Các trường Trung cấp èo uột tuyển sinh

Tuyển sinh – Mặc dù đã có nhiều phương án tuyển sinh, chia làm nhiều đợt nhưng đến nay đa phần các trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều rất khó khăn trong việc tuyển sinh. Một số trường chỉ tuyển được 30-40% thí sinh so với chỉ tiêu đăng ký, thậm chí có một số ngành học không thể mở lớp vì thiếu thí sinh.

Tại tỉnh Đắk Lắk có tổng cộng 8 trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và 2 phân hiệu trường TCCN, trong những năm gần đây công tác tuyển sinh của hầu hết các trường gặp không ít khó khăn khi số lượng thí sinh nhập học giảm nhiều so với trước.

cac-truong-trung-cap-eo-uot-tuyen-sinh

Trong năm học 2015 – 2016, Trường Trung Cấp Đam San đăng ký 1.420 chỉ tiêu, tuy nhiên đến thời điểm này trường chỉ mới nhận được 600 hồ sơ đăng ký nhập học. Đa phần số lượng hồ sơ nhập học vào ngành Sư phạm Mầm non (450 hồ sơ) và các ngành như: Điều dưỡng, Dược sỹ, Y sỹ… còn một số ngành học khác rất ít thí sinh đăng ký.

“Tại trường có 4 mã ngành là Quản lý văn hóa, Hướng dẫn du lịch, Lễ tân, Tài Chính – Kế toán thì mới chỉ nhận được từ 2 – 5 hồ sơ nên hiện không thể mở mã ngành được. Trong năm nay kỳ thi chung Đại học và Cao đẳng mở rộng cửa nên các thí sinh có nhiều sự lựa chọn và cơ hội hơn nên dẫn đến các em cũng không muốn vào các trường TCCN”, ông Nguyễn Thanh Bình – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đam San cho hay.

Tương tự, tại Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Đắk Lắk những năm trước đăng ký trên 1.200 chỉ tiêu cho 9 ngành học, nhưng năm học này trường chỉ dám đăng ký 600 chỉ tiêu. Mặc dù đã trải qua 3 đợt tuyển sinh nhưng chỉ mới có 160 thí sinh nhập học chưa được 30% chỉ tiêu đề ra.

Bà Trần Thị Minh Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Đắk Lắk, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến số lượng thí sinh những năm gần đây vào các trường TCCN giảm hẳn do số lượng các trường trung cấp trên địa bàn tỉnh rất đông nên lượng thí sinh đã phân bố rải rác vào các trường. Bên cạnh đó, nhu cầu của học viên theo học các ngành kinh tế, kỹ thuật rất ít mà chủ yếu tập trung nhu cầu vào các ngành Sư phạm và Y dược khiến tình hình tuyển sinh giảm hẳn.

“Hiện tại, trường đang tiếp tục tuyển sinh đợt 4 và đợt 5 đến giữa tháng 12 mới kết thúc. Nhà trường cũng đã tiến hành triển khai làm 8 điểm tuyển sinh tại Trung tâm các huyện, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên… phát hành hồ sơ cho thí sinh, các thí sinh cũng có thể đăng ký nhập học qua trang web của trường và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh đăng ký vào trường”, bà Lý cho hay.

Cũng theo bà Lý, ngành có ít hồ sơ đăng ký nhất ở trường là ngành Quản trị doanh nghiệp mới có 3 đến 4 hồ sơ nếu tình trạng này kéo dài trường sẽ bàn bạc với các học viên chuyển sang các ngành học khác hoặc nếu thí sinh không đồng ý buộc phải hoàn trả lại hồ sơ đã đăng ký.

Để duy trì hoạt động, Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Đắk Lắk đã tiến hành mở các lớp dạy nghề cho học sinh bậc THCS và THPT, đào tạo lái xe, mở thêm một số nghề ngắn hạn để đào tạo với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” trong tình hình tuyển sinh khó khăn như hiện nay.

Một số trường TCCN khác như: Trung cấp Đắk Lắk, Trung cấp Tây Nguyên, Trung cấp Trường Sơn, Phân hiệu trường Trung cấp Bách Nghệ Thanh Hóa… cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi lượng thí sinh đăng ký quá ít so với chỉ tiêu đăng ký với Bộ GD-ĐT.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Lê Thị Kim Oanh – Trưởng Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Đắk Lắk cho biết: Theo báo cáo của các trường TCCN trên địa bàn tỉnh, đến nay công tác tuyển sinh của các trường đạt 52% thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (đạt trên 56%). Đến hết tháng 12 năm nay, Sở sẽ có con số thống kê cụ thể việc đăng ký nhập học các trường TCCN, cũng như các ngành nghề mà các thí sinh có nhu cầu cao và các ngành khó tuyển thí sinh.

“Nguyên nhân dẫn đến lượng thí sinh giảm là do năm nay tuyển sinh vào các trường Đại học, Cao đẳng rộng mở hơn, thời gian xét tuyển dài, một số trường có phương án tuyển sinh riêng nên các thí sinh có nhiều sự lựa chọn. Vấn đề giải quyết việc làm sau đào tạo tại các trường TCCN cũng khá khó khăn nên khiến các thí sinh không còn hào hứng nhập học như trước đây”, bà Oanh nhận định.

Thúy Diễm

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*