Tuyển sinh – Ai trong mỗi chúng ta cũng đều đã có tuổi thơ đáng nhớ và trong sâu thẳm của miền ký ức thân thương ấy, hẳn sẽ có hình bóng của một người thầy, một người cô.
Cuộc sống hiện đại bận rộn và náo nhiệt có thể cuốn chúng ta phải tạm dời xa những dòng suy nghĩ đó. Tuy nhiên, cứ vào những dịp cuối thu, khi ta bắt gặp đâu đó giai điệu thân quen của bài “Bụi phấn” đó là lúc bao xúc cảm về thầy cô lại ùa về trong ta.
Vẫn biết “nói sao cho hết tấm lòng thầy cô”, nhưng có một sự thật, một bí ẩn không phải ai cũng hiểu rõ về “Người thầy đầu tiên trong mỗi con người”.
Chuyên gia đào tạo Lê Như Hoa của VietFuture với 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý giáo dục đã có những chia sẻ rất thú vị về vấn đề này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã từng căn dặn: “Nghề thầy giáo rất quan trọng và cũng rất vẻ vang” vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nói về vấn đề này, nhà hiền triết và thi hào vĩ đại của Ấn Độ TOGO đã nói: “giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình còn giáo dục một người thầy giáo thì được một thế hệ”.
Điều này đã cho thấy ở bất cứ thời đại nào, giai đoạn nào thì vai trò của người thầy đều vô cùng to lớn. Với một dân tộc có truyền thống “Tôn sư trọng đạo” như Việt Nam ta thì kính trọng thầy cô giáo gần như đã trở thành bài học đạo đức vỡ lòng không thể thiếu được.
Dọc suốt chiều dài lịch sử , dân tộc ta chưa bao giờ thiếu những tấm gương vĩ đại về người thầy như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu hay gần nhất và ngời sáng nhất là Chủ Tịch Hồ Chí Minh – Vị Lãnh tụ – Người Thầy đáng kính của nhiều thế hệ con người Việt Nam.
Ngày nay, cùng với sự phát triển chung về nhiều mặt của đời sống xã hội, những giá trị đầy tính nhân văn đó vẫn luôn luôn được gìn giữ, bồi đắp. Chúng ta luôn hiểu rằng: Sư phạm nói chung và người thầy giáo nói riêng vẫn còn nguyên ý nghĩa cao cả vốn có.
Người thầy đầu tiên của chúng ta là ai?
Trong tác phẩm nổi tiếng “Người thầy đầu tiên” của nhà văn người Nga Chyngyz Aymatov sáng tác năm 1962, hình ảnh mở đầu và xuyên suốt của tác phẩm là hai cây phong cao lớn đứng cạnh nhau trên một ngọn đồi lộng gió. Nguồn gốc và những bí ẩn đứng sau phép ẩn dụ đầy tinh tế này của Chyngyz Aymatov đã làm say mê biết bao thế hệ độc giả trên thế giới.
Chuyên gia đào tạo Lê Như Hoa chia sẻ: Đôi khi chúng ta đã và đang quên mất một giá trị vô cùng to lớn đã và đang ở ngay cạnh chúng ta từng ngày, từng giờ. Không phải cho tới khi đủ lớn, được tới trường, được học cái chữ, con số chúng ta mới gặp các thầy cô giáo mà ngay từ thủa nằm nôi, khi ta mở mắt chào đời, đã có “Hai cây phong cao lớn” – Hai Người Thầy Đầu Tiên chào đón và dạy dỗ ta rồi.
Giáo dục suy cho đến cùng là đào tạo và phát triển con người và Cha Mẹ chính là giáo viên đầu tiên hướng dẫn tất cả chúng ta. Ta lớn lên theo từng lời ru của mẹ, từng câu chuyện kể của cha, những bài học đầu đời đó đi vào giấc mơ, đi vào cuộc sống và góp phần không nhỏ hình thành nên chính con người chúng ta sau này.
Cuộc sống hiện đại bận rộn và náo nhiệt vô hình chung khiến không chỉ các con trẻ mà ngay cả người lớn chúng ta – những bậc làm cha làm mẹ đôi khi lãng quên những điều kỳ diệu đó. Ngay khi thượng đế ban tặng chúng ta “quyền năng” diệu kỳ được chào đón một sinh linh nhỏ bé cũng là lúc đặt lên vai ta trách nhiệm của những “Người thầy đầu tiên”.
“Là người đã dành 18 năm nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục và phát triển kỹ năng nuôi dạy con, tôi đã trải nghiệm và thấm thía một trong những nguyên tắc quan trọng đối với quá trình phát triển và trưởng thành của một bạn nhỏ đó chính là: giai đoạn đầu tiên trong quá trình nuôi dạy con là vô cùng quan trọng. Không bao giờ là quá sớm và cũng chẳng bao giờ là quá muộn khi trang bị cho chính mình những kiến thức tốt nhất để con cái chúng ta phát triển toàn diện. Chúng ta chứ không phải ai khác đã và sẽ phải “lãnh vai trò” là “Người thầy đầu tiên” của chính con cái mình” – chị Lê Như Hoa bày tỏ quan điểm.
“Yêu thương để Hạnh Phúc”
Chia sẻ tại hội thảo “Cha mẹ toàn năng”, chuyên gia Lê Như Hoa cho biết, có một thực tế là tất cả chúng ta đều luôn mong mỏi con cái được trưởng thành tốt nhất nhưng dường như chúng ta đang bị cuốn vào những môi trường “toàn vẹn”, “hoàn hảo” ở một nền giáo dục “tiên tiến” nào đó và chúng ta đang cố gắng nuôi dạy các con theo “nền giáo dục Mỹ, Pháp, Do Thái, Nhật mà quên rằng môi trường con đang phát triển là Việt Nam, thầy cô của con là người Việt, ông bà cũng là Việt…
Vì vậy, hơn ai hết chúng ta phải thấm và đưa vào một phương pháp giáo dục phù hợp với môi trường, văn hóa của Việt Nam, tích hợp và phát huy những giá trị nhân văn trong giáo dục để các con được nuôi dưỡng phù hợp nhất.
“Chúng ta cũng cần thấu hiểu rằng một trong những nguyên tắc căn bản và quan trọng trong nuôi dưỡng con đó chính là Yêu thương, Yêu thương có sức mạnh vô bờ bến. Khi chúng ta biết Quan tâm và Yêu thương đến con “vừa phải, đúng mực” thì con cái cũng sẽ đáp lại và phát triển toàn diện, cân bằng hơn” – chuyên gia tâm lý Như Hoa chia sẻ.
Tìm ra được “Người thầy đầu tiên của mỗi chúng ta” là chưa đủ, chúng ta cần phải trở thành những người thầy trao yêu thương vô điều kiện. Trang bị và cung cấp cho mình những kỹ năng nuôi dạy con thật tốt theo cùng với từng bước trưởng thành của con. Điều đó sẽ mang lại những thành công to lớn. Hãy yêu thương! Bởi vì “Yêu thương là để Hạnh phúc”!
Hồng Hạnh