Tuyển Sinh – Chính các giáo viên nhìn nhận cách đánh giá đạo đức học sinh hiện nay chỉ nhằm mục đích quản lý, nặng về phán xét chứ không vì người học và không khuyến khích học sinh vươn lên.
Ảnh minh họa
Cân nhắc ghi đánh giá đạo đức trong học bạ
Bà Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội), cho rằng nhà trường cần đồng hành liên tục với học sinh (HS) chứ để đến lúc HS vi phạm đến mức phải kỷ luật buộc thôi học thì đã… hỏng bét rồi. Nhà trường và giáo viên phải có nhiều “kênh” khác nhau để chủ động tìm hiểu, nắm bắt tâm tư của HS để định hướng, chia sẻ, trong đó có Facebook.
Cũng theo bà Phương Anh, nếu không ưa một HS nào đó thì có thể giáo viên sẽ “đếm lỗi” để hạ hạnh kiểm của HS rồi ghi vào sổ học bạ để HS ấy phải mang theo nỗi ám ảnh “tội lỗi” suốt đời.
Chính vì vậy, bà Phương Anh đề nghị không nên để các nhà trường xếp loại về đạo đức hay hạnh kiểm của HS vì đó không phải chức năng của nhà trường. Đánh giá đạo đức của một con người cần có cái nhìn đa chiều và qua nhiều môi trường sống khác nhau chứ không phải chỉ trong học đường. “Theo tôi, trường học chỉ nên đánh giá HS thực hiện nền nếp của một HS trong nhà trường ra sao. Như vậy, vừa sát thực tế, vừa đúng chức năng”.
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh cũng cho rằng nhà trường không nên cho mình cái quyền dán nhãn hạnh kiểm của HS là tốt, khá, trung bình, yếu… như hiện nay. Cũng không nên dùng từ ngữ nặng nề khi nhận xét vào hồ sơ học bạ của HS như: “hư”, “vô lễ”, “trộm cắp” vì nhận xét đó mang tính phán xét lên cả cuộc đời một con người.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nhận định cách đánh giá hiện nay có chăng chỉ phục vụ cho các nhà quản lý nhìn vào đó để biết có bao nhiêu HS xếp loại nào. Như thế không đúng mục tiêu của giáo dục là đánh giá cho người học và vì người học. Nguyên tắc đánh giá giáo dục là trước hết người học phải tự đánh giá mình, sau đó là thầy cô giáo, nhà quản lý giáo dục…
Vì vậy, ông Tùng Lâm đề nghị: “Nhất thiết không xếp loại tổng quát theo thang điểm tốt, khá, trung bình, yếu. Chỉ ghi những mặt HS nổi trội được khen ngợi ở lớp hoặc trường. Còn những HS nào thiếu ý thức rèn luyện, giúp đỡ nhiều lần không chuyển biến sẽ phải ghi trong một thông báo khác của nhà trường cho gia đình và HS, không ghi trong học bạ”.
Tôn trọng sự khác biệt của từng HS
Nhiều nhà chuyên môn cũng cho rằng cần phải thay đổi quan điểm tiếp cận với giáo dục đạo đức trong nhà trường. PGS Mạc Văn Trang, nguyên chuyên viên nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT, nói: “Chúng ta nên tôn trọng quy luật về sự khác biệt cá thể giữa các HS. Có em học một biết mười, có em học mười chưa được một; có em chưa nói đã tự hiểu; có em nói một lần thì tự sửa được thói xấu, có em uốn nắn một trăm lần cũng lúc được lúc không! Giáo dục phải chấp nhận mọi trẻ em và coi trọng cá biệt hóa. Giáo dục bằng cưỡng ép cũng có kết quả trước mắt. Nhưng từ cưỡng ép phải dẫn đến tự do mới phát triển bền vững và nhân văn. Giáo dục không thể đạt được thành công như nhau với mọi trẻ em nhưng phải đem lại cho mọi trẻ em sự phát triển hơn những gì nó đang có”.
Nhiều giáo viên cũng cho rằng giáo dục đạo đức cho HS là một quá trình bao gồm các chuỗi hoạt động giáo dục, thậm chí kể cả những hoạt động ngoài nhà trường. “Trường tôi có đặc thù là đầu vào thấp nên việc giáo dục đạo đức cho HS gặp nhiều khó khăn. Nhưng phương châm của tôi là phải kiên trì. Với những học trò “cá biệt”, người thầy cần phải luôn luôn đặt câu hỏi, nếu HS là con mình thì mình sẽ ứng xử thế nào. Nhờ thế, tôi đã “kéo” được rất nhiều HS thoát khỏi cạm bẫy cuộc đời”, bà Mã Thị Tới, giáo viên Trường THPT Trương Định, Hà Nội chia sẻ.
Theo nhà nghiên cứu độc lập Ngô Toàn, khuyến khích trẻ đọc các tác phẩm văn học cũng là một kênh giáo dục đạo đức cho trẻ em hiệu quả. Lý do là việc đọc sách sẽ giúp nâng cao năng lực thấu hiểu người khác, vốn là năng lực chủ yếu để sống đời đạo đức.
Tuệ Nguyễn – Quý Hiên