GS Đặng Ứng Vận: Đổi mới giáo dục chậm chạp được “RÓT” từ trên xuống

Tuyển sinh – Thực tiễn đổi mới giáo dục Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy, công việc đổi mới chậm chạp được “RÓT” từ trên xuống khi thấm đến giáo viên THÌ đã kết thúc một quy trình đổi mới do những bức xúc bị ứ đọng trong quá trình đổi mới CHẬM được giải quyết đòi hỏi một sự đổi mới khác.

Đó là một trong 4 kiến nghị của GS.TSKH.NGND Đặng Ứng Vận, nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ, hiện là Hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình gửi tới báo Dân trí.

gs-dang-ung-van-doi-moi-giao-duc-cham-chap-duoc-rot-tu-tren-xuong

GS.TSKH Đặng Ứng Vận cho rằng: Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, được coi là thời cơ lớn, bước ngoặt quan trọng, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam. Triển khai thực hiện NQ 29 cũng gặp phải những thách thức không nhỏ.

Đó là sự hạn chế về nguồn lực bao gồm cả nhân lực, vật lực và tài lực, sự không đồng đều về trình độ phát triển cũng như kỳ vọng giữa các vùng miền và tầng lớp dân cư, sự chưa đồng thuận trong xã hội về các mục tiêu và phương thức đổi mới và những hạn chế về năng lực quản lý giáo dục của toàn hệ thống.

Để vượt qua những thách thức này đòi hỏi phải có một bước chuyển biến chiến lược trong việc tổ chức thực hiện, vốn là trách nhiệm của những người quản lý và cũng là khâu yếu nhất trong lịch sử phát triển giáo dục Việt Nam.

Với tinh thần đó, chúng tôi kiến nghị với Đại hội Đảng bốn kiến nghị:

Thứ nhất: Đẩy nhanh tiến trình đổi mới giáo dục

Quá trình đổi mới giáo dục Việt Nam đang đứng trước một sự lựa chọn có tính lịch sử hoặc đổi mới nhanh đế sớm có hiệu quả, thường đi kèm theo một cú sốc cho toàn hệ thống, đòi hỏi nhà trường phải được tái cơ cấu để có thể chịu đựng được cú sốc ấy hoặc diễn biến đổi mới tuần tự để đảm bảo tính ổn định của hệ thống và dần dần thay đổi cơ cấu trường học mà tiến độ đổi mới đòi hỏi.

Thực tiễn đổi mới giáo dục Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy, công việc đổi mới chậm chạp được “RÓT” từ trên xuống khi thấm đến giáo viên THÌ đã kết thúc một quy trình đổi mới do những bức xúc bị ứ đọng trong quá trình đổi mới CHẬM được giải quyết đòi hỏi một sự đổi mới khác. Lúc đó, lại phải bắt đầu cho một chu kỳ mới của sự đổi mới, trong khi chưa kịp đánh giá đầy đủ những tư tưởng đổi mới “cũ” đã có tác dụng đến đâu, cái gì cần duy trì, cái gì cần thay đổi.

Nếu muốn đáp ứng nhu cầu nhân lực và chất lượng con người cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước thì phải chọn phương án thứ nhất đồng thời có những chính sách quản lý đổi mới phù hợp sao cho, một mặt thúc đẩy tiến trình đổi mới, mặt khác đảm bảo được sự ổn định hệ thống. Những ý tưởng mới về quản lý giáo dục của NQ29 như: “ đặt hàng cho giáo dục, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, giải quyết dứt điểm các hiện tượng tiêu cực kéo dài, gây bức xúc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của toàn xã hội đối với công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục” đã tạo tiền đề cho những chính sách quản lý đổi mới này.

Thứ hai: Đẩy mạnh việc huy động nguồn lực xã hội phát triển giáo dục

Có thể nói rằng những ý tưởng mới về quản lý giáo dục nêu trên chỉ có thể trở thành hiện thực nếu nhà trường thực sự gắn liền với xã hội, nhà trường “mở” với xã hội. Cộng đồng và phụ huynh được tham gia vào việc ra những quyết sách chiến lược và hợp tác xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình giáo dục; trách nhiệm của hệ thống chính trị trong việc chống tiêu cực trong giáo dục được thể chế hóa.

Giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, là những thành tố không thể thiếu và quyết định tới chất lượng và hiệu quả giáo dục. “Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình, để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn . (Trích bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị cán bộ Đảng trong ngành giáo dục tháng 6/ 1957 ).

Mặt khác, để đảm bảo nguồn lực cho phát triển giáo dục thì đầu tư cho giáo dục phải được coi là đầu tư phát triển. Đầu tư dàn trải theo kiểu phân chia phúc lợi, tất yếu dẫn đến giảm hiệu quả phát triển. Đồng thời, khi đầu tư của Nhà nước được tập trung, việc huy động nguồn lực từ xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng. Hoàn thiện thể chế huy động nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục là hết sức cần thiết.

Thứ ba: Tái cơ cấu tổ chức hệ thống giáo dục.

Tái cơ cấu tổ chức hệ thống là để đáp ứng đòi hỏi ổn định hệ thống khi đẩy nhanh tiến trình đổi mới, là yếu tố cốt lõi để nhà trường và hệ thống giáo dục có thể thích ứng với việc tiếp nhận nguồn lực từ nhiều nguồn khác nhau. Cơ cấu tổ chức hệ thống giáo dục mới cần đảm bảo ba nguyên tắc cơ bản: năng động, đáp ứng và hiệu quả. Năng động là để dễ thích ứng với những thay đổi trong tiến trình đổi mới, đáp ứng là để thực hiện sứ mạng của hệ thống giáo dục đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sự phát triển nhân cách của mỗi cá nhân trong xã hội, hiệu quả là để nâng cao chất lượng phát triển giáo dục

Hệ thống cần đảm bảo tính liên thông và nhất quán giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Chú trọng phân luồng trong trung học cơ sở và trung học phổ thông. Duy trì và phát triển phân hệ tinh hoa trong một nền giáo dục đang đại chúng hóa mạnh mẽ để bồi dưỡng nhân tài, có năng lực cạnh tranh với thế giới. Tái cơ cấu hệ thống các trường sau trung học theo chức năng để đảm bảo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao cho các giai đoạn phát triển của nền kinh tế đang trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa tiến tới kinh tế tri thức.

Cần tái cơ cấu tổ chức nhà trường. Nhà trường kiểu mới với các tiêu chí cơ bản: tự chủ, nghĩa vụ giải trình và chịu trách nhiệm, dân chủ và mở đối với xã hội sẽ là chỗ dựa vững chắc để vượt qua những thách thức và biến động của tiến trình đổi mới.

Về hệ thống quản lý, cần tái cơ cấu Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo để thực sự là một cơ quan quyền lực quyết định những vấn đề chiến lược, cốt lõi và nhạy cảm ở những thời điểm quan trọng. Cần có một bộ phận nghiên cứu chính sách giáo dục (bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp) phục vụ cho Ủy ban này, trong đó có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, quản lý, giảng viên và những đối tác không chuyên, những người sử dụng các sản phẩm của giáo dục, từng bước đạt tới trình độ tiên tiến của các diễn đàn công cộng và thảo luận công khai về giáo dục.

Thứ tư: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong nhà trường

Khi đặt vấn đề xã hội tham gia đánh giá chủ trương, chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước thì phương thức lãnh đạo của Đảng trong nhà trường cần phải chuyển từ việc thực hiện thụ động các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước sang việc tổ chức và hướng dẫn các cơ sở, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tham gia vào quy trình thực hiện và góp phần hoàn thiện chính sách. Tư duy chính sách được rót từ trên xuống kết hợp với tư duy thực hiện được đúc kết trong thực tiễn và đề xuất từ dưới lên sẽ khép kín chu trình chính sách và đảm bảo sự thành công của đổi mới giáo dục.

Từ một góc độ khác, trong bối cảnh nền kinh tế tư nhân ngày càng mở rộng, tỷ trọng các doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế cũng như tỷ trọng các trường tư thục trong hệ thống giáo dục VN sẽ ngày càng tăng. Nếu không sớm xác định phương thức lãnh đạo mới để có thể duy trì thực chất và hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng trong các cơ sở tư nhân thì sẽ hành chính hóa và hình thức hóa sự lãnh đạo đó. Điều đó cũng có nghĩa là Đảng sẽ thu hẹp dần phạm vi lãnh đạo của mình.

Kinh nghiệm của một số trường đại học tư thục cho thấy phương thức lãnh đạo của Đảng trong một trường tư thục nên là phương thức lãnh đạo mềm, không hành chính hóa, không áp đặt bằng các chỉ thị, nghị quyết mà bằng trí tuệ, bằng tư duy sáng tạo và bằng gương mẫu thực hiện.

GS.TSKH.NGND. Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng trường Đại học Hòa Bình

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*