Nguyện ước 20/11 của những nữ sinh sư phạm xinh đẹp

Tuyển sinh – 20/11 lại về trong những nỗi niềm bồi hồi, xúc động của những người theo nghiệp sư phạm. Hãy cùng lắng nghe những suy nghĩ, ước nguyện thật đẹp về nghề “cầm phấn” của những nữ sinh trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhé.

Hoàng Thị Thu Hồng – Khoa Hóa

nguyen-uoc-2011-cua-nhung-nu-sinh-su-pham-xinh-dep

Từ khi còn là một học trò tiểu học, hình ảnh những người thầy, người cô tận tình với mình khiến Thu Hồng cảm thấy thật gần gũi và thân thương.

Càng lớn, Hồng càng nhận thức được nghề giáo viên không đơn giản và dễ dàng như bản thân nghĩ, mà là cả một quá trình nỗ lực và rèn luyện cả về tài năng lẫn đạo đức, hơn cả là sự hi sinh thầm lặng.

Mặc dù vậy, lúc chọn sư phạm, Hồng cũng không tránh khỏi có sự so sánh với các ngành khác. “Mình tự hỏi, bản thân không đi theo số đông, liệu có ổn không? Nhưng rồi mình nhận ra nghề nghiệp nào cũng sẽ có sứ mệnh và nhiệm vụ riêng của nó.

Nghề sư phạm tuy vất vả, thầm lặng, cho đi nhiều hơn là nhận lại nhưng đổi lại, mình có được sự yêu mến của mọi người và sự thanh thản trong tâm hồn. Làm nghề giáo hi sinh nhiều, nhưng những thành quả nhận được là vô giá. Đối với mình, nghề giáo là một niềm tự hào”.

nguyen-uoc-2011-cua-nhung-nu-sinh-su-pham-xinh-dep (1)

Hồng cho rằng, khi là một người giáo viên, cô sẽ tiếp nhận từng lớp học trò và đi cùng họ trong một khoảng thời gian dài như những chuyến đò vậy. Mỗi chuyến đò vừa cập bến là một thế hệ học trò dưới sự dạy dỗ của mình được tung bay vào cuộc đời rộng lớn kia. “Cảm giác thanh thản là khi mình đã dốc hết lòng và tận tâm dạy dỗ các em ấy, cống hiến hết mình thì không còn điều gì phải hối tiếc cả.

Đối với mình, người giáo viên không chỉ truyền tải kiến thức cho học sinh mà còn phải là người đem đến ngọn lửa đam mê học tập. Bởi vì học là việc cả cuộc đời, dù muốn hay không người thầy sẽ không bao giờ đi cùng học trò đến suốt cuộc đời được. Ngọn lửa ấy, tinh thần ấy sẽ giúp các em có được một định hướng vững chắc trong cuộc sống. Hơn nữa, người thầy mà có học trò biết tự học, tự tìm hiểu để phấn đấu, để giỏi hơn thầy chắc chắn là một người giáo viên thành công”.

Lưu Hoài Thu – khoa Hóa

nguyen-uoc-2011-cua-nhung-nu-sinh-su-pham-xinh-dep

Lựa chọn nghề y nhưng cánh cửa đại học không mở ra năm đầu tiên, Thu đã quyết định thi lại. Khoảng thời gian này, Thu dạy kèm cho một học trò môn Hóa. Dần thích công việc này và nhận được phản hồi tốt từ học sinh, Thu thay đổi suy nghĩ và đăng ký vào trường sư phạm.

Thu luôn mong muốn bản thân và học sinh có thể gần gũi với nhau hơn, các em có sự tôn trọng, yêu thương mình nhưng không quá khuôn phép. Theo Thu, điều cần và quý giá nhất ở một người giáo viên là cái tâm với nghề và tầm nhìn.

Thu chia sẻ: “Trước hết, giáo viên phải là một người yêu thương trẻ, tìm niềm vui trong sự giao tiếp với học trò, tin rằng mỗi em đều có thể trở thành người tốt. Người đó phải biết làm bạn với trẻ, đồng cảm với niềm vui và nỗi buồn của trẻ, hiểu biết tâm hồn các em, không bao giờ quên rằng bản thân mình đã là trẻ em.

nguyen-uoc-2011-cua-nhung-nu-sinh-su-pham-xinh-dep (1)

Thứ hai, người giáo viên tốt cần nắm vững khoa học làm cơ sở cho việc xây dựng mọi nội dung môn mình dạy. Học sinh phải tìm thấy ở giáo viên một con người thông minh, ham hiểu biết, ham suy nghĩ, yêu tri thức. Tri thức càng sâu, tầm nhìn càng rộng, vốn học vấn khoa học càng toàn diện thì người giáo viên không chỉ là người giảng dạy mà còn là người giáo dục ở mức độ càng cao.

Bên cạnh đó, Thu cho rằng, người giáo viên tốt là người hiểu biết về tâm lí học và giáo dục học, nhận thức và cảm nhận rằng không có tri thức của khoa học về giáo dục thì không thể làm việc với trẻ được. Và cuối cùng, với Thu, người đó còn là người nắm đến mức hoàn thiện các kĩ năng của một hoạt động lao động nào đó, là người lão luyện trong công việc của mình”.

Nguyễn Phương Thúy – khoa Lịch sử

nguyen-uoc-2011-cua-nhung-nu-sinh-su-pham-xinh-dep (2)

Ngay từ khi bước vào trường, Thúy đã vạch ra tiêu chuẩn về người giáo viên tốt để phấn đấu. Theo Thúy, khi trở thành giáo viên, cô sẽ tập trung rèn luyện đức và trí cho học sinh.

Để làm được điều này, Thúy luôn ý thức rèn luyện đạo đức bản thân cũng như kiến thức chuyên môn thật tốt. Đặc biệt, cô đề cao phương pháp truyền đạt kiến thức và tình yêu đối với môn học cho học sinh một cách hiệu quả và thú vị, đặc biệt là bộ môn mọi người vẫn luôn cho là khô khan – Lịch sử.

Thúy chia sẻ: “Hiện nay có rất nhiều tranh cãi về bộ môn này. Mình nghĩ lịch sử lúc nào cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, lượng kiến thức khá lớn dẫn đến tình trạng các em học sinh ngại học môn này”.

nguyen-uoc-2011-cua-nhung-nu-sinh-su-pham-xinh-dep (3)

Thúy cho rằng có rất nhiều cách để tái hiện lại lịch sử chứ không phải chỉ ngồi học thuộc trên lớp. “Chúng ta có thể tổ chức cuộc thi sân khấu hóa lịch sử. Hoặc ngay trên lớp, thay vì chỉ đưa ra các mốc thời gian, diễn biến sự kiện, mình sẽ kể các câu chuyện lịch sử cho các em nghe, từ đó lồng ghép nội dung chính của bài học”.

Với Thúy, một người giáo viên luôn cần nhất là tâm huyết với nghề. Đây là một nghề không thách thức nhiều, nhưng đòi hỏi không ít những nỗ lực, kiên trì, đặc biệt là “lửa nghề”, để có thể hoàn thành một cách tốt nhất.

Lương Minh Hồng – khoa Ngữ văn

nguyen-uoc-2011-cua-nhung-nu-sinh-su-pham-xinh-dep (4)

Gia đình có truyền thống sư phạm, nên Hồng đến với nghề cũng như một lẽ tự nhiên. Hồng muốn hướng đến một hình ảnh người giáo viên trẻ trung, năng động nhưng vẫn đủ lịch sự, thân thiện và đặc biệt là luôn giữ được chất văn.

“Chất văn chính là sự sâu sắc, tinh tế và tinh thần đồng cảm trong cuộc đời. Điều đó sẽ giúp khoảng cách giữa người với người trở nên gần hơn, đặc biệt là khoảng cách giữa người chở đò và người qua sông trên bến đò giáo dục”.

Với nghề giáo viên, Hồng luôn tâm nguyện phải giữ được tình yêu, nhiệt huyết. Song song đó, cùng những đổi mới trong giáo dục và thực tế nghề giáo viên hiện nay thì sự nhạy bén là điều hết sức cần thiết. “Hoàn hảo là khi sự nhạy bén gắn với cái tâm trong sáng và đầy nhiệt huyết. Đó là những gì mình đang và nhất định sẽ theo đuổi”.

nguyen-uoc-2011-cua-nhung-nu-sinh-su-pham-xinh-dep (5)

Hồng cho rằng, sự nhạy bén thể hiện trong tư tưởng và phương pháp dạy học nói chung và từng bộ môn nói riêng. “Một người giáo viên giỏi ở môi trường nào (môi trường giáo dục và môi trường xã hội thường xuyên chuyển động) cũng luôn thể hiện được tài năng.

Nếu vững vàng trong tư tưởng lập trường và trau dồi kiến thức, nghiệp vụ sư phạm thì con đường truyền cảm hứng từ giáo viên đến học trò sẽ được rút ngắn và giờ học sẽ trở nên thú vị hơn nhiều”, Hồng khẳng định.

Hoài Thư

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*