Đó là điều tôi mong muốn ở những cô cậu học trò bước vào tuổi 18, đang khát khao con đường mang tên đại học, có thể làm được cho chính họ và cho xã hội này. 18 tuổi, hãy tỉnh táo để chọn con đường cho mình và chịu trách nhiệm với những việc đó.
Những ngày qua, câu chuyện nhà nhà ngược xuôi đi tìm suất vào đại học cho con trở thành chủ đề nóng của xã hội. Nhiều ý kiến góp ý, có khi là gay gắt về những cải tổ của Bộ GDĐT.
Không ít người ví von cuộc chơi này như một “canh bạc” hay một “sàn chứng khoán”. Rồi thì cũng đã có người cười, người khóc vào giây phút cuối cùng. Tất cả những điều đó đủ để những người ở trên phải nhìn nhận lại mọi việc.
Thế nhưng có mặt tại các trường ĐH trong những ngày qua, nghe và có khi trở thành người tư vấn bất đắc dĩ cho các thí sinh, phụ huynh đã khiến tôi không ít lần giật mình. Không biết chọn ngành gì, không biết ước mơ là gì, chỉ cần đậu đại học là được, học ngành nào cũng xong … là những điều các cô cậu học trò trao đổi với nhau.
Vậy là hóa ra cái chuyện mà bao người lo lắng, căng thẳng, các vị báo chí truyền thông cùng hợp lực lên tiếng để mong các thí sinh có được những quyền lợi chính đáng nhất thì ở đây chính hàng ngàn bạn trẻ đang còn ngơ ngác không biết mục tiêu của mình là gì. Ở ngay trước cái ngưỡng cửa được cả xã hội kì vọng rằng bước vào đó, họ sẽ là tương lai của đất nước sau này, họ cũng chưa biết mình muốn đi về đâu!
Tôi dám hỏi vậy đến bao giờ các em mới quyết định được cuộc đời mình? Đến bao giờ những người làm cha làm mẹ kia mới dám buông tay con để các em đi con đường của riêng?
Không ít những thầy cô tôi gặp vào những ngày cuối tuyển sinh đợt 1 đã gần như khan giọng. “Cùng một câu hỏi mà phải trả lời hàng trăm lượt thí sinh, phụ huynh. Giá mà các em đọc báo nhiều hơn, tìm hiểu thông tin nhiều hơn thì có lẽ nỗi lo và sự căng thẳng đã không quá mức như vậy”, một thầy phụ trách tuyển sinh chia sẻ.
Ở nước ta, Bộ luật Hình sự quy định người từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, tức là ở cái tuổi 18 đó, các bạn thí sinh đã có hơn 2 năm phải chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình.
Vậy, sao vẫn còn nhiều băn khoăn thế để chọn một con đường mang tên là tương lai cuộc đời? Để rồi cha mẹ họ, thầy cô họ và cả xã hội này tất tả chạy theo giúp đỡ, mà có khi là nâng đỡ đến từng bước chân. Có phải chăng bên cạnh việc tranh bàn về chuyện “ở trên” làm được hay chưa được thì cũng cần phải xem chính bản thân mỗi người đi thi và đi học?
Có lần tôi hỏi cậu trai 18 tuổi tại sao lại dám hoãn chuyến đi du học mà bao người mơ ước để ở lại TPHCM lập nhóm nhạc cổ điển, đi biểu diễn cho người dân thành phố. Em cười bảo vì âm nhạc cũng là ước mơ của em và vì em tin hoãn chuyến đi này vẫn còn nhiều chuyến đi khác dành cho em ở phía trước. Gặp lại em những ngày cuối tháng 8, em báo tin sẽ lên đường tiếp tục việc học tập tại một trường danh tiếng khác ở Mỹ.
Những bậc làm cha làm mẹ của các em như chàng trai kia chắc là chưa bao giờ đắn đo trước sự lựa chọn của các em? Không, họ rất lo lắng. Nhưng niềm tin vào bản thân, vào sự lựa chọn của các em đã cho họ thấy những đứa con của cha mẹ đã đủ lớn để đi trên con đường riêng đã thuyết phục được họ.
18 tuổi, tôi mong những cô cậu học trò hãy có đủ tỉnh táo để quyết định tương lai của mình, đủ bản lĩnh để vượt qua những khó khăn và chấp nhận kết quả cuối cùng. Bởi trong câu chuyện học đại học, dù có đậu hay trượt thì cũng đừng để nó trở thành điều cản bước của các em.
Đủ bản lĩnh, đủ niềm tin rồi thì dù đường đến ước mơ đó có khó khăn, gian khổ bao nhiêu, tôi tin các em vẫn có thể vượt qua. Hãy xem cuộc chạy đua vào ngưỡng cửa đại học này là một lần thử thách bản thân, và ở đó, các em phải là người quyết định.
Theo Báo Lao động