ông Trinh nhấn mạnh.
Ngược lại với quan điểm trên, lãnh đạo nhiều trường đại học cho rằng, với cách xét tuyển này càng tăng thêm số lượng thí sinh “ảo”.
Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Đinh Văn Chỉnh, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “Công tác xét tuyển ở đây giống như xét tuyển nguyện vọng 2 sẽ “ảo” rất nhiều bởi thí sinh có quá nhiều giấy báo điểm. Nếu trường xét tuyển 10.000 chỉ tiêu thì phải gọi tới 30.000 thí sinh để tránh “ảo”. Bộ cần giới hạn giấy xét tuyển đối với mỗi thí sinh – ông Chỉnh kiến nghị.
Điều quan trọng nhất trong kỳ thi quốc gia này, theo GS.TS Đinh Văn Chỉnh, là công tác coi thi nên công tác này phải thực hiện nghiêm túc. Công tác coi thi, các trường đại học đã thực hiện từ nhiều năm nay và đã được xã hội tin tưởng nên công tác này nên giao cho các cụm trường đại học quản lý.
Không bình luận về việc có nhận học sinh ở cụm thi địa phương hay không, ông Chỉnh cho hay, tuyển sinh năm 2015, trường thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT, thực hiện đúng mục tiêu của kỳ thi là xét thí sinh theo cụm thi đại học.
Cùng lo lắng về vấn đề này, lãnh đạo của một trường đại học thuộc top giữa ở Hà Nội cho rằng: “Bộ quy định có kết quả điểm thi tốt nghiệp rồi thí sinh mới đăng ký ngành học. Với quy định này chỉ có lợi cho các trường “top” trên chứ các trường top giữa coi như “chết” thất bại trong việc tuyển chọn học sinh giỏi”.
Cũng theo vị lãnh đạo trường này, trường đã phải chỉnh lại Đề án tuyển sinh để tuyển chọn được thí sinh là sẽ xét tuyển cả 2 kết quả ở 2 cụm thi địa phương và đại học nhưng ở tiêu chí cao. Bên cạnh đó, sẽ cho thí sinh đăng ký vào dịp tháng 3- 4 vào trường để tránh “ảo”. Sau khi đăng ký, mỗi thí sinh sẽ được phát một mã số. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp mặc dù điểm có thấp nhưng vẫn được ưu tiên xét tuyển vào trường.
PGS.TS Vinh kiến nghị: “Bộ cần tính toán kỹ trong khâu ra đề thi để các trường đại học tin tưởng làm cơ sở để xét vào trường. Như thế xã hội cũng sẽ tin tưởng vào kết quả thi quốc gia khách quan, công bằng, nghiêm túc”.
Theo: Dân Trí