Làm câu hỏi dễ trước; Tổng hợp công thức tính toán; Áp dụng lý thuyết; Vận dụng trí tưởng tượng… là những cách sẽ giúp bạn làm bài thi THPT quốc gia 2015 môn Sinh học đạt điểm cao.
Môn Sinh học vừa có đặc thù của một môn khoa học tự nhiên với những hệ thống lý thuyết tổng quát, với những công thức và hệ thống bài tập tương đối phức tạp vừa mang đặc thù của một môn khoa học thực nghiệm.
Nội dung kiến thức trong đề thi minh họa của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12 nhưng để nắm vững và làm tốt được, đòi hỏi học sinh ôn thi tốt nghiệp – đại học phải có được hệ thống kiến thức nền có ở các cấp học và lớp học trước đó.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn ôn thi THPT quốc gia 2015 môn tiếng Anh hiệu quả
Trong khi làm bài, thí sinh cần lưu ý cách làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học đạt điểm cao sau đây:
1. Làm câu hỏi dễ trước: Thí sinh cần rèn luyện kỹ năng đọc lướt qua một lần tất cả các câu hỏi. Câu dễ, dạng câu quen thuộc hoặc câu nắm vững kiến thức chọn làm trước. Câu khó, chưa vững kiến thức hoặc dạng câu chưa gặp bao giờ thì làm sau. Không nên quá chú trọng vào những câu hỏi khó, quá lắt léo mà bỏ qua các câu hỏi nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.
2. Chú ý thời gian làm bài: Không nên dành quá nhiều thời gian cho một câu nào đó, nếu câu chưa giải quyết được ngay thì chuyển sang câu khác, lần lượt làm đến hết, sau đó mới quay lại nếu còn thời gian.
Thí sinh đừng để tình trạng vướng vào câu khó mình không biết mà bỏ qua cơ hội đạt điểm ở những câu khác có thể trả lời được tốt ở phía sau.
Nếu câu nào còn đang phân vân đáp án đúng thì sĩ tử loại bỏ các phương án sai trước, sau đó cân nhắc các phương án còn lại, như vậy việc lựa chọn sẽ nhanh hơn và xác suất trả lời đúng sẽ cao hơn.
3. Không bỏ sót câu hỏi: Thí sinh tuyệt đối không bỏ một câu nào, kể cả câu không thể trả lời được cũng nên chọn một trong các phương án đã cho. Nếu may mắn thí sinh có thể trả lời đúng, còn nếu sai cũng không sao vì không bị trừ điểm.
Với dạng bài tập đề thi môn Sinh học nếu không làm được thì dựa vào đáp án đã cho, coi như đã có kết quả và thay bằng các dữ kiện để thử ra đáp án đúng
4. Chú trọng lý thuyết: Đề thi đại học môn Sinh gồm 50 câu trắc nghiệm, bao gồm cả lý thuyết và bài tập tính toán. Muốn tính toán được thì các bạn phải nắm chắc được kiến thức lý thuyết. Do đó, lý thuyết chính là mấu chốt của vấn đề.
Cần chú trọng ôn tập lý thuyết ngay từ đầu bởi kiến thức Sinh học khá dài, nặng và “khó cày”, nên nếu không học ngay từ đầu mà giờ mới lặn lội “cày” lại lý thuyết thì rất dễ dẫn đến tình trạng chán nản do có quá nhiều kiến thức
Tip nhỏ cho bạn là thay vì học bằng quyển sách sinh học dày cộp, các bạn có thể xem lại vở ghi. Thường những kiến thức quan trọng sẽ được các thầy cô cho ghi chép một cách cẩn thận. Đọc lại và đánh dấu những phần mà bạn cho là quan trọng, sau đó mới xem sách giáo để tìm hiểu kĩ hơn về phần đó.
5. Tổng hợp công thức tính toán: Hẳn nhiều teen có thói quen cầm quyển sách và chăm chăm đọc đúng không. Hãy dẹp cách học này qua hẳn một bên đi nhé. Sắm cho mình một quyển sổ thật đẹp và tổng hợp lại những ý chính của bài và các công thức tính toán cần nhớ ngay đi nhé. Điều này sẽ giúp bạn tìm dễ hơn và học cũng đơn giản hơn. Ghi chép lại cũng là một cách học thuộc. Tuy nhiên, bạn không nên học vẹt công thức. Chỉ có hiểu mới có thể áp dụng vào bài tập. Do đó, khi viết xong công thức nào, các bạn nên lấy ví dụ và áp dụng chúng luôn. Nếu làm đúng tức là bạn đã hiểu. Những bài tập áp dụng đó không ở đâu xa, ngay trong cuốn bài tập Sinh học của bạn đấy, hoặc bạn nào muốn luyện tập thành thục hơn thì có thể ra hiệu sách chọn những cuốn bài tập trắc nghiệm Sinh để về tự học.
6. Áp dụng lý thuyết: Ngoài học thuộc lòng lý thuyết, bạn cũng nên áp dụng chúng vào thực tiễn cuộc sống với những hiện tượng xảy ra xung quanh mình. Hãy tìm hiểu những khái niệm, hiện tượng một cách thấu đáo để tránh cảm giác lúng túng khi bắt gặp những câu hỏi vận dụng.
Luôn tự đặt câu hỏi tại sao như vậy? Vì sao hiện tượng nó lại diễn ra thế này, thế kia? Chỉ có tìm hiểu và giải đáp được thì bạn mới hiểu sâu được vấn đề.
Bạn có thể học thuộc lòng cả trang sách chỉ trong 10 phút nhưng học thuộc nhanh thì cũng sẽ quên nhanh. Nếu khi học các bạn tìm hiểu kỹ thông tin, biết cách xử lý kiến thức bằng hàng loạt các câu hỏi để hiểu bài một cách sâu sắc thì khi bắt gặp những câu hỏi vận dụng, các bạn sẽ giải quyết rất nhanh, mặc dù thời gian đầu tư để học có lâu hơn cách học thuộc kia.
7. Vận dụng trí tưởng tượng: Sau khi học xong, bạn nên đóng vở lại và tự tưởng tượng trong đầu, tái hiện lại kiến thức xem mình đã thực sự thuộc và hiểu chưa? Phần nào còn lúng túng không nhớ được thì mở lại vở ra xem, rồi lại tái hiện lại trong đầu. Chỉ đọc thuộc ra miệng thì sẽ rất mau quên. Tái hiện lại kiến thức trong đầu là một cách để kiến thức khắc sâu vào bộ não.
Một số điều nên tránh khi học Sinh
1. Không nên học thuộc các câu hỏi và câu trả lời trong các sách bài tập Sinh:Nhiều bạn do lười hoặc không biết cách làm nên thường mở phần đáp án ra khoanh vào rồi học thuộc lòng với hy vọng đề thi sẽ rơi vào câu đó. Đó là một cách học thụ động và không hiệu quả. Một bài bạn may mắn đã trúng được một vài câu, tuy nhiên các đề thi thường không ra đúng 100% so với các câu hỏi trong sách mà số liệu sẽ thay đổi đi một chút. Do đó, nếu không hiểu thực chất của vấn đề hay không biết cách tính toán bài tập đó thì dù có gặp bài tương tự các bạn cũng không thể giải quyết được.
2. Không nên học theo trình tự sách giáo khoa: Nhiều bạn không biết phần nào là trọng tâm nên cứ học tràn lan theo chương trình sách. Điều này không nên chút nào, vừa tốn thời gian lại không hiệu quả. Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể xem cấu trúc đề thi đại học môn Sinh. Việc xác định được phương hướng đóng góp một phần quan trọng vào thành công của bài thi.
3. Suy nghĩ thụ động: Có những teen rất lạc quan cho rằng:”không cần học thì vẫn có thể làm bài do Sinh là môn thi trắc nghiệm”. Đúng là việc thi trắc nghiệm có 1 lợi thế là có thể dựa vào may mắn, dù bạn không thuộc kiến thức vẫn có thể làm xong bài. Tuy nhiên thi đại học là một cuộc cạnh tranh, mỗi 0,25 điểm đã làm nên sự khác biệt. Mỗi ngày hãy bỏ 15 phút ra để đọc lại những kiến thức mình đã tổng hợp và chịu khó thường xuyên làm bài tập vận dụng nhé.
Xu hướng ra đề thi THPT quốc gia năm 2015.
Dựa vào phân tích cấu trúc đề thi tuyển sinh đại học năm 2014 và quy định trong quy chế thi THPT quốc gia (được Bộ GD-ĐT ban hành chính thức ngày 26/2/2015), đề thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ theo xu hướng sau:
- Đề thi THPT quốc gia môn Sinh học năm 2015 được ra dưới hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút.
- Đề thi có 2 nhóm câu hỏi trộn lẫn vào nhau, không tách biệt phần dùng để xét tốt nghiệp và phần để phân hóa xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thí sinh phải đọc hết cả đề thi để biết câu hỏi nào dễ và câu hỏi nào có để bố trí thời gian làm bài hợp lý.
– Nhóm câu hỏi một có độ khó tương tự như kì thi tốt nghiệp THPT và GDTX của năm 2014. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ cân nhắc đến khối GDTX, đảm bảo thí sinh lực học trung bình, thậm chí hơi yếu nhưng có sự cố gắng thì hoàn toàn làm được và đủ điều kiện để xét tốt nghiệp. Các câu hỏi này chủ yếu sẽ thuộc các phần: Cơ chế di truyền và biến dị; Ứng dụng di truyền học vào chọn giống; Chuyên đề tiến hoá và sinh thái học.
– Nhóm câu hỏi hai là nhằm phân hóa kết quả thi, nhờ đó mới xét tuyển ĐH-CĐ và giống đề thi ĐH-CĐ 2014. Mẫu thi có mẫu câu hỏi cơ bản và nâng cao. Những câu hỏi mức độ này thường tập trung vào dạng: Quy luật di truyền; Di truyền quần thể, Cơ chế di truyền và biến dị ở cấp độ tế bào, bài tập về di truyền phả hệ. Những câu hỏi này sẽ phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của thí sinh.