Những thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực vào Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội ngày 30-5 biết luôn kết quả khi vừa kết thúc làm bài.
Thí sinh xếp thành hàng dọc theo từng phòng thi đã được sắp xếp từ trước
Các thí sinh không cần về nhà tìm đáp án hoặc tra trên mạng sau khi thi rồi chờ chừng 20 ngày để biết kết quả như kỳ tuyển sinh ĐH lâu nay nữa.
Bước ra khỏi phòng thi, Vũ Thị Quỳnh Anh (THPT Bình Giang, Hải Dương) thông báo ngay với mẹ điểm số 92 mình đạt được sau 195 phút làm bài thi.
“Không phải thi từng môn rồi chờ đợi sang buổi khác, ngày khác để thi tiếp các môn còn lại, lần này thi vào ĐHQG Hà Nội mình chỉ phải làm một bài thi tổng hợp đầy đủ các câu hỏi ở nhiều môn học” – Quỳnh Anh nói.
Đề thi gần với cuộc sống
Nhiều thí sinh ví von đi thi ĐH hao hao giống tham gia một số… trò chơi trên truyền hình. Tất cả câu hỏi đều ở dạng trắc nghiệm, đề có gợi ý sẵn và thí sinh chỉ cần chọn phương án đúng.
“Có câu chỉ yêu cầu tìm từ khác biệt với các từ còn lại: đỏ au, đỏ thắm, đỏ tía, đỏ đen” – một nam thí sinh đến từ Nam Định nói.
Mai Thị Phương Anh (Hà Nội) – dự định đăng ký xét tuyển vào Khoa luật – nhớ như in một câu hỏi mà theo Phương Anh chưa từng xuất hiện trong một đề thi tuyển sinh ĐH nào của các năm trước khi lĩnh vực được đề cập thuộc về môn… giáo dục công dân.
“Trong đề thi của mình, một tình huống được đặt ra là có người lập Facebook với mục đích nói xấu người khác, đưa những hình ảnh không tốt, có tính chất bôi nhọ người khác lên Facebook. Khi biết xuất hiện Facebook này và bị mọi người bàn tán, người bị bôi nhọ đó đã có ý định tự tử, nhưng may mắn gia đình phát hiện kịp thời, ngăn lại được.
Người mẹ muốn kiện ra tòa thì cần xác định hành vi của những người lập Facebook với dụng ý xấu, bôi nhọ người khác là vi phạm quyền gì. Mình đã chọn đáp án vi phạm danh dự, quyền bí mật đời tư của cá nhân” – Phương Anh nói.
Trong khi đó, T.Anh – thí sinh dự định đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội – vui vẻ chia sẻ bài làm của mình đã đạt 115 điểm dù trước đó chưa từng làm bài thi thử lần nào.
“Đề thi của mình yêu cầu tìm lỗi trong câu văn: “Nếu đồ xôi sắn theo kiểu truyền thống thì xôi phải đồ trong chõ gỗ thủ công, chứ không bao giờ dùng chõ kim loại”.
Hóa ra, lâu nay có thể mình vẫn vô tư dùng cách nói trên mà không biết rằng lỗi câu nằm ở chính từ “trong”. Từ thay thế chính xác cho từ “trong” ấy phải là “bằng”, đồ xôi bằng chõ, chứ không phải đồ xôi trong chõ” – T.Anh nói.
Đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh
Trước kỳ thi, ĐHQG Hà Nội đã công bố đề thi thử và cho phép thí sinh đăng nhập một cách dễ dàng để làm bài thi thử trên hệ thống, làm quen với phương thức làm bài hoàn toàn trên máy tính và chấm điểm bằng máy tính.
Tuy nhiên, dù phần lớn thí sinh đều đã làm quen với bài thi thử, nhưng khi làm bài thật vẫn không tránh khỏi bỡ ngỡ khi tiếp cận một phương thức thi hoàn toàn mới.
Không chỉ thí sinh phải làm quen với cách thi mới mà chính ĐHQG Hà Nội cũng phải tập trung nguồn lực mạnh mẽ để vận hành một kỳ thi riêng hoàn toàn khác với thi “ba chung” trước đây.
Gần 7.500 máy tính được sử dụng cùng hơn 1.000 cán bộ được huy động cho mỗi ca thi. Bốn ngày thi từ 30-5 đến 2-6 được chia thành tám ca với tổng số thí sinh đăng ký dự thi hơn 45.000.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Sái Công Hồng – giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQG Hà Nội – cho biết mỗi thí sinh làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn.
Hệ thống máy tính sẽ lọc câu hỏi đảm bảo các câu hỏi đã được sử dụng ở ca thi trước sẽ không lặp lại ở các ca thi sau đó trong bất kỳ đề thi nào để đảm bảo tính công bằng cho mọi thí sinh.
Tuy nhiên, với bài thi đánh giá năng lực, nhiều thí sinh cho rằng phạm vi đề thi tương đối rộng, có cả lớp 10, lớp 11, trong khi lâu nay làm thử bài thi tuyển sinh các năm trước và ôn thi THPT quốc gia năm nay, học sinh chủ yếu tập trung kiến thức lớp 12 mà ít chú ý đến kiến thức các năm học trước đó.
Một số thí sinh cho biết các em chỉ tập trung học kiến thức lớp 12, nên dù tập trung ôn khối C vẫn… bó tay trước những câu hỏi lịch sử về phong trào Cần Vương từ lớp 11.
Trả lời băn khoăn này, lãnh đạo ĐHQG Hà Nội khẳng định đây là kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra kiến thức thí sinh một cách tương đối toàn diện. Thí sinh không nên học lệch, học tủ.
Trước kỳ thi, nhà trường đã thông báo rất rõ cơ cấu kiến thức trong phần bắt buộc được phân bổ: 10% kiến thức trong chương trình lớp 10, 20% kiến thức chương trình lớp 11 và 70% kiến thức chương trình lớp 12.
Một trong những thí sinh đầu tiên rời khỏi phòng thi.
Năm 2016: có thể thi tuyển sinh hằng tháng
Đây là thông tin được ông Nguyễn Kim Sơn – phó giám đốc ĐHQG Hà Nội – thông báo tại buổi trao đổi với báo chí sáng 30-5.
Theo ông Sơn, kỳ thi tuyển sinh 2015 bằng bài thi đánh giá năng lực chỉ được tổ chức hai đợt vì trường chưa đủ điều kiện để tổ chức nhiều đợt hơn.
Song dự kiến từ năm 2016, kỳ thi tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực vào ĐHQG Hà Nội có thể tổ chức hằng tháng ở nhiều địa phương khác nhau trên cả nước. Kết quả kỳ thi này của thí sinh vẫn được sử dụng để xét tuyển vào trường trong thời hạn hai năm.
Với kỳ tuyển sinh riêng hoàn toàn khác biệt với kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức, ĐHQG Hà Nội cũng áp dụng nhiều điểm mới trong công tác tuyển sinh.
Theo đó, thí sinh dự thi đánh giá năng lực sẽ không được quyền yêu cầu phúc khảo như ở các kỳ thi tuyển sinh ĐH trước đây.
Theo kế hoạch, điểm bài thi năng lực sẽ được ĐHQG Hà Nội thống kê và công bố toàn bộ trên website vào ngày 6-6 để các trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 8-6. Cuối tháng 6, các trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển.
Những thí sinh tốt nghiệp THPT từ năm 2014 trở về trước nếu đủ điểm trúng tuyển sẽ đủ điều kiện nhập học ngay. Riêng những thí sinh đang học lớp 12 cần chờ thêm kết quả thi THPT quốc gia, phải được công nhận tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện nhập học.
Bài thi tính điểm thế nào?
Bài thi đánh giá năng lực gồm 140 câu và được tính điểm tối đa 140 điểm. Thí sinh cũng không phải chờ đợi để trường tính toán điểm sàn mà đã được thông báo từ trước nếu đạt từ 70 điểm trở lên sẽ đủ điều kiện đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo (riêng thí sinh thi vào Trường ĐH Ngoại ngữ sẽ phải thi bài thi ngoại ngữ trên phiếu thi trắc nghiệm như các kỳ tuyển sinh “ba chung” trước đây và thí sinh chỉ đủ điều kiện đăng ký xét tuyển khi đồng thời đạt tối thiểu 70/140 điểm trở lên ở bài thi đánh giá năng lực và từ 4/10 điểm trở lên đối với môn thi ngoại ngữ). Đề thi đánh giá năng lực bao gồm hai phần trắc nghiệm: phần bắt buộc và phần tự chọn. Phần bắt buộc gồm hai phần: tư duy định lượng (kiến thức toán) và tư duy định tính (kiến thức ngữ văn). Ở phần tự chọn, thí sinh chọn một trong hai nội dung: kiến thức khoa học tự nhiên (gồm vật lý, hóa học, sinh học) hoặc kiến thức khoa học xã hội (gồm lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Thí sinh lần lượt làm hết phần bắt buộc, sau đó làm phần tự chọn. Kết quả thi của thí sinh được tính bằng tổng số câu trả lời đúng trong bài thi. Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được điểm. Tổng điểm toàn bài là 140 điểm. |