Tuyển Sinh – Không ngăn chặn hoặc cấm cản học sinh dùng Facebook, Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh, TPHCM) dùng chính trang Facebook như một kênh thông tin chính thống để học sinh góp ý cho thầy cô và nhà trường.
Lúc ban đầu, trang fanpage “Đài phát thanh tiếng nói Võ Thị Sáu” do bạn Văn Đỗ Phước Thịnh (cựu học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu) cùng một nhóm bạn học sinh của trường thành lập. Mục đích chính lúc ấy chỉ để đăng các tâm tư, tình cảm của học sinh. Sau 3 tháng sử dụng, giáo viên của trường đã đề nghị chuyển thành một trang chính thức của trường và từ đó trang được cả giáo viên và học sinh chung tay chăm sóc.
Trang này hiện có gần 2.900 người theo dõi và thành viên, mỗi ngày trung bình nhận được 20 – 70 tâm sự từ hầu khắp các bạn học sinh của trường. Hầu hết các yêu cầu chính đáng của học sinh đã được nhà trường tiếp thu. Đồng thời, vào mỗi sáng thứ hai, sau phần sinh hoạt dưới cờ, nhà trường dành thời gian giải đáp các thắc mắc của học sinh một cách công khai.
Các học sinh của trường cho biết từ khi có trang Facebook này, có điều gì bức xúc các em gửi về cho quản trị viên. Thông tin được bảo mật, lại vừa được hồi âm sớm từ các thầy cô, vì vậy không có chuyện học sinh của trường bức xúc ghi lên Facebook cá nhân nữa.
Cô Trần Thục Oanh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu cho biết trước đó nhà trường nhận góp ý của học sinh thông qua hộp thư của ban giám hiệu và hộp thư “Điều em muốn nói”. Các học sinh có điều gì thắc mắc thì viết và gửi vào hộp thư, cuối tuần nhà trường sẽ tập hợp và hội ý với ban giám hiệu để trả lời cho các em.
Trang facebook “Đài phát thanh tiếng nói Võ Thị Sáu” ra đời cũng là một kênh thông tin được các thầy cô trong chi Đoàn giáo viên nhà trường tham gia phụ trách. Học sinh trong trường đặt biệt rất thích tham gia vào trang này để bày tỏ ý kiến. Nhiều góp ý rất chính đáng của các em đã được nhà trường tiếp thu và xử lý triệt để.
Từ những chuyện học sinh phản ánh như nhà vệ sinh của trường thiếu vòi nước, thường rất dơ; thiếu gương soi cho đến những đề xuất trường nên tổ chức các trò chơi vận động vào giờ ra chơi, tổ chức nhảy tập thể… nhà trường đã có những điều chỉnh.
Cô Oanh cho biết, cũng từ ý kiến của các em, nhà trường đã gắn hệ thống vòi nước mới, gương soi trong nhà vệ sinh để hướng đến nhà vệ sinh thân thiện. Hay cũng từ góp ý của học sinh, nhà trường cải tạo một phòng trang bị một số giường tầng để các em học sinh ở xa phải ở lại học buổi chiều có thể nghỉ ngơi vào buổi trưa.
Cũng từ những mong mỏi chính đáng của học sinh mà giờ ra chơi nhà trường tạo thêm các hoạt động nhảy flashmod. Vào các chiều thứ 5,6 và thứ 7 các lớp sẽ hào hứng thi nhảy. Sắp tới trường cũng tổ chức một số cuộc thi thể thao đáp ứng nhu cầu vận động của học sinh.
Thúy Vy, một học sinh trong trường cho biết từ khi có các hoạt động tập thể giữa giờ ra chơi, em cảm thấy đi học vui hơn lúc trước nhiều”.
“Thời buổi thông tin mạng xã hội ngày một phát triển thì Facebook cũng là một “con dao hai lưỡi”. Các học sinh dễ dàng tiếp cận với đủ loại thông tin tốt xấu nhưng quan trọng là nhà trường phải định hướng các em. Thời buổi này không thể ngăn cấm các em dùng Facebook, tốt nhất là mình nên “vẽ đường cho hươu chạy” theo hướng đúng còn hơn để “hươu chạy bậy”, cô Oanh chia sẻ.
Tín hiệu tích cực sau khi trường ghi nhận ý kiến của học sinh thì các học sinh rất phấn khích và cảm thấy được tôn trọng. Đây cũng là cách nhà trường tạo môi trường học tập thân thiện để “mỗi ngày học sinh đến trường là một ngày vui”.
Không chỉ giải quyết những đề nghị, góp ý chính đáng của học sinh, thông qua trang facebook này, các giáo viên trong trường cũng điều chỉnh mình trong quá trình giảng dạy.
Thầy Vũ Đại Hội, giáo viên môn vật lý Trường THPT Võ Thị Sáu chia sẻ: “Thấy học sinh mình thoải mái như vậy, tôi cũng mừng. Có lần các em góp ý rằng phần bài tôi giảng khó hiểu thế là tôi rút kinh nghiệm đến lớp khác ở phần bài đó tôi thay đổi để các em dễ hiểu hơn.
Từ chính góp ý của các em mà chúng tôi nhận ra được những điều chưa hay để sửa đổi. Nếu để các em dùng Facebook cá nhân phản ảnh chuyện nội bộ trong trường thì vừa làm mất uy tín của trường nói chung và giáo viên nói riêng. Đồng thời, chính các em cũng bị người khác đánh giá”.
Lê Phương