Kỳ thi THPT quốc gia: Cách phân bổ thời gian và chiến thuật làm bài thi môn Vật Lý

Làm sao để phân bổ thời gian và chiến thuật làm bài thi môn Vật Lý để đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia trong thời gian sắp tới. Hãy tham khảo các bí quyết giúp bạn nhận diện và phân loại đề thi để có phương án phân bổ thời gian làm đề thi tốt nghiệp môn Vật Lý năm 2015 hợp lý nhất.

So với việc trang bị kiến thức, trau dồi chiến thuật làm bài cũng không kém phần quan trọng giúp bạn tối đa hóa điểm số. Thầy Đỗ Ngọc Hà sẽ “mách nước” 2 chiến thuật ôn tập và làm bài thi môn Vật Lý mà bạn nhất định phải biết.

Chiến thuật 1: Phân bổ thời gian làm bài kỳ thi THPT quốc gia môn Vật Lý

Theo thầy Đỗ Ngọc Hà: “Thói quen của rất nhiều học sinh chính là cặm cụi làm lần lượt từ đầu đến cuối đề thi. Việc này sẽ khiến bạn đánh mất quá nhiều thời gian để làm những câu không nên làm và bỏ lại “mỏ vàng”, “mỏ kim cương” ở phía sau“.  Sau đây là 5 bước đi khôn ngoan để bạn giành điểm số cao nhất được tái hiện trong 90 phút làm bài môn Vật lí (từ khi phát đề vào 14h15′ ngày 2/7/2015 đến khi nộp bài vào 16h00 ngày 2/7/2015). Trong thời gian đợi phát đề, viết công thức khó nhớ ra nháp, nhớ là viết bút chì – viết bút mực dễ bị phát hiện và sẽ bị thu lại nháp nếu gặp giám thị khó tính.
  • 14h15′ phát đề – 14h30′ bắt đầu làm bài: CỐ GẮNG DÒM VÀ LÀM VÀI CÂU. Theo quy định, trong 15 phút này em được xem mã đề, kiểm tra đề đủ số câu, có mất trang hay không, và phải úp đề xuống đúng 14h30′ mới được làm bài! Nhưng đợt thầy thi, thầy đã dòm và làm được hẳn 5 câu (rất khéo léo đó nha!). Có bị giám thị nhắc nhưng mà không sao.
  • 20 phút đầu tiên (từ14h30′ – 14h50′): DÒ KIM CƯƠNG (làm các câu hỏi lí thuyết + bài tập cơ bản trong 1,2 biến đổi). Em có gắng trong khoảng 20 phút này phải làm được ít nhất 25 – 28 câu dễ trong đề thi, không được phép nhầm lẫn ở những câu hỏi mức độ này (cái này phải luyện kĩ trước khi thi và chuẩn bị tâm lý thoải mái). Như vậy, em đã chắc cú 5 điểm rồi, có khoanh bừa các câu còn lại cũng được 6,5 điểm.
  • 40 phút tiếp theo (từ 14h50′ – 15h30′) : DÒ VÀNG (các dạng bài thân quen và phức tạp hơn 1 chút). Trong khoảng thời gian này, em cố gắng làm được ít nhất 10-12 câu nữa! Giai đoạn này sẽ gặp những câu kiểu rất quen, có hướng làm nhưng tính mãi không ra đáp án. Không nên “chày cối” làm 1 câu quá 4 phút. Hoàn thành từ 7 – 8 câu này, em đã nắm chắc 7 – 8 điểm rồi.
  • 25 phút tiếp theo (từ 15h30 – 15h55): DÒ KHOAI (các câu còn lại). 25 phút tiếp theo này, kiểm tra lại những câu được chuyển sang từ giai đoạn 4 không dừng lại quá 3 phút nếu tiếp tục biến đổi không ra đồng thời thử vận may với những câu lạ hoắc, không làm ra thì sử dụng kinh nghiệm chọn đáp án random!5 phút cuối (từ 15h55′-16h00′): Tuyệt đối không làm bài nữa chỉ check lại các đáp án đã tô!

Chiến thuật 2: Nhận diện và xử lí “bẫy” trong đề thi tốt nghiệp môn Lý trong kỳ tuyển sinh 2015

Nhận diện và xử lí “bẫy” trong đề thi giúp học sinh rút ngắn thời gian làm bài và không mắc sai lầm khi làm bài thi. Để nhận diện nhanh và xử lí “bẫy”, học sinh cần lưu ý:
  • Nhận diện nhanh câu dễ – câu khó: Trong đề thi sẽ có câu dễ, câu khó, do đó, trước khi đặt bút làm các thí sinh nên dành vài phút để xác định xem câu nào dễ hơn, câu nào khó hơn. Ưu tiên những câu dễ làm trước, câu khó sẽ giải quyết sau. Nếu là đề thi trắc nghiệm thì việc này sẽ không mất quá nhiều thời gian cũng như công sức. Ngoài một kiến thức vững vàng ra thì các thí sinh cần phải nhanh nhạy nắm bắt các câu để có thể phân bổ thời gian làm bài một cách hợp lý.
  • Đọc kĩ câu hỏi: Mặc dù cần phải đọc nhanh câu hỏi để làm nhưng không có nghĩa các thí sinh được phép đọc lướt một cách cẩu thả. Nhiều bẫy rất nhỏ trong đề thi, chỉ khi đọc kĩ các thí sinh mới tìm ra được.  Ví dụ câu hỏi “Hãy tìm câu trả lời không đúng trong những câu dưới đây”. Như vậy, nếu  chỉ đọc lướt qua mà không chú ý sẽ có thể bỏ sót chữ “không”, “không đúng” = “sai”, nhưng nếu chỉ chú ý tới chữ “đúng” cộng với kiến thức không chắc thì rất có thể Bạn sẽ mất điểm câu đó dễ dàng.
  • Tránh tỉ mẩn, cần cù trong cách giải: Nếu như quá cẩn thận viết hẳn ra giấy cách giải tỉ mỉ thì sẽ rất tốn thời gian. Với 50 câu hỏi, chỉ trong 90 phút, nếu có thể bạn hãy nhẩm trong đầu hoặc tốc kí viết ra nháp không cần theo từng bước giải như thế nào hay chữ phải đẹp mà chỉ cần ngắn gọn, dễ hiểu, tránh làm mất thời gian.
  • Phỏng đoán, loại trừ: Khi không chắc chắn về một câu trả lời nào đó thì hãy sử dụng phương pháp này. Phỏng đoán, loại trừ ở đây không có nghĩa là đoán bừa mà phải dựa vào những dữ kiện trong bài.  Ví dụ: Đề yêu cầu tìm câu trả lời đúng thì có thể dựa vào các câu trả lời A, B, C, D để chọn. Bạn thấy A không đúng, B cũng không đúng, D thì không chắc, C thì có khả năng là đúng nên có lẽ câu trả lời là C.Yếu tố này đôi khi cần sự may mắn nhưng lại không thể thiếu khi làm bài thi trắc nghiệm.
  • Phương châm làm bài “Thà tô nhầm còn hơn bỏ sót”: Khi không thể trả lời được câu nào, cộng với thời gian còn rất ít thì đừng nên do dự. Bạn cần chọn nhanh đáp án hợp lý nhất cho những câu chưa trả lời. Để có cơ hội giành điểm cao nhất, Bạn phải tô các phương án trả lời theo phương châm thà tô nhầm còn hơn bỏ sót.
  • Và quan trọng nhất là thường xuyên làm đề thi trắc nghiệm: Điều này giúp bạn nắm rõ được kiểu ra đề như thế nào, trọng tâm nên học ở đâu hay đơn giản là biết được cách gài bẫy trong mỗi đề ra sao. Tuy nhiên, các bạn nên tránh tình trạng học lan man.

Dự đoán cấu trúc đề thi môn Vật Lý năm 2015

Dựa trên Phân tích cấu trúc đề thi đại học môn Vật lí từ 2010 đến 2014 và quy định trong Quy chế thi THPT quốc gia (ban hành chính thức ngày 26/2/2015), chúng tôi nhận định xu hướng ra đề thi trong năm 2015 sẽ đáp ứng những tiêu chí sau:

  • Đề thi THPT quốc gia môn Vật lí được ra dưới hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút.
  • Đề thi có 2 nhóm câu hỏi trộn lẫn vào nhau, không tách biệt phần dùng để xét tốt nghiệp và phần để phân hóa xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thí sinh phải đọc hết cả đề thi để biết câu hỏi nào dễ và câu hỏi nào có để bố trí thời gian làm bài hợp lý.
  • Nhóm câu hỏi một có độ khó tương tự như kì thi tốt nghiệp THPT và GDTX của năm 2014. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ cân nhắc đến khối GDTX, đảm bảo thí sinh lực học trung bình, thậm chí hơi yếu nhưng có sự cố gắng thì hoàn toàn làm được và đủ điều kiện để xét tốt nghiệp.  Các câu hỏi ở mức độ này đánh giá khả năng nhớ, hiểu những lý thuyết cơ bản và vận dụng được các công thức tính toán ở những bài tập mang tính áp dụng. Các câu hỏi dễ sẽ tập trung nhiều vào các chuyên đề “dễ học”: Dao động và sóng điện từ, Sóng ánh sáng, Lượng tử ánh sáng, Hạt nhân nguyên tử. Các chuyên đề còn lại: Dao động cơ, Sóng cơ, Dòng điện xoay chiều chắc chắn vẫn sẽ xuất hiện nhiều câu dễ và trung bình để học sinh lấy điểm.
  • Nhóm câu hỏi hai là nhằm phân hóa kết quả thi, nhờ đó mới xét tuyển ĐH-CĐ và giống đề thi ĐH-CĐ 2014. Mẫu thi có mẫu câu hỏi cơ bản và nâng cao. Trong đó, đề thi sẽ tăng cường và mở rộng các câu hỏi khó, cực khó và lạ để phân loại rõ ràng thí sinh nhằm xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Các câu hỏi chắc chắn vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào các chuyên đề “khó”: Dao động cơ, Sóng cơ, Dòng điện xoay chiều. Tuy nhiên, các chuyên đề khác vẫn có thể có những câu hỏi khó và cực khó này.

Những nội dung chiếm tỷ trọng điểm cao trong đề thi môn Lý những năm trước:

  • Dao động cơ (Chiếm 18% – 20% trong cơ cấu điểm): Dao động cơ chiếm khoảng 9 đến 10 câu trong đề thi các năm và chủ yếu dưới dạng bài tập như: bài toán thời gian – quãng đường trong dao động, sử dụng hệ thức độc lập, các dạng bài tập con lắc lò xo; con lắc đơn ảnh hưởng bởi lực quán tính, tổng hợp dao động điều hòa (tính năng lượng dao động thông qua phương trình tổng hợp). Ví chiếm số lượng lớn câu hỏi trong đề thi nên Dao động cơ được khai thác bởi những câu hỏi phân bổ ở cả 3 mức độ dễ – trung bình – khó.  Trong đó, có khoảng 1 đến 2 câu hỏi cực khó, đánh giá khả năng vận dụng kiến thức của học sinh.
  • Dòng điện xoay chiều ( Chiếm 20 đến 24% trong cơ cấu điểm): Điện xoay chiều chiếm số câu hỏi nhiều nhất trong đề thi, dao động từ 10 đến 12 câu. Hai năm gần đây, Điện xoay chiều chỉ được ra dưới dạng bài tập.  Điện xoay chiều là một trong những phần kiến thức tương đối khó bởi vì bài tập tương đối dài, nhiều dữ kiện, các dữ kiện liên quan chặt chẽ với nhau. Để làm tốt điện xoay chiều đòi hỏi học sinh phải hội tụ được nhiều yếu tố: tư duy, trí nhớ tốt và đặc biệt là khả năng giải toán nhanh nhẹn. Những mảng kiến thức chính trong đề thi bao gồm: mạch điện xoay chiều chỉ có một phần tử, mạch điện RLC tổng quát, tính toán liên quan đến công suất và hệ số công suất, bài toán cực trị tổng hợp và bài toán về máy biến áp – truyền tải điện năng. Cái khó nói chung trong Điện xoay chiều thường là đề bài dài và các dữ kiện có liên quan chặt chẽ với nhau, chỉ cần không hiểu được một dữ kiện mà đề bài cho khai thác ở điểm nào thì thật khó có thể làm được bài toán đó. Ngay cả những câu hỏi lí thuyết thuộc phần này cũng đòi hỏi tư duy và khả năng suy luận logic.
  • Sóng cơ ( Chiếm từ 10% đến 14% trong cơ cấu điểm): Sóng cơ chiếm khoảng 5 đến 7 câu trong đề thi các năm và chủ yếu dưới dạng bài tập. Đến năm 2013 và 2014, Sóng cơ được ra hoàn toàn dưới dạng bài tập.  Sóng cơ là một phần hay và có thể khai thác đợc rất nhiều dạng bài toán mới lạ. Sóng cơ được khai thác ba mảng kiến thức chính là Tính chất đặc trưng của quá trình truyền sóng, Giao thoa sóng, Sóng dừng – Sóng âm. Câu hỏi ở phần này ở cả ba mức độ dễ – trung bình – khó. Đặc biệt, trong đề thi năm 2014, có hai câu hỏi cực khó: một câu hỏi lạ đánh giá khả năng liên hệ nhạc lý (câu 44 đề thi môn Vật lí) và một câu cực khó đánh giá khả năng biến đổi toán từ công thức Vật lí.
  • Sóng ánh sáng ( Chiếm từ 10% đến 14% trong cơ cấu điểm): 5 năm gần đây, Sóng ánh sáng thường chiếm khoảng 5 đến 7 câu hỏi trong đề thi dưới cả hai dạng bài tập và lý thuyết. Với đề năm 2014, Sóng ánh sáng có đến 5 câu lý thuyết.  Sóng ánh sáng được đánh giá là nội dung kiến thức rất dễ trong đề thi. Đề bài chỉ yêu cầu học sinh nhớ lý thuyết là có thể làm đúng mà không cần phải tư duy nhiều. Học sinh cần lưu ý học kỹ lí thuyết phần này, đọc kĩ đề bài, tránh đề mất điểm ở những câu hỏi rất dễ này.
  • Hạt nhân nguyên tử ( Chiếm từ 10 đến 18%): Hạt nhân nguyên tử thường chiếm 6-7 câu trong đề thi gồm cả lí thuyết và bài tập. Hạt nhân nguyên tử là một chương ở mức độ trung bình – khó.  Nội dung thi tập trung vào các nhóm bài tập năng lượng và phóng xạ (đặc biệt là nhóm bài toán 2 thời điểm). Ngoài ra còn mở rộng ở tính khối lượng và vận tốc tương đối. Cái khó của chương này chính là việc học sinh không nắm vững kiến thức tính toán hàm mũ và logarit nên khi đối mặt với bài tập phóng xạ thường bị lúng túng.
  • Lượng tử ánh sáng ( Chiếm từ 12 đến 14%) Trong đề thi 5 năm gần đây, Lượng tử ánh sáng chiếm khoảng từ 5 đến 6 câu trong đề thi. Lượng tử ánh sáng được đánh giá là nội dung kiến thức dễ trong đề thi. Nội dung thi tập trung vào các nhóm bài tập về: hiện tượng quang điện ngoài, công thức Anh-xtanh, và phổ nguyên tử Hidro.  Trong 2 năm gần đây, đề thi đã có sự kết hợp với nội dung kiến thức lớp 11 để khai thác đặc điểm của nội dung chương này. Vì thế các em học sinh cần lưu ý ôn luyện lại kiến thức lớp 10, 11, tránh bị mất điểm 1 câu phần này.
  • Và một số nội dung: Dao động và sóng điện từ (8%-10%), Từ vi mô đến vĩ mô (4%)
Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*