Hà Nội phổ biến quy chế thi THPT quốc gia năm 2015

Phổ biến quy chế thi THPT quốc gia 2015 cho thí sinh tại Hà Nội: Về cách thức dự thi thì thực hiện như việc đăng ký dự thi ĐH, CĐ trước đây. Cụ thể, thí sinh đang học lớp 12 thì đăng ký dự thi tại trường THPT của mình. Thí sinh tự do đăng ký tại địa điểm do sở GDĐT quy định.

 Quy chế thi THPT quốc gia 2015:

Nhiều vấn đề ‘nóng’ về kì thi THPT quốc gia 2015 đã được đại diện Bộ GD&ĐT giải đáp cho lãnh đạo các trường THPT ở Hà Nội. Ngày 3/3, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị phổ biến quy chế thi và triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Dự Hội nghị có ông Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT); ông Nguyễn Hữu Độ – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cùng các Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã; Hiệu trưởng các trường THPT, Giám đốc các trung tâm GDTX.

Giải đáp hàng loạt thắc mắc về kì thi THPT quốc gia

Ông Trần Văn Nghĩa cho biết: Thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn về thi THPT quốc gia gửi đến các địa phương. Dự kiến của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ đăng ký dự thi từ ngày 1/4 cho đến ngày 30/4. Như vậy thí sinh sẽ có khoảng 1 tháng để đăng ký dự thi.

Về cách thức dự thi thì thực hiện như việc đăng ký dự thi ĐH, CĐ trước đây. Cụ thể, thí sinh đang học lớp 12 thì đăng ký dự thi tại trường THPT của mình. Thí sinh tự do đăng ký tại địa điểm do sở GDĐT quy định. Các em tự do có quyền đăng ký ở nơi thuận lợi cho việc đi lại.

Pho-bien-quy-che-tuyen-sinh-2015

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh dự thi 4 môn theo quy định như trên và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định.

Một điểm đáng lưu ý của kỳ thi THPT quốc gia là thí sinh được bảo lưu kết quả thi. Cụ thể, thí sinh được phép bảo lưu các môn thi đã đạt 5 điểm trở lên và năm sau không phải thi lại môn đó. Tuy nhiên, việc bảo lưu chỉ áp dụng để xét tốt nghiệp THPT.

 Quy chế xét tuyển đại học, CĐ:

Để xét tuyển sinh đại học, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng. Về việc miễn thi môn ngoại ngữ: Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được Giám đốc Sở GD&ĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.

Học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD&ĐT sẽ được miễn thi (được điểm 10). Tuy nhiên, việc xét miễn thi chỉ áp dụng trong việc xét tốt nghiệp THPT. Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ quyết định việc sử dụng hay không sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Phạm vi đề thi sẽ nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu lớp 12. Các môn thi tự luận gồm Toán, Văn, Lịch sử, Địa lý, thời gian thi là 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi trắc nghiệm trong 90 phút. Riêng môn Ngoại ngữ đang được xem xét và nhiều khả năng sẽ bao gồm cả phần trắc nghiệm và tự luận.

Đề thi sẽ có 2 nhóm câu hỏi. Nhóm 1 đánh giá kiến thức cơ bản và độ khó tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và GDTX các năm trước. Nhóm 2 có tính chất phân hóa thí sinh để xét thi đại học. Đề thi của các môn thi tự luận sẽ có những câu hỏi mở đòi hỏi học sinh biết vận dụng kiến thức liên môn và liên hệ thực tế.  Theo ông Trần Văn Nghĩa, các trường có thể cho học sinh ôn thi như những năm trước, đồng thời tham khảo đề thi tuyển sinh đại học năm 2014.

Một điểm đáng lưu ý của kỳ thi THPT quốc gia là thí sinh được bảo lưu kết quả thi. Cụ thể, thí sinh được phép bảo lưu các môn thi đã đạt 5 điểm trở lên và năm sau không phải thi lại môn đó. Tuy nhiên, việc bảo lưu chỉ áp dụng để xét tốt nghiệp THPT.

Về công tác tổ chức thi:

Kỳ thi sẽ được tổ chức theo cụm và có 2 loại cụm thi. Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh), do trường ĐH chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT. Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với trường ĐH.

Theo dự kiến, Hà Nội sẽ có 8 cụm thi do 8 trường đại học chủ trì phối hợp với Sở. Ông Trần Văn Nghĩa nhận định: Học sinh Thủ đô sẽ có nhiều thuận lợi vì Hà Nội quy tụ nhiều trường đại học uy tín, có hệ thống cơ sở vật chất tốt. Vì vậy, thí sinh không cần đi xa.

Về vật dụng thí sinh được đưa vào phòng thi: Quy định cơ bản giống như quy chế thi đại học năm 2014. Điểm mới của kỳ thi năm nay là cho phép thí sinh mang vào phòng thi Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý (do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì). Thí sinh có thể được mang các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

Tạo điều kiện tốt để thí sinh ôn tập:

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở giáo dục có thí sinh dự thi phải nắm chắc nội dung của Quy chế tuyển sinh 2015 để giải thích cho giáo viên, học sinh. Ngay sau Hội nghị này, các trường THCS, THPT, Trung tâm GDTX cần phổ biến cho tất cả giáo viên nắm rõ quy chế của kỳ thi THPT quốc gia. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra việc phổ biến quy chế tại các nhà trường. Nhiệm vụ của các giáo viên chủ nhiệm là phải thông tin đến học sinh và giải đáp các băn khoăn, vướng mắc cho các em. Ông Độ cũng yêu cầu các trường tiếp tục chú trọng đến công tác dạy học, đồng thời chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên sẵn sàng cho trường hợp trường được chọn làm điểm thi hay yêu cầu coi thi, chấm thi.

Trong trường hợp có nhiều thí sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT, không có nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, Ngành GD&ĐT Hà Nội sẵn sàng tổ chức Hội đồng thi riêng cho các thí sinh này trên tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh. Giám đốc Sở đã yêu cầu các cơ sở giáo dục khảo sát số lượng học sinh chỉ xét tốt nghiệp và thông báo về Sở để có kế hoạch tổ chức thi.

Trước khi tổ chức Hội nghị phổ biến quy chế thi THPT quốc gia 2015, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện kỳ thi này. Theo đó, các trường cần xây dựng kế hoạch để đảm bảo hoàn thành chương trình theo đúng thời gian quy định. Thực hiện dạy đúng, dạy đủ chương trình; bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng, đảm bảo cho học sinh có đủ điều kiện dự thi. Tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo học sinh, học viên có học lực yếu kém, học sinh nước ngoài, thí sinh tự do xin ôn tập.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã yêu cầu các trường hướng dẫn học sinh nắm vững các kiến thức, tránh học tủ, học vẹt; học theo hướng hiểu để phân tích, bình luận và dành nhiều thời gian cho việc tự học.

Các trường cần phổ biến cho học sinh kỹ năng khi làm bài, đảm bảo cho học sinh có đủ kỹ năng dự thi, đặc biệt là kỹ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Đồng thời thông báo cho cha mẹ học sinh nắm rõ tình hình học tập của học sinh, đặc biệt là những học sinh có học lực yếu, kém có thể không đủ điều kiện dự thi. Phối hợp với cha mẹ học sinh để tạo điều kiện tốt cho việc học, ôn tập của học sinh.

 

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*