Tuyển sinh – Nhiều nhà nghiên cứu sử học cho rằng, việc học trò xa rời môn Lịch sử có trách nhiệm của ngành giáo dục…
Lịch sử đang bị… “bỏ rơi”?
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, cho thấy, tại kỳ thi THPT Quốc Gia 2015, thí sinh dự thi môn Lịch sử ở các cụm thi đều giảm, lượng thí sinh đăng ký cũng gần như ít nhất trong các môn thi.
Cá biệt có hội đồng thi chỉ có 1 thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử. Mặt khác, kết quả dự thi cũng cho thấy, nhiều thí sinh đạt điểm 0, điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) ở môn thi này…
Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ GD&ĐT chính thức quyết định Lịch sử trở thành môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và dự thảo trương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT (môn Lịch sử có thể thành môn tự chọn), khiến môn học này chính thức bị “bỏ rơi”.
Tiếp tục nội dung cuộc trò chuyện với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu Lịch sử nhận định, việc ít người mặn mà với môn Lịch Sử có nguyên nhân từ cách dạy, cách học hiện nay.
Theo đó, ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm chính dẫn đến hệ quả trên.
“Không ít người cho rằng học Lịch sử khô khan, nhiều số liệu sự kiện khó nhớ, điểm kém, nên ngại đăng ký dự thi.
Tuy nhiên, nếu nói môn Lịch sử khô khan là không hợp lý. Bởi lẽ, đã là Lịch sử thì phải có số liệu, dẫn chứng chính xác sự kiện chứ không phải làm theo kiểu vu vơ được.
Còn nếu đề cập tới sự kiện lịch sử theo kiểu chung chung thì chẳng ai nghe đâu”, Giáo sư Nguyễn Ngọc Cơ – nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Cơ cũng cho rằng, môn Lịch sử đang thiếu sự quan tâm còn xuất phát từ việc bố trí thi cử, định hướng nghề nghiệp.
“Các môn khoa học xã hội nói chung, môn Lịch sử nói riêng, việc thi cử, đầu ra cho thí sinh thuộc chuyên ngành này quá ít, khiến nhiều người có vẻ ít quan tâm.” Giáo sư Nguyễn Ngọc Cơ nhận định.
Trong khi đó, Giáo sư Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thì cho rằng, với cách thức giảng dạy môn Lịch sử hiện nay, người ta dần quay lưng lại với môn này là điều có thể hiểu được.
“Với quan niệm môn Lịch sử là môn phụ cộng với phương pháp giảng dạy hiện nay chưa có tính sáng tạo… sẽ khiến nhiều người nhàm chán môn học này.
Việc này trách nhiệm thuộc về ngành giáo dục”, Giáo sư Phan Huy Lê nêu quan điểm.
Thay đổi toàn diện cách dạy, học môn Lịch sử
Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng, để nâng tầm môn Lịch sử trong việc giáo dục tri thức phổ thông cần thiết phải đặt môn học này trong hệ thống giáo dục phổ thông, là môn học bắt buộc.
Nên tập chung vào các vấn đề nhận thức về môn Lịch sử như thế nào? dạy Lịch sử nhằm mục đích gì? từ đó mới xác định học cái gì, học như thế nào?
Tiếp đó, cách dạy và học của giáo viên, học sinh cũng phải thay đổi theo hướng sáng tạo, giảm bớt sự nhàm chán trong việc truyền thụ, tiếp thu kiến thức như trước đây…”, Giáo sư Phan Huy Lê nêu quan điểm.
Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Ngọc Cơ nhấn mạnh tầm quan trọng của “người cầm cân”, trong việc quyết định vai trò, vị trí, nhận thức về môn Lịch sử của học sinh trong giáo dục tri thức phổ thông.
“Vấn đề này phụ thuộc vào nhận thức người “cầm cân” trong việc đánh giá vai trò, tác động của môn Lịch Sử trong sự phát triển của xã hội nói chung…”, Giáo sư Nguyễn Ngọc Cơ cho hay