Điểm mới trong quy chế thi và xét tuyển ĐH, CĐ năm nay là trường có quyền hủy kết quả thi nếu thí sinh khai hồ sơ đăng ký dự thi không đúng. Tuy nhiên, xác định đối tượng ưu tiên đúng là điều không dễ ngay cả với những người làm tuyển sinh.
Phụ huynh nộp hồ sơ đăng ký dự thi năm 2015 cho con tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM – Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Nhiều rắc rối
Theo thống kê của Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, năm 2014 nơi này nhận được hàng trăm khiếu nại của thí sinh và phụ huynh với các trường xung quanh việc cộng điểm ưu tiên. Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh của bộ này, hầu hết đều liên quan đến khu vực ưu tiên và đối tượng con của người tham gia nghĩa vụ quốc tế. Nguyên nhân phần lớn do thí sinh và phụ huynh hiểu chưa đúng về quy chế.
Điểm mới đáng lưu ý trong quy chế thi năm nay là cho phép thí sinh khi đăng ký hồ sơ dự thi chỉ khai và không phải nộp đầy đủ giấy tờ chứng minh đủ điều kiện ưu tiên. Đến thời điểm trúng tuyển nhập học, các trường mới kiểm tra. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), nói: “Nếu thí sinh khai hồ sơ không đúng, dù sai sót do vô tình hay cố ý, trường vẫn có quyền hủy kết quả thi của thí sinh. Vì vậy, việc nắm vững thông tin và khai đúng cực kỳ quan trọng”.
Tuy nhiên, trên thực tế với một số đối tượng ưu tiên, nhiều chuyên gia tuyển sinh của các trường vẫn chưa hết băn khoăn. Ông Châu Minh Quí, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính – Marketing, kể: “Năm ngoái, trong khi xử lý trường hợp thí sinh là con của người tham gia nghĩa vụ quốc tế, chúng tôi được tư vấn người tham gia kháng chiến được cấp huân, huy chương mới được công nhận. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra các giấy tờ này phải được cấp bởi đơn vị nào, và trong trường hợp bị mất thí sinh phải làm sao để được hưởng ưu tiên?”.
Còn thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, lưu ý nhóm ưu tiên đối tượng 1 có thí sinh người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại các địa bàn khó khăn theo quy định của nhà nước. Quy định này đã thay đổi từ năm 2014. Để xác định đúng đối tượng này, các trường phải căn cứ vào giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân của thí sinh, chứ không thể căn cứ vào hộ khẩu để xác định cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số như trước đây. Bởi thực tế, có nhiều trường hợp cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số nhưng bản thân thí sinh thì không.
Cũng theo thạc sĩ Vũ, theo quy chế năm nay sẽ có thêm nhiều địa bàn thí sinh được hưởng ưu tiên khu vực 1. Đây cũng là lo lắng của nhiều trường trong việc xác định khu vực ưu tiên, vì như năm ngoái các trường rất lúng túng trong việc này.
Minh chứng phải cụ thể
Trao đổi trong buổi tập huấn thi THPT quốc gia vừa qua, ông Trần Văn Nghĩa, khẳng định tất cả các đối tượng ưu tiên phải có minh chứng cụ thể. Ông Nghĩa phân tích, nếu con thương binh thì thí sinh phải có thẻ thương binh của bố. Còn người dân tộc, các trường phải căn cứ vào giấy khai sinh của thí sinh để xác định.
Với đối tượng ưu tiên mới được bổ sung từ năm 2014 là con của người có công với cách mạng, theo quy định thí sinh cần có giấy chứng nhận đã hưởng trợ cấp một lần hoặc hằng tháng do sở LĐ-TB-XH cấp. “Tuy nhiên, thực tế có những đối tượng được hưởng trợ cấp một lần và không lấy giấy chứng nhận. Trong trường hợp này, đối tượng được hưởng trợ cấp phải có đầy đủ hồ sơ theo Nghị định 31 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng do Chính phủ ban hành”, ông Nghĩa nói thêm.
Cũng theo ông Nghĩa, thí sinh là con của người tham gia kháng chiến và làm nghĩa vụ quốc tế có nhiều người hiểu lầm rằng cứ tham gia nghĩa vụ tại Campuchia là được hưởng. Đúng ra chỉ những người tham gia nghĩa vụ quốc tế và được cấp một trong 4 loại giấy tờ sau, thí sinh mới được hưởng ưu tiên: huy chương chiến thắng, huân chương chiến thắng, huy chương kháng chiến và huân chương kháng chiến. “Tuy nhiên các huy, huân chương này phải được cấp theo đúng quy định của luật Thi đua khen thưởng, còn do các binh đoàn cấp thì không hợp lệ”, ông Nghĩa cho biết.
Năm nay có đối tượng dự thi mới là học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp. Nhiều sở GD-ĐT không biết có yêu cầu các thí sinh này đưa ra minh chứng hoàn thành chương trình văn hóa trong chương trình đã học? Về điểm này, theo ông Nghĩa, trường hợp thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh năm 2015 vào ĐH và CĐ thì không cần đưa ra minh chứng nhưng thí sinh chỉ thi để xét tuyển ĐH và CĐ thì bắt buộc phải đưa ra minh chứng đã hoàn thành chương trình văn hóa.