Sử dụng Atlat Địa lý hiệu quả khi thi THPT quốc gia

Kỹ năng khai thác bản đồ nói chung và Atlat Địa lý Việt Nam nói riêng nếu học sinh không nắm vững thì khó có thể hiểu và giải thích được các sự vật, hiện tượng địa lý.
Do vậy, việc rèn luyện kỹ năng làm việc với bản đồ nói chung, Atlat Địa lý Việt Nam nói riêng là không thể thiếu.

Thông thường, khi làm việc với Atlat Địa lý Việt Nam, học sinh cần chú ý:

  • Nắm vững cấu trúc nội dung của toàn bộ Atlat gồm: Hành chính (vị trí địa lý và sự phân chia hành chính); Địa lý tự nhiên; Địa lý kinh tế – xã hội.

  • Nắm vững nội dung từng trang Atlat gồm: Nội dung chính; Nội dung phụ; Học thuộc chú giải mỗi trang và chú giải chung cho cả Atlat (trang 3).

  • Yêu cầu cụ thể học sinh cần phải:

  • Hiểu hệ thống ký, ước hiệu bản đồ (trang 3 của Atlat).

  • Nhận biết, chỉ và đọc được tên các đối tượng địa lý trên bản đồ.

  • Xác định phương hướng, khoảng cách, vĩ độ, kinh độ, kích thước, hình thái và vị trí các đối tượng địa lý trên lãnh thổ.

  • Mô tả đặc điểm đối tượng trên bản đồ.

  • Xác định các mối liên hệ không gian trên bản đồ.

  • Xác định các mối quan hệ tương hỗ và nhân quả thể hiện trên bản đồ.

  • Mô tả tổng hợp một khu vực, một bộ phận lãnh thổ (vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, thủy văn, đất đai, thực vật, động vật, dân cư, kinh tế).

Để khai thác kiến thức địa lý có hiệu quả từ tập Atlat Địa lý Việt Nam, cần lưu ý việc sử dụng thông tin ở từng trang theo quy trình sau:

  • Tái hiện kiến thức đã có cần phải khai thác liên quan đến Atlat. Về bản chất, có thể coi Atlat là một cuốn sách giáo khoa Địa lý Việt Nam được thể hiện bằng kênh hình (chủ yếu là bản đồ). Vì thế, các câu hỏi khai thác Atlat gắn liền với kiến thức trong sách giáo khoa Địa lý.

  • Tìm các trang thích hợp với yêu cầu câu hỏi.

  • Trả lời theo yêu cầu câu hỏi (kết hợp giữa kiến thức đã có trong SGK và Atlat).

  • Đối với trang đầu của Atlat Địa lý Việt Nam, học sinh cần hiểu được ý nghĩa, cấu trúc, đặc điểm của Atlat; nắm chắc các ký hiệu chung.

  • Đối với các trang bản đồ trong Atlat Địa lý Việt Nam: Học sinh phải xác định được vị trí địa lý, giới hạn lãnh thổ, vùng kinh tế; nêu đặc điểm các đối tượng địa lý (đất, khí hậu, nguồn nước, khoáng sản, dân cư, dân tộc; trình bày sự phân bố các đối tượng địa lý, như khoáng sản, đất đai, địa hình, dân cư, trung tâm công nghiệp, mạng lưới giao thông, đô thị…), giữa các yếu tố tự nhiên và kinh tế, dân cư và kinh tế, kinh tế và kinh tế, tự nhiên, dân cư và kinh tế…; đánh giá các nguồn lực phát triển ngành và vùng kinh tế; trình bày tiềm năng, hiện trạng phát triển của một ngành, lãnh thổ; phân tích mối quan hệ giữa các ngành và các lãnh thổ kinh tế với nhau; so sánh các vùng kinh tế; trình bày tổng hợp các đặc điểm của một lãnh thổ.

Trong nhiều trường hợp, học sinh phải chồng xếp nhiều trang bản đồ Atlat để trình bày về một lãnh thổ địa lý cụ thể. Ví dụ, câu hỏi dựa vào Atlat địa lý để viết một báo cáo ngắn đánh giá điều kiện tự nhiên đối với việc phát triển kinh tế của một vùng hoặc một tỉnh. Để làm được câu này, các em phải sử dụng các trang bản đồ hành chính, hình thể, địa chất và khoáng sản, khí hậu, đất, thực vật và động vật, các miền địa lý tự nhiên…

Thông thường khi phân tích, hoặc đánh giá một đối tượng địa lý, học sinh cần tái hiện vốn kiến thức địa lý tự nhiên, kinh tế – xã hội đã có của bản thân vào việc đọc các trang Atlat. Ngoài ra, học sinh cũng cần chú ý đến việc phân tích các lát cắt, biểu đồ, số liệu… Đây được coi là các thành phần bổ trợ nhằm làm rõ, hoặc bổ sung nội dung mà các bản đồ trong Atlat không thể trình bày rõ được.

Trên đây là những trao đổi về những yêu cầu và quy trình khai thác kiến thức Atlat địa lý Việt Nam giúp học sinh đạt được hiệu quả cao hơn trong quá trình học tập và có kết quả cao qua các kỳ thi đăc biệt là kỳ thi THPT Quốc gia.

Nguyễn Hữu Bằng
Giáo viên trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội)

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*