Tuyển sinh – Đã đến lúc đưa phong trào “Kế hoạch nhỏ” trở về đúng ý nghĩa ban đầu. Muốn làm được thì đừng đề ra chỉ tiêu thi đua giữa các lớp, các cá nhân như hiện nay
Phong trào “Kế hoạch nhỏ” đã từng được đánh giá là một trong những dấu son rực rỡ trong hoạt động của tuổi nhỏ Việt Nam qua nhiều thế hệ.
Ngày nay, trong các trường học vẫn đang tồn tại phong trào mang tên “Kế hoạch nhỏ” nhưng phần lớn đã bị biến tấu qua một “cung bậc” hoàn toàn khác.
Cái ý nghĩa cao quý trước đây đã đang dần bị lu mờ bởi sự thi đua của những người thực hiện. Đã có không ít nơi xem phong trào “Kế hoạch nhỏ” như một gánh nặng, một nỗi áp lực lớn không chỉ cho thầy cô giáo, các em học sinh và chính cả các bậc phụ huynh.
Từ việc thu gom giấy vụn
Thường thì nhà trường phát động phong trào thu gom giấy vụn sau mỗi học kì, một số giáo viên đã có những cách làm hay và hiệu quả.
Ở mỗi góc lớp, giáo viên để một cái bao, học sinh sẽ tận dụng những tờ giấy nháp, tờ giấy không dùng nữa sau khi học thủ công, mỹ thuật hay những cuốn vở cũ được thay, những cuốn sách giáo khoa cũ nát không thể dùng…
Nhưng dù có tận dụng đến đâu, số lượng mỗi lớp nộp cũng không được nhiều. Cách làm này, giáo viên và học sinh không bị áp lực nên số lượng thu gom của cả trường cũng không cao.
Bên cạnh đó, nhiều trường muốn thu được số lượng lớn nên giao chỉ tiêu về từng lớp. Thế là giáo viên, buộc phải lao vào guồng máy thi đua.
Đã có nhiều người muốn đạt thành tích nổi trội hơn lớp khác nên dùng mọi cách buộc học sinh phải nộp mỗi em một lượng giấy lớn mà thầy cô quy định.
Đến việc góp lon bia, nước ngọt
Giấy vụn phải nộp cuối mỗi học kì còn lon bia nộp sau mỗi dịp tết. Nhà trường giao chỉ tiêu về từng lớp, thầy cô lại giao cho từng học sinh mỗi em khoảng 5-10 lon gì đó.
Thế là giữa các lớp, các giáo viên lại xảy ra cuộc ganh đua ngấm ngầm mà người chịu áp lực lại chính là các em học sinh.
Bi hài quanh chuyện quyên góp
Ở các trường vẫn đang tồn tại hai mảng thi đua là nề nếp và phong trào. Thường thì thầy cô giáo nào cũng không muốn mình bị thua đồng nghiệp.
Ai cũng muốn lớp mình được đánh giá là lớp có phong trào tốt. Vì thế, hàng ngày trên lớp, thầy cô luôn thường xuyên nhắc nhở học sinh việc nộp giấy vụn và lon bia nên em nào cũng răm rắp thực hiện.
Giáo viên càng ráo riết, học sinh càng không dám lơ là. Để có giấy mang nộp, học sinh về quyết đòi cha mẹ cho bằng được. Nhiều gia đình không biết kiếm đâu ra giấy vụn cho con nhưng nói thế nào các bé cũng không chịu vì sợ bị cô mắng.
Thế là, cha mẹ các em đã đi mua về những xấp giấy báo cũ, những vỏ thùng mì tôm…
Có phụ huynh do bị con thúc ép quá đã nổi giận đánh mắng con và đá xéo thầy cô cùng nhà trường bằng những từ ngữ thật khó nghe.
Vì giấy vụn khó kiếm nên các em phải cậy nhờ cha mẹ. Nhưng việc kiếm khoảng chục vỏ lon nước ngọt, lon bia dễ hơn nhiều.
Có gia đình khá giả chẳng thiếu vỏ lon, nhiều em cũng muốn vượt bạn nên đem một lúc đến vài chục cái. Nhưng một số học sinh gia đình nghèo không có nổi một lon bia vào ba ngày tết thì biết kiếm ở đâu?
Không hiếm chuyện chỉ có ít cái lon bia nhưng mấy anh em cùng tranh giành nên đã đánh nhau sứt đầu mẻ trán.
Một số em nhanh nhạy đã ra các quán nhậu canh chừng để nhặt, không ít cảnh tượng từng tốp học sinh đứng nhìn hau háu các vị khách hàng đang ăn uống để chờ cơ hội họ ném vỏ lon nào xuống đất là lao vào tranh cướp cho bằng được.
Có gia đình thương con nên cha mẹ bớt lại các khoản chi tiêu để cho các em “mang tiền đi nộp cho xong chuyện đỡ bị thầy cô nhắc tới nhắc lui phiền hà”.
Chuyện làm kế hoạch nhỏ như thế xảy ra ở nhiều cấp học, và không chỉ xảy ra ở một trường mà nhiều trường như thế.
Đã có biết bao bài báo, bao lời chỉ trích của công luận nhưng có lẽ người ta vẫn cứ xem như là những chuyện nhỏ.
Thiết nghĩ đã đến lúc đưa phong trào kế hoạch nhỏ trở về đúng ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Muốn làm được điều này, đừng đề ra chỉ tiêu thi đua giữa các lớp, các cá nhân như hiện nay vẫn đang làm.
Song Huyền