Để được rút hồ sơ, nhiều thí sinh làm giấy cam kết chịu trách nhiệm, phụ huynh trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn với nhà trường, thậm chí nhờ người quen tác động.
Sáng 24/8, khu vực đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội khá sôi động. Ngoài thí sinh đến nộp nguyện vọng 2 thì có hàng chục em đã trúng tuyển đến xin rút hồ sơ để nộp vào trường quân đội khi khối trường này công bố xét tuyển bổ sung gần 1.200 chỉ tiêu. Nhiều thí sinh, phụ huynh tỏ ra tiếc nuối vì lỡ nộp hồ sơ trúng tuyển sớm. Có em sẵn sàng làm giấy tờ cam kết để được rút hồ sơ.
Thí sinh viết bản cam kết xin rút hồ sơ khỏi Đại học Bách khoa Hà Nội để nộp vào trường quân đội. Ảnh: Phương Hòa.
Từ Ninh Bình lên Hà Nội rất sớm, bố con em Phạm Văn Võ mong muốn rút hồ sơ trúng tuyển để nộp vào trường quân đội. Trước đó, Võ thi được 25,25 điểm, xét tuyển vào ngành Trinh sát kỹ thuật của Học viện Khoa học quân sự.
Hôm 17/8, trường công bố điểm chuẩn, ngành mà Võ thi lấy 25,75 điểm khối A cho thí sinh nam miền Bắc, tiêu chí phụ môn Toán trên 8,25. Không đủ điểm vào Học viện Khoa học quân sự, Võ nộp Giấy chứng nhận thi THPT quốc gia vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Giờ Học viện Khoa học quân sự thông báo nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung từ 18 điểm trở lên, cậu vội vàng muốn rút để nộp vào đây.
“Suốt tuần qua, tâm trạng em rất tệ, thất vọng rồi lại hy vọng”, Võ nói và cho biết đã tham khảo thông tin từ cán bộ tuyển sinh của Đại học Bách khoa. Dù biết quy định của Bộ Giáo dục không cho phép thay đổi nguyện vọng nhưng cậu vẫn muốn hoàn tất việc rút hồ sơ. Nam sinh cho biết nếu không được như ý thì đợi năm sau tiếp tục thi vào ngành quân đội.
Tương tự với Võ, một thí sinh ở Bắc Ninh thi vào Học viện Kỹ thuật quân sự được 26,25 điểm khối A, thiếu 0,25 điểm để đỗ vào hệ kỹ sư quân sự của trường. Mong muốn cho con được rút hồ sơ, người cha đã trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, con nhỏ tật nguyền với cán bộ phòng đào tạo. Ông còn đinh ninh “trường cho rút hồ sơ thì phải thay đổi được mã tuyển sinh”.
Nhiều thí sinh không rút hồ sơ để chuyển sang trường quân đội nhưng có nguyện vọng chuyển ngành học khác. Hoàng Văn Sơn (quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cùng người nhà mong muốn được rút hồ sơ đã trúng tuyển vào hệ đào tạo quốc tế của Đại học Bách khoa để chuyển sang Đại học Xây dựng. Trước khi thi, Sơn không nghiên cứu kỹ nên không biết các chuyên ngành đào tạo quốc tế (mã QT) của trường có mức học phí rất cao, 30-40 triệu/năm. Mồ côi cha mẹ từ sớm, Sơn không thể theo học với số tiền học phí cao như vậy.
Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội giải thích, tư vấn cho các phụ huynh cùng con tới rút hồ sơ. Ảnh: Phương Hòa.
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết trong ngày 23/8 có khoảng 30 trường hợp, hôm nay số lượng tương đương tới xin rút hồ sơ trúng tuyển để nộp sang trường quân đội. Số thí sinh này có mức điểm từ 24 đến 26.
Trưởng phòng Điền nhận định, việc rút hồ sơ ra là phương án tồi bởi thí sinh có thể gặp rủi ro khi xét tuyển sang trường khác. Theo quy định, khi nộp hồ sơ trúng tuyển, Giấy chứng nhận gốc về trường thì trường đã cập nhật và gửi dữ liệu về hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng nghĩa với mã xét tuyển của các em đã hết thời hạn và không thể thay đổi được nữa. Dữ liệu này Bộ nắm và các trường không có quyền can thiệp.
Về mặt kỹ thuật, nếu cho các em rút hồ sơ thì đồng nghĩa với việc hủy mã xét tuyển đã cập nhật trên hệ thống của Bộ. Khi thí sinh nộp hồ sơ vào trường khác, trường đó nhập mã xét tuyển thì hệ thống thông báo hết hiệu lực và thí sinh không có quyền xét tuyển nữa. “Để kiểm chứng, tôi đã thử nhập mã xét tuyển của thí sinh vào hệ thống trả về kết quả như vậy. Để tránh không trường nào nhận dù điểm cao, thí sinh nên cân nhắc kỹ đến việc rút hồ sơ”, ông Điền khuyến cáo.
Đối với những em kiên quyết rút, Đại học Bách khoa không giải quyết được về mặt kỹ thuật song vẫn tạo điều kiện cho các em được thỏa nguyện vọng bằng cách làm cam kết nếu có vấn đề bất trắc gì trong quá trình nộp hồ sơ, nhập học vào trường khác, thí sinh phải chịu trách nhiệm, không được quay lại trường để khiếu nại. Tuy nhiên, đến giờ chưa có trường hợp nào thực sự rút được hồ sơ.
“Quan điểm của trường là nếu thí sinh không tha thiết học ở đây thì sẽ tạo điều kiện, dành cơ hội cho những em khác muốn vào trường. Nên đặt nguyện vọng của người học lên hàng đầu vì có như vậy mới tạo được động lực học tập”, ông Điền nói và cho hay, trường luôn ưu tiên quyền lợi của thí sinh, không lo ngại vấn đề chỉ tiêu bởi còn nhiều đợt xét tuyển bổ sung.
Ngoài thí sinh đến nộp nguyện vọng 2, nhiều em tới xin rút hồ sơ tại trường Bách khoa. Ảnh: Phương Hòa.
Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho biết, trong hai ngày qua có vài trường hợp đến xin rút hồ sơ để nộp vào trường quân đội. Trước ngày 19/8 khi chưa hết thời hạn nộp hồ sơ trúng tuyển, có vài em đến xin rút trường đã giải quyết vì vẫn nắm dữ liệu. Nhưng đến 20/8, trường đã gửi về hệ thống của Bộ Giáo dục thì không giải quyết cho thí sinh rút hồ sơ nữa.
Theo ông Triệu, đến nay nếu nhà trường cho rút hồ sơ thì chỉ giải quyết được về mặt hình thức, còn mã tuyển sinh thì Bộ đã nắm. Việc cho thí sinh thay đổi nguyện vọng hay không là quyền của Bộ. Nhà trường đã tư vấn cho các em về lợi, hại khi rút hồ sơ bởi quy tắc chung của Bộ là thí sinh không được thay đổi nguyện vọng khi đã đăng ký xét tuyển và nộp hồ sơ trúng tuyển.
Ông Triệu kể, có hai bố con đi từ Hà Tĩnh ra xin rút hồ sơ nộp vào trường quân đội. Sau khi được nghe giải thích còn đưa điện thoại cho ông nói chuyện với người nhà ở quê, cuối cùng quyết định không rút nữa. “Việc nộp vào trường khác cũng là bước đầu chứ chưa xét. Nếu có quá nhiều thí sinh cùng nộp hồ sơ xét tuyển thì ‘cửa’ vào trường cho những em đã rút hồ sơ trở nên hạn hẹp. Những em này dễ rơi vào tình trạng ‘quay đi mắc núi, trở về mắc sông’, bị thiệt thòi quyền lợi được vào đại học”, Trưởng phòng Triệu cảnh báo.
Quy định xét tuyển đại học năm 2016. Đồ họa: Tiến Thành – Hoàng Thùy.
Đến hết ngày 23/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố danh sách, chỉ tiêu của hơn 150 trường đại học, học viện xét tuyển bổ sung nguyện vọng đợt 1. Đợt xét tuyển này kéo dài từ ngày 21 đến 31/8. Nhiều trường top đầu như Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển bổ sung khoảng 700 chỉ tiêu, Đại học Y Hà Nội hơn 200 chỉ tiêu…
Bất ngờ là lần đầu tiên sau nhiều năm, 18 trường quân đội thuộc Bộ Quốc phòng cũng thiếu chỉ tiêu, phải xét tuyển bổ sung với số lượng lớn 1.165 thí sinh hệ quân sự. Trong đó, trường Sĩ quan chính trị tuyển nhiều nhất 265, Học viện Hậu cần 162, Học viện Kỹ thuật quân sự 135, Học viện Quân y thiếu 65 chỉ tiêu. Các trường này sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung từ ngày 23 đến hết ngày 29/8.
Phương Hòa