Thi Hóa học THPT quốc gia: Chắc lý thuyết là đạt 5-6 điểm

Từ đề thi minh họa môn Hóa học kỳ thi THPT quốc gia, cô Vũ Thị Lanh – Giáo viên Trường THPT Đỗ Huy Liêu (Nam Định) – nhận định: Học sinh học tốt lí thuyết là có thể chắc chắn được 5 – 6 điểm.

Đề thi yêu cầu học sinh vận dụng linh hoạt kiến thức

Theo cô Lanh, cấu trúc đề thi minh họa môn Hóa học Bộ GD&ĐT công bố tương tự đề thi ĐH khối A năm 2014, bám sát cấu trúc đề thi đã ban hành và áp dụng.

Đề thi có sự phân khúc mức độ rõ ràng do mục tiêu, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia. Số lượng câu hỏi dễ tăng lên, trong đó có những câu rất dễ “nhìn là biết”; đồng thời số câu hỏi khó tăng lên, thậm chí có những câu hỏi cực khó như câu 21,câu 25, câu 49… để phân loại thí sinh.

Với đề thi này, thí sinh có lực học trung bình khá có thể dễ dàng đạt 4 – 5 điểm, đáp ứng với yêu cầu xét đỗ tốt nghiệp THPT, nhưng muốn đạt điểm 9-10 thì rất khó.

Đề thi minh họa có sự phân bố lệch giữa số lượng câu hỏi lý thuyết và câu hỏi bài tập, số lượng câu hỏi lí thuyết tăng lên (30 câu chiếm 60%), đồng thời tăng số câu hỏi liên quan hóa học với thực tiễn.

Hầu hết các câu hỏi lý thuyết là dễ, xoay quanh những dạng câu hỏi quen thuộc mà học sinh đã gặp nhiều lần, những câu hỏi thực tiễn đưa ra trong những tình huống khá đơn giản. Ngược lại, hầu hết các câu hỏi bài tập đều khó và rất khó…

Với đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia môn Hóa học, cô Vũ Thị Lanh cho rằng, yêu cầu đối với học sinh là không chỉ nắm vững kiến thức giáo khoa mà cần có khả năng tổng hợp, phân tích, biết vận dụng linh hoạt kiến thức vào những tình huống trong đề thi.
Phương pháp giảng dạy phù hợp với phương thức thi mới

Để ôn tập và thi đạt hiệu quả cao, cô Vũ Thị Lanh khẳng định: Cả giáo viên và học sinh đều phải đổi mới phương pháp dạy và học.

Giáo viên cần cung cấp cho học sinh lượng kiến thức sâu và rộng, quan trọng hơn cả là rèn luyện học sinh khả năng tư duy logic, biết phân tích, liên hệ kiến thức, biết vận dụng kiến thức ở mức độ cao.

Muốn vậy, giáo viên phải chuẩn bị một hệ thống bài tập đa dạng, thông minh, luôn đặt cho học sinh những câu hỏi yêu cầu phải lập luận, tổng hợp, nhưng dĩ nhiên là trên nền tảng kiến thức học sinh đã có. Với học sinh chưa có nền tảng kiến thức thì quá trình rèn luyện này chậm hơn và ở mức độ thấp hơn.

Học sinh cần bỏ kiểu tư duy lối mòn, học theo dạng bài và học kiểu phán đoán. Với mỗi phần kiến thức cần tìm hiểu và nắm chắc bản chất của vấn đề, những ứng dụng của phần kiến thức đó với thực tiễn và mối quan hệ giữa các phần kiến thức với nhau. Cần luyện tập và cọ sát nhiều với các đề thi thử để củng cố kiến thức và tạo phản xạ nhanh khi học và làm bài thi.

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*