Khi có chương trình và sách giáo khoa mới, sẽ không còn kỳ thi THPT Quốc gia như năm 2015 nữa.
Theo thiết kế chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới, bậc Tiểu học và THCS có mục đích giáo dục cơ bản, toàn diện. Nhưng lên cấp THPT sẽ định hướng nghề nghiệp.
Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi có SGK mới thì không còn kỳ thi THPT Quốc gia như năm 2015 nữa.
Lúc đó, kỳ thi tốt nghiệp sẽ nằm cuối cấp THCS. Còn cấp THPT chỉ có một kỳ thi để tuyển sinh vào ĐH, CĐ.
Cụ thể, theo chương trình mới ở bậc THPT, ngoài các môn học, sẽ có các chuyên đề học tập để học sinh tự chọn. Nội dung các chuyên đề nhằm đáp ứng nhu cầu khác nhau của học sinh, trang bị cho học sinh một số năng lực, nhất là năng lực đặc thù phù hợp với đặc điểm cá nhân, định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh chuẩn bị học tập giai đoạn giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp có chất lượng.
Hệ thống các chuyên đề học tập được sắp xếp theo các lĩnh vực đào tạo của giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp (khoảng 10 khối ngành) và học sinh sẽ tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động và được chia thành hai loại: Chuyên đề học tập mở rộng nhằm giúp học sinh tiếp tục hoàn thiện hệ thống kiến thức phổ thông cơ bản và chuyên đề học tập nâng cao nhằm giúp học sinh có những hiểu biết chung, khái quát (có tính nhập môn), định hướng nghề nghiệp, học tập lên trình độ cao hơn. Bộ GD-ĐT sẽ công bố danh mục chuyên đề tự chọn cấp trung học phổ thông và tài liệu học tập tương ứng; Sở GD-ĐT sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế – xã hội, các nghề ở địa phương mà xây dựng bổ sung một số chuyên đề học tập phù hợp; số lượng và thành phần các chuyên đề có thể tăng thêm qua các năm học.
Cùng với các môn học và chuyên đề học tập, chương trình mới thiết kế các hoạt động trải nghiệm sáng tạo: học sinh bắt buộc phải tự chọn (gọi là tự chọn bắt buộc), một số hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong mỗi năm học từ lớp 1 đến lớp 12, là hoạt động giúp học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học từ nhà trường và những kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn cuộc sống. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo tập trung hình thành, phát triển các năng lực đặc thù cho học sinh; Năng lực tổ chức hoạt động, năng lực vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết vấn đề thực tiễn, năng lực vượt khó và quản lý cảm xúc, năng lực định hướng và lựa chọn nghề nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động trải nghiệm sáng tạo giúp học sinh hình thành và phát triển các năng lực chung.
Bộ GD-ĐT cho hay, các lĩnh vực của chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm: Ngôn ngữ (Tiếng Việt, ngoại ngữ, tiếng mẹ đẻ/tiếng dân tộc); Toán học; Đạo đức – Công dân; Thể chất; Nghệ thuật; Khoa học tự nhiên; Khoa học xã hội và Nhân văn;Công nghệ.