Thí sinh thuộc diện tuyển thẳng cần tìm hiểu kĩ thông tin và quy định của các trường tuyển thẳng để chọn ngành nghề phù hợp
Mở rộng đối tượng
Quy định về các đối tượng được tuyển thẳng vào các trường ĐH- CĐ năm nay được mở rộng hơn, rõ ràng hơn so với năm 2014 để giúp các trường có cơ sở thuận lợi trong việc tuyển thẳng thí sinh.
Nếu như năm 2014 chỉ có 9 đối tượng được tuyển thẳng thì năm 2015 tăng lên thành 11 đối tượng. Hai đối tượng mới được tuyển thẳng năm 2015 là đối với thí sinh học trung cấp. Thí sinh có bằng trung cấp loại giỏi trở lên và có bằng trung cấp loại khá có ít nhất 2 năm làm việc theo chuyên ngành hoặc nghề đã được đào tạo, đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 6 (tốt nghiệp THTP hoặc được công nhận hoàn thành các môn văn hóa theo quy định của Bộ GD-ĐT) này được tuyển thẳng vào cùng chuyên ngành trình độ CĐ.
Đối tượng thứ 2 là thí sinh có bằng tốt nghiệp trung cấp đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề quốc gia, đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy chế được tuyển thẳng vào trường CĐ để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đoạt giải.
Như vậy, đối tượng được mở rộng tuyển thẳng năm nay tạo cơ hội cho thí sinh học trung cấp. Tuy nhiên, Quy chế cũng chưa nói rõ bằng trung cấp là thuộc trung cấp nghề (Bộ LĐTB-XH) hay trung cấp chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT).
Ngoài việc tăng thêm đối tượng, quy chế năm nay cũng “nói lại cho rõ” ở một số quy định dành cho các đối tượng được tuyển thẳng mà năm 2014 đã quy định.
Đối với đối tượng là thí sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế; trong đội tuyển tham dự hội thi sáng tạo khoa học kĩ thuật quốc tế (đã tốt nghiệp THPT) được tuyển thẳng vào ĐH. Quy định này được điều chỉnh cụ thể hơn là “thí sinh được tuyển thẳng vào ĐH theo ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi của thí sinh”.
Năm 2014, thí sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thí sinh đoạt giải khuyến khích trong Hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD-ĐT tổ chức (đã tốt nghiệp THPT) được tuyển thẳng vào CĐ theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải. Năm 2015 được điều chỉnh lại khi yêu cầu các cuộc thi trên mang cấp quốc gia chứ không phải do Bộ GD-ĐT tổ chức. Điều này có nghĩa là thí sinh đoạt giải ở các cuộc thi khoa học kỹ thuật mang tầm quốc gia do các tổ chức, bộ ngành khác tổ chức đều có quyền được tuyển thẳng.
Đặc biệt, Quy chế năm 2015 cũng làm rõ quy định mù mờ với đối tượng thí sinh là người khuyết tật. Quy chế năm 2015 đã nói rõ “thí sinh là người khuyết tật đặc biệt nặng có giấy xác nhận khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định” thì hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập THPT (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét, quyết định cho vào học.
Các trường tự phân bổ chỉ tiêu
Thực tế cho thấy, Quy chế quy định là vậy nhưng ở mỗi trường, mỗi ngành do tính chất đặc thù nên các trường bổ sung hoặc đưa thêm các điều kiện để tuyển chọn và phân bổ chỉ tiêu ở từng ngành cho phù hợp.
TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban ĐH – Sau ĐH (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết: Tổng chỉ tiêu năm nay của ĐH Quốc gia TPHCM là 13.040. ĐH Quốc gia thống nhất tuyển thẳng 5% (tổng chỉ tiêu) đối với hai đối tượng: thí sinh đạt các điều kiện theo quy định của Quy chế và thí sinh của 5 trường THPT có kết quả thi tuyển sinh cao nhất cả nước trong năm 2014 gồm Trường THPT Năng khiếu ĐH Quốc gia TPHCM, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên và THPT chuyên ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước), Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định).
Theo PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TPHCM: “Năm nay trường có điều chỉnh về đối tượng được tuyển thẳng vào các ngành. Trường dự kiến, thí sinh đạt giải nhất trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế môn Hóa sẽ tuyển thẳng vào ngành Dược. Thí sinh đạt giải nhất môn Sinh trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế sẽ được tuyển thẳng vào ngành Y đa khoa. Những thí sinh đạt giải nhì và ba sẽ được vào các ngành khác ngoại trừ ngành dược”.
Trao đổi với PV Báo SGGP về việc tại sao các trường lại đưa ra các điều kiện đối với thí sinh thuộc đối tượng tuyển thẳng, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT): “Thí sinh đạt các điều kiện quy định thì có quyền nộp hồ sơ để được tuyển thẳng vào ngành hoặc trường mình yêu thích. Các trường phải có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí thí sinh theo đúng quy định. Tuy nhiên, trong quy chế cũng nêu rõ, hiệu trưởng các trường có quyền xem xét, cân đối chỉ tiêu để bố trí thí sinh vào các ngành học cho phù hợp.
Thông tin tuyển sinh 2015
Năm 2015 là năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện kỳ thi THPT quốc gia với rất nhiều điểm mới. Theo đó, Kỳ thi quốc gia THPT năm 2015 sẽ được tổ chức với 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh. Bắt đầu từ ngày 1-4 tới, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký thi; thời gian đăng ký kéo dài đến hết ngày 30-4. Vì kỳ thi có quá nhiều đổi mới nên không tránh khỏi bỡ ngỡ cho nhiều phụ huynh, thí sinh.
Để thiết thực hỗ trợ thí sinh vượt qua những bỡ ngỡ đó, từ hôm nay 13-3, trên chuyên trang Giáo dục, Báo SGGP mở chuyên mục “Tuyển sinh 2015” với mong muốn mang đến cho thí sinh toàn cảnh những nội dung mới liên quan đến kỳ thi sắp tới và những thông tin cần thiết khác cho thí sinh trong mùa thi 2015.
Những thắc mắc của thí sinh về kỳ thi quốc gia THPT xin gửi về [email protected]
hoặc [email protected].
Những điểm mới nhất của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015
– Kỳ thi với 2 mục đích: Lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH-CĐ.
– Môn thi: tổ chức thi 8 môn gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
+ Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại. Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được Giám đốc sở GD-ĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.
+ Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH-CĐ, thí sinh dự thi 4 môn như quy định trên và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH-CĐ quy định. Để xét tuyển sinh ĐH-CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH-CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng. Như vậy, thí sinh phải xác định chính xác môn thi, nếu chỉ để xét công nhận tốt nghiệp thì phải đăng ký 4 môn thi, trong đó có các môn bắt buộc gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn. Để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ, thí sinh cần căn cứ vào quy định xét tuyển của trường mà mình có nguyện vọng vào học để lựa chọn môn thi.
– Những thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước (thí sinh tự do) chỉ cần đăng ký thi các môn dùng để xét tuyển vào các ngành của trường ĐH -CĐ. Các thí sinh có thể đăng ký tối đa 8 môn thi. Đăng ký nhiều môn thi thì cơ hội xét tuyển ĐH-CĐ nhiều hơn, nhưng cần cân nhắc để lựa chọn số lượng môn thi phù hợp, đảm bảo ôn thi đạt kết quả cao nhất.
– Từ ngày 1-4 đến trước ngày 30-4: Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Khi làm hồ sơ, thí sinh cần lưu ý xác định mục đích tham dự kỳ thi là thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, hay để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ, hay nhằm cả hai mục đích, từ đó đánh dấu vào ô tương ứng trong phiếu đăng ký dự thi.
– Với 4 môn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, mỗi môn phải đạt điểm lớn hơn 1 điểm (nói cách khác, điểm liệt là 1), đồng thời trung bình cộng của tổng điểm các môn thi cùng với điểm khuyến khích, ưu tiên (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12 từ 5 điểm trở lên sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh sẽ được bảo lưu kết quả thi tốt nghiệp THPT khi thi đủ số môn và các môn đạt từ 5 điểm trở lên. Bảo lưu chỉ có tác dụng dùng trong xét tốt nghiệp THPT, còn muốn xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ thì thí sinh vẫn phải thi.
– Đề thi năm 2015 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Thời gian thi tự luận các môn Toán, Văn, Sử, Địa 180 phút; trắc nghiệm các môn Lý, Hóa, Sinh 90 phút. Ngoại ngữ nhiều khả năng sẽ có trắc nghiệm và tự luận.
– Thời gian xét tuyển vào ĐH-CĐ bắt đầu từ tháng 8, sau khi Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng chất lượng đầu vào. Ở nguyện vọng 1, học sinh dùng giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký vào một trường với tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) với thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Các trường cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển vào trường lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia và 3 ngày một lần công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp. Trong quá trình đó, thí sinh nếu cảm thấy không có nhiều cơ hội thì được phép rút hồ sơ để gửi sang trường khác xét tuyển.
– Ngoài nguyện vọng 1 (nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì không được xét tuyển nguyện vọng bổ sung), mỗi thí sinh có 3 phiếu kết quả giống nhau để dùng cho các đợt xét tuyển bổ sung. Lúc này, thí sinh có thể nộp đồng loạt ở 3 trường, mỗi trường có tối đa 4 ngành, nghĩa là được đăng ký 12 nguyện vọng. Tuy nhiên, ở lần xét tuyển bổ sung các em không được quyền rút hồ sơ như ở nguyện vọng 1. Như vậy, tính cả nguyện vọng 1 thì năm nay thí sinh được đăng ký tổng cộng 16 nguyện vọng.