Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đang đến gần nhưng nhiều học sinh và giáo viên các trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Định, Phú Yên vẫn còn nhiều thắc mắc, băn khoăn, dẫn đến lo lắng.
Thí sinh còn nhiều thắc mắc về kì thi THPT
Lúng túng về môn thi, cụm thi
Ngày 12.3, trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều học sinh (HS) lớp 12 ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) cho biết đang phân vân lựa chọn môn thi thứ 4 trong kỳ thi THPT, ngoài 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Đối với các thí sinh dự thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH, CĐ 2015, ngoài 4 môn kể trên còn phải tính toán chọn đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển do trường ĐH, CĐ quy định.
Chu Bảo Long, HS lớp 12 Trường THPT Hùng Vương, cho biết: “Vấn đề mà tụi em còn lo ngại là cụm thi cho thí sinh dự thi sẽ được tổ chức như thế nào và cấu trúc đề thi giữa phần tự luận và trắc nghiệm đối với các môn ra sao?”. Tương tự, Lê Anh Hào, lớp 12A4 Trường THPT Trần Cao Vân, mong muốn: “Trong quá trình ôn tập, tụi em rất cần biết thông tin về cấu trúc đề thi để có hướng ôn tập hợp lý”. Trần Thị My, lớp 12A1 của trường này, cũng lo lắng chưa biết thi tại địa điểm nào vì Bộ GD-ĐT chỉ mới dự kiến nhưng chưa có quyết định chính thức về việc tổ chức điểm thi tại TP.Quy Nhơn.
Bà Nguyễn Thị Phương Minh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân, cho biết lãnh đạo nhà trường cũng rất lúng túng trước những thắc mắc của HS về hình thức thi, cấu trúc đề thi… Việc Bộ tổ chức 2 cụm thi cũng có nhiều vấn đề đáng phải quan tâm như việc luân chuyển HS dự thi, giáo viên coi thi, giáo viên chấm thi và sự công bằng giữa các cụm thi. “Bộ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực có thể dẫn đến sự chênh lệch điểm bài thi, nhất là các môn tự luận”, bà Minh nói.
Nhiều lãnh đạo các trường THPT tại Bình Định cũng cho rằng Bộ cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện các quy định trong quy chế. Đặc biệt, năm nay không ít trường ĐH, CĐ có nhiều tổ hợp môn xét tuyển mới không giống các khối thi truyền thống như các năm trước cũng khiến cho HS gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn môn thi. “Chúng tôi đã tổ chức cho HS lớp 12 ôn tập các môn nhưng đối với môn tiếng Anh thì chưa rõ cấu trúc đề nên gặp lúng túng”, ông Nguyễn Văn Thật, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bình Định, cho biết.
Ông Đào Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, mong muốn: “Một trong những điều HS hết sức quan tâm là môn thi tự chọn. Các em cần phải biết năng lực bản thân, sở thích của mình phù hợp với ngành nghề nào, nên thi vào trường nào và lựa chọn các môn thi nào để được xét tuyển vào trường ĐH, CĐ có ngành mình chọn. Việc được tư vấn rõ ràng, giúp các em chọn đúng môn sở trường, yên tâm, tự tin đến với kỳ thi mới mẻ này”.
Chưa biết chọn trường, chọn ngành nào
Hiện vẫn còn nhiều HS ở Phú Yên rất mập mờ trong việc chọn trường, chọn ngành. Nguyễn Đoàn Hoàng Sang, HS Trường THPT Nguyễn Văn Linh (H.Đông Hòa), nói: “Tụi em chỉ mới tìm hiểu thông tin về các ngành học, các trường để xem có phù hợp với học lực và sở thích của mình không. Lên mạng internet tìm hiểu nhưng em cũng thấy rất mông lung, rối bời nên vẫn chưa thể chọn được”.
Đặc biệt, rất nhiều HS lo lắng về cơ hội việc làm đối với ngành nghề mà mình yêu thích. “Em thích ngành quản trị kinh doanh nhưng sợ ra trường khó xin việc làm nên sau đó lại quyết định thi vào ngành hóa dầu. Tỉnh Bình Định và Tập đoàn dầu khí Thái Lan đang xúc tiến đầu tư dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội nên em hy vọng mình ra trường sẽ có việc làm ngay tại quê nhà. Nhưng hiện em không biết trường nào có đào tạo ngành hóa dầu và chọn thi môn nào để xét tuyển vào ngành này?”, Trần Thị Ngọc Hà, HS lớp 12A4 Trường THPT Trần Cao Vân (TP.Quy Nhơn), thắc mắc.
Ông Nguyễn Bảo Toàn, giáo viên sử Trường THPT Lê Trung Kiên (Phú Yên), cho biết mặc dù trường cũng đã tư vấn cho HS nhưng phần lớn các em vẫn còn phân vân trong việc chọn trường, chọn ngành. “Việc các em chọn trường, chọn ngành phù hợp với năng lực, sở thích là khó khăn. Rất nhiều em lo lắng không biết những ngành học mình chọn khi tốt nghiệp ra trường có kiếm được việc làm hay không”, ông Toàn chia sẻ.
Trong khi đó, bà Lê Thị Hồng Phúc, giáo viên văn Trường THPT Nguyễn Văn Linh, bày tỏ: “Bây giờ nhiều HS đang lo lắng là có đậu được tốt nghiệp THPT hay không. Hiện chỉ có những HS khá, giỏi định hướng từ đầu nên đã chọn trường, chọn ngành. Những HS trung bình còn rất nhiều phân vân nên có khi chọn đại ngành nào đó mà không phù hợp với sức học của mình”.
Ông Nguyễn Đình Diêm, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh, cho biết: “Hiện chỉ có một vài trường ĐH, CĐ về tận trường tư vấn. Khả năng là HS của trường sẽ chọn các trường phía nam. Vì tỷ lệ HS có học lực trung bình của trường nhiều nên các em sẽ chọn ngành công nghệ, kỹ thuật, marketing… do những ngành này điểm tuyển sinh tương đối”.
Nhận định về việc chọn trường, chọn ngành của HS, tiến sĩ Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, mong đợi chương trình tư vấn của Báo Thanh Niên chú trọng vào tư vấn chọn trường, chọn ngành để sau này tốt nghiệp ra trường có việc làm; chọn trường để làm sao kinh phí học vừa với túi tiền các em; chỗ ăn, chỗ ở cho đảm bảo và chế độ chính sách.