Tuyển Sinh – Nhiều trường ĐH đang tính toán để tăng học phí trong học kỳ II theo nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo lắng trước khi áp dụng mức học phí mới.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến 2020-2021. Trong đó, học phí được điều chỉnh tăng tùy khối ngành, chuyên ngành đào tạo. Liệu việc tăng học phí có ảnh hưởng đến con đường học ĐH của sinh viên và khả năng tuyển sinh của các trường, đặc biệt là các trường tự chủ tài chính?
Khó đòi hỏi tăng chất lượng
Học kỳ I của năm học 2015-2016, các trường ĐH chưa tự bảo đảm chi phí thường xuyên (tạm gọi là chưa tự chủ) vẫn thu học phí bằng mức thu của năm học 2014-2015 nhưng đến học kỳ II sẽ thu học phí mới khi nghị định có hiệu lực từ ngày 1-12-2015.
TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết Nghị định 49 /2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức trần học phí năm học 2014-2015 cho 3 nhóm ngành dao động từ 550.000 đồng/tháng đến 800.000 đồng/tháng. Đây là mức học phí rất thấp, có lợi cho người học.
Từ học kỳ II của năm học 2015-2016, các trường ĐH chưa tự chủ được thu mức học phí mới từ 610.000 đồng đến 880.000 đồng/tháng, tùy nhóm ngành. Mức điều chỉnh tăng khoảng 10% là không nhiều nên sinh viên có thể chấp nhận được. Trong những năm tiếp theo, học phí cũng được điều chỉnh tăng 10% mỗi năm và mức tăng cao nhất đến năm học 2020-2021 là từ 980.000 đồng đến 1.430.000 đồng/tháng.
TS Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM), cho rằng học phí hiện nay ở các trường chưa thực hiện tự chủ là quá thấp. Việc điều chỉnh tăng 10% nhằm tạo điều kiện cho các trường tăng được nguồn thu để phát triển. Mức tăng này không đáng kể vì nhu cầu của nhà trường là rất lớn. Nhưng ở góc độ của sinh viên, phụ huynh thì mức tăng này cũng tạo thêm gánh nặng bởi họ còn nhiều khoản chi phí khác. Vì vậy, 2 phía cần phải chia sẻ.
Theo PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, học phí tuy có điều chỉnh nhưng vẫn còn thấp và thấp hơn nhiều so với chi phí ăn ở, sinh hoạt. Trung bình chi phí ăn ở, sinh hoạt đối với 1 sinh viên ở Hà Nội hay TP HCM thường cao hơn 4 lần so với học phí, đây là điều nghịch lý. Để giảm chi phí, sinh viên có thể chọn trường ở địa phương để học, còn chọn trường thành phố để học thì phải chấp nhận tốn kém ở nhiều khoản. Ông Ngoạn cũng cho rằng với mức tăng 10% là quá ít nên đừng đòi hỏi chất lượng đào tạo có tăng theo.
Sống còn nhờ tuyển sinh
Năm 2015, nhiều trường ĐH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, trong đó có việc các trường tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên (còn gọi là trường tự chủ tài chính). Thực tế, tuyển sinh năm 2015 cho thấy các trường tự chủ tài chính đã phải thót tim canh tuyển đủ sinh viên.
Hiệu trưởng một trường ĐH tự chủ tài chính tại TP HCM cho biết đợt tuyển sinh vừa rồi, trường xác định tuyển đúng chỉ tiêu chứ không tuyển vượt để trừ hao như mọi năm vì nghĩ rằng việc tuyển đủ sinh viên từ nguyện vọng 1 là chắc ăn vì năm nay thí sinh chỉ được chọn 1 trường và đã trúng nguyện vọng 1 thì không được rút hồ sơ chuyển sang trường khác. Tuy nhiên, đến giờ chót có 300 thí sinh không nhập học.
Tìm hiểu mới biết số thí sinh này đồng thời đã trúng tuyển bằng xét tuyển học bạ vào trường khác, một số quyết định đi du học và không ít em bỏ cuộc vì mức học phí của trường tự chủ tài chính cao hơn khả năng của họ. “Thiếu số sinh viên này, chúng tôi mất hàng tỉ đồng nên phải cân đối bằng cách tuyển thêm sinh viên hệ liên thông” – vị này nói.
Đại diện nhiều trường ĐH cho rằng chỉ khi được thu học phí cao mới có thể nâng chất lượng đào tạo một cách tương xứng nhưng nhiều trường vẫn còn e dè trong việc tăng học phí bởi điều đó sẽ ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận ĐH của sinh viên và khả năng tuyển sinh của trường. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật
TP HCM, cho rằng nếu trường thu học phí cao đủ trang trải đào tạo thì học phí khối kỹ thuật phải lên đến gần 30 triệu đồng/năm. Đa phần sinh viên của trường đến từ miền Trung rất khó khăn nên thu học phí cao sẽ cản trở con đường học tập của các em. TS Trần Đình Lý cũng cho biết sinh viên của trường có tới 60% ở nông thôn nên thu học phí cao sẽ rất khó cho các em.
Đại diện nhiều trường ĐH khác cho rằng các trường ĐH không thể có chất lượng đào tạo tốt khi chưa được đầu tư đúng mức. Trong điều kiện ngân sách nhà nước không có khả năng đầu tư nhiều thì phải huy động từ người học bằng cách thu học phí cao. Do vậy, về lâu dài, chính sách cho vay vốn học tập phải đẩy mạnh để sinh viên tiếp cận có nhu cầu.
Theo Huy Lân