Tuyển sinh – Để các trường công bố điểm thi THPT quốc gia; rút ngắn mỗi đợt xét tuyển; thí sinh chỉ được nộp tối đa 2 nguyện vọng… là góp ý của lãnh đạo các đại học nhằm khắc phục bất cập trong kỳ thi THPT quốc gia.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và nhiệm vụ năm 2015-2016 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 22/10, việc xét tuyển đại học, cao đẳng từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2015 lại được xới lên.
Ông Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, cho rằng việc ghép thi tốt nghiệp và thi đại học vào thành kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã giúp giảm chi phí, áp lực và tiếp tục giữ vững chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, trong những kỳ thi tiếp theo, ở khâu đăng ký xét tuyển cần có sự phối hợp của các Sở Giáo dục để tránh tình trạng thí sinh, phụ huynh lúng túng.
Theo ông Xê, việc công bố điểm kỳ thi Bộ Giáo dục nên giao cho các trường đại học và Sở để tránh tình trạng tắc nghẽn. Nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sớm hơn, khoảng tháng 6 là hợp lý. Còn về các đợt xét tuyển, đợt 1 nên giữ lại và chỉ cho học sinh nộp ở một trường để tránh tình trạng thí sinh ảo.
Tán đồng với việc tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học của Đại học Quốc gia TP HCM, kiến nghị nên giao quyền tự chủ cho các trường xét tuyển, tạo thuận lợi cho thí sinh. Bộ chỉ đứng ở vai trò quản lý, điều phối chia sẻ dữ liệu thí sinh cho các trường.
Để xét tuyển an toàn, Bộ nên yêu cầu các trường xét từng đợt, thời gian mỗi đợt cần rút gọn xuống còn 12-13 ngày. Thí sinh được cấp 3 giấy báo, mỗi đợt nộp một trường hoặc tối đa 2 nguyện vọng. Sau mỗi đợt công bố kết quả, thí sinh sẽ quyết định nhập học trường nào bằng một tờ giấy để tránh tỷ lệ ảo.
Bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Đại học Luật TP HCM, cũng cho rằng kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa rồi đã đạt được thành công lớn nhưng vẫn còn nhiều khúc mắc. Trong đó, phương án một thí sinh được xét cùng lúc vào 4 ngành khác nhau của một trường là chưa phù hợp. Bộ đang hướng tới việc tạo điều kiện cho thí sinh vào đại học nhưng chưa đảm bảo được vấn đề chọn trường theo năng lực và sở thích của thí sinh.
“Với điểm số, thí sinh sẽ chạy từ ngành này sang ngành khác của nhiều trường. Trong khi đó chúng ta phải hướng nghiệp làm sao cho các em vào học được đúng ngành, đúng trường mà các em muốn”, bà Quỳ chia sẻ và cho rằng về tương lai chúng ta cũng cần xem xét việc bỏ thi tốt nghiệp THPT, chỉ xét công nhận tốt nghiệp và duy trì kỳ thi tuyển sinh đại học.
TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học FPT cho rằng, Việt Nam là số ít quốc gia mỗi năm đến kỳ thi tuyển sinh lại gây sốt, thành vấn đề thời sự, có nghĩa là thi cử đang rất nặng nề. Ông Minh đề xuất, không cần thiết mỗi năm có một kỳ thi quốc gia chung mà có thể thi một lần vào tháng 6, sau vài tháng thi thêm các môn nhằm giảm áp lực cho học sinh. Việc nhập học của sinh viên cũng có thể mở rộng trong cả năm vì đa số trường hiện nay đã đào tạo theo tín chỉ.
“Ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp phổ thông học sinh có một năm tham gia các hoạt động xã hội để biết rõ mình thích gì, còn ở Việt Nam thì học sinh hì hục thi rồi hì hục vào đại học. Các em phải liên tục thi bởi dừng một năm thì năm sau thi sẽ gặp nhiều khó khăn”, Hiệu trưởng Đại học FPT nói.
PGS Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, kiến nghị Bộ Giáo dục nên tổ chức một buổi tổng kết chuyên sâu trước khi quyết định những thay đổi cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Đề thi trong năm tới nên đổi mới theo hướng tích hợp, điều chỉnh ở cấu trúc đề thi phục vụ thi đa mục đích và chủ động cho các trường đại học, cao đẳng.
Đồng tình với hiệu trưởng Đại học FPT Đàm Quang Minh rằng lẽ ra việc thi và tuyển sinh không nên bàn nhiều nhưng năm nào cũng nóng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo ngành Giáo dục cần khẳng định với nhân dân kỳ thi năm tới sẽ kế thừa những ưu điểm và khắc phục những hạn chế, đảm bảo trung thực, nhẹ nhàng cho nhân dân.
Phó thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục cần có cuộc họp riêng để bàn chi tiết, cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không nên ấn định điều gì vội vàng, kể cả ngày thi. Phải làm sao để tách rời thi riêng, tuyển sinh riêng, giao tuyển sinh về cho các trường đại học. Bộ Giáo dục chỉ đưa ra những quy định tối cần thiết, đảm bảo công bằng cho học sinh, tôn trọng quyền tự chủ của các trường.
“Đào tạo mục đích cuối cùng là đảm bảo chất lượng, làm sao chúng ta có thật nhiều thầy mà thầy đúng là thầy, thật nhiều thợ mà thợ đúng là thợ, như vậy mới có thể phát triển đất nước”, Phó thủ tướng khẳng định.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và ý kiến đóng góp của lãnh đạo các trường, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ví von, mỗi người đứng đầu các trường đại học, các Sở Giáo dục đều là các tướng lĩnh, có vai trò quan trọng trong “trận đánh lớn” đổi mới giáo dục. Năm học vừa qua đã khẳng định ngành giáo dục chuyển hướng thành công, chuyển từ tư duy cũ, hành động cũ sang mục tiêu mới bằng cách thức tiếp cận mới.
“Trong vô vàn hạn chế yếu kém bất cập của ngành thì không thể 1-2 năm mà khắc phục được. Hạn chế yếu kém của ngành còn nhiều, nếu giáo dục là việc làm trăm năm thì khắc phục những hạn chế ấy cũng mất nhiều thời gian. Và thời gian dài bao nhiêu tuỳ thuộc vào sự thông minh, dũng cảm, đoàn kết, một lòng của toàn ngành, của thầy cô, học sinh sinh viên, và xã hội”, Bộ trưởng Luận nói.
Năm 2015, lần đầu tiên Bộ Giáo dục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Kỳ thi diễn ra từ ngày 1 đến 4/7 được đánh giá là suôn sẻ, nhưng đến giai đoạn xét tuyển vào đại học, cao đẳng lại có nhiều bất cập.
Theo quy định, có 4 đợt xét tuyển, trong đó đợt 1 kéo dài 20 ngày Bộ cho phép thí sinh được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển cùng lúc 4 nguyện vọng và được phép rút hồ sơ nếu thấy cơ hội đỗ không cao. Cứ 3 ngày một lần các trường phải công khai danh sách thí sinh đăng ký. Hệ quả là vào những ngày cuối cùng của đợt 1, tại nhiều trường tốp trên đã xảy ra hỗn loạn, thí sinh chen lấn để nộp – rút hồ sơ.
Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận sau đó đã phải lên tiếng nhận trách nhiệm về những bất cập trong khâu xét tuyển đại học, cao đẳng.
Hoàng Thuỳ – Nguyễn Loan