Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đang đến gần, theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, kỳ thi này sẽ có nhiều sự thay đổi so với kỳ thi năm trước.
Theo đó, đối với kỳ tuyển sinh năm 2015, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ, thí sinh phải thi 4 môn tối thiểu, gồm 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Một điểm lưu ý khác, nếu thí sinh đã tốt nghiệp THPT những năm trước thì năm nay chỉ cần đăng ký thi các môn phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Ví dụ, thí sinh thi vào trường ĐH, CĐ công bố phương thức tuyển sinh các môn tương ứng với khối A thì chỉ đăng ký dự thi 3 môn: Toán, Vật lý, Hóa học. Như vậy, thí sinh cần theo dõi thông tin cụ thể về điều kiện tuyển sinh của trường ĐH, CĐ mà mình có nguyện vọng xét tuyển để đăng ký dự thi các môn phù hợp.
Như vậy, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ có 3 nhóm đối tượng thí sinh: Nhóm các thí sinh chỉ thi 4 môn để lấy bằng tốt nghiệp THPT; nhóm các thí sinh vừa thi để xét tốt nghiệp THPT, vừa lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ; nhóm các thí sinh tự do, đã tốt nghiệp THPT và chỉ tham gia thi để xét tuyển ĐH, CĐ.
Mở rộng thang điểm bài thi thành 20
Để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, Bộ GD-ĐT dự kiến mở rộng thang điểm bài thi thành thang điểm 20. Việc mở rộng thang điểm sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh và thuận lợi cho công tác xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Các sở GD-ĐT có nhiệm vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh dự thi, kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi với điểm trung bình cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp. Thí sinh đủ điều kiện dự thi, không có bài thi nào từ 2 điểm trở xuống được xét công nhận tốt nghiệp và được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp THPT.
Sau khi có kết quả thi, căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân. Mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu của trường ĐH chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt (mỗi đợt trong thời gian 20 ngày), mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31-10 hằng năm đối với trường ĐH; 15-11 hằng năm đối với trường CĐ.
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và lệ phí ĐKXT cho trường có nguyện vọng vào học qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại trường.
Trong thời hạn xét tuyển cho từng đợt, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT để nộp vào trường hay ngành khác theo nguyện vọng. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ do hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ xem xét, quyết định.
Miễn thi môn Ngoại ngữ cho một số đối tượng
Một trong những điều thí sinh quan tâm là việc miễn thi môn Ngoại ngữ. Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh cho biết: Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng dạy học, được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. “Đặc biệt, những thí sinh có chứng chỉ môn Ngoại ngữ tương đương với trình độ từ bậc 3 (khung 6 bậc dùng cho Việt Nam) trở lên sẽ được miễn thi môn này và được điểm tối đa. Trình độ này cao hơn nhiều so với yêu cầu về ngoại ngữ đối với học sinh hoàn thành chương trình THPT. Điểm quy đổi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT. “Tuy nhiên, thí sinh nào muốn thi ĐH tại trường tổ chức thi môn Ngoại ngữ vẫn phải dự thi môn này trong Kỳ thi THPT quốc gia” – ông Trinh lưu ý.
Thí sinh thi nhiều nhất là 8 môn
Trước câu hỏi, liệu kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia có gây áp lực đối với thí sinh hay không, ông Mai Văn Trinh lý giải: Trước đây, nếu thí sinh tham dự cả hai kỳ thi thì ít nhất phải làm bài với 7 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 môn thi tuyển sinh ĐH hoặc CĐ); có những thí sinh tham dự tất cả 4 lượt thi với 13 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT; 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1; 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2; 3 môn thi trong đợt thi tuyển sinh CĐ). Nhưng trong kỳ thi THPT quốc gia, mỗi thí sinh chỉ phải dự thi 4 môn bắt buộc, nhiều nhất là 8 môn thi và phổ biến sẽ là 5 hoặc 6 môn thi. Với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ năm 2014 về trước) thì số môn thi còn giảm đi, do vậy áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều. Thí sinh và gia đình, xã hội sẽ giảm được chi phí cho kỳ thi.
Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi bao gồm các câu hỏi ở mức độ từ dễ đến khó, đáp ứng yêu cầu cơ bản, phù hợp với hầu hết thí sinh (phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp) và yêu cầu nâng cao để phân hóa trình độ thí sinh (phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ).