Sẽ là bi kịch của gia đình nếu sinh viên sư phạm yếu kém không xin được việc; nếu xin được lại trở thành bi kịch của nền giáo dục.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Quang (Hà Nội) chia sẻ về việc điểm chuẩn trường sư phạm thấp và đưa ra giải pháp để nâng cao chất lượng giáo viên.
Điểm vào các trường sư phạm thấp chưa từng thấy, thấp đến mức người ta nghi ngờ liệu các “thầy cô tương lai” có đủ năng lực để học đại học hay không. Thấp đến mức người ta khắc khoải lo lắng cho tương lai của cả một thế hệ học sinh sắp tới. Vì đâu nên nỗi?
Tôi có cô em họ ở quê, năng lực làng nhàng, để “chạy” làm giáo viên Vật lý ở một trường THPT, gia đình phải đầu tư 300 triệu đồng mà vẫn không vào nổi. Một cô khác, muốn “chạy” làm cô giáo mầm non cũng hết 200 triệu đồng. Chi phí xin việc tại các trường học đang dần trở thành gánh nặng với nhiều gia đình có con em theo ngành sư phạm.
Dễ hiểu khi đầu vào các trường như công an và quân đội rất cao, vì sinh viên tốt nghiệp không phải lo tìm việc. Với những trường kinh tế, kỹ thuật như Đại học Ngoại thương hay Đại học Bách khoa, cơ hội công việc rất nhiều.
Học sư phạm, đi đâu? Sinh viên sư phạm buộc phải neo bám vào các trường học, mà cơ hội thì thực sự không nhiều. Với cơ chế hiện nay, thi thoảng mới có giáo viên nghỉ hưu – cơ hội nghề nghiệp chủ yếu nằm ở các khu vực vùng cao, vùng xa thừa gian khổ và thiếu thu nhập. Điều đó kết hợp với hiện tượng thiếu minh bạch trong tuyển giáo viên – chủ yếu trong hệ thống công lập – khiến con đường nghề nghiệp của giáo viên trở nên khó khăn và bấp bênh hơn.
Nếu may mắn ra trường có việc, giáo viên hiện nay về cơ bản có mức lương thấp hơn so với các ngành nghề khác. Một gia đình bốn miệng ăn chỉ trông chờ vào thu nhập của một thầy/cô giáo thì… không đủ sống ở mức tối thiểu. Mức lương của thạc sĩ ở một đại học giữa Hà Nội có thể chỉ tương đương hoặc thấp hơn mức lương của sinh viên mới ra trường ở một công ty tư nhân.
Với những bất cập đó, các gia đình có con em học “được được” thường tránh trường sư phạm. Đại học với phần lớn gia đình, vẫn chỉ là con đường để kiếm được công việc tốt về sau. Khi cơ hội việc làm trở nên mờ nhạt hơn ở các trường sư phạm, học sinh giỏi sẽ bỏ qua, kể cả với mức học phí 0 đồng.
Vấn đề cốt lõi không phải đầu vào sinh viên sư phạm như thế nào, mà là chất lượng đầu ra. Tôi tin vẫn có một số lượng nhỏ những “thầy giáo tương lai” với điểm đầu vào 15,5 trong năm nay sẽ nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn ban đầu và trở thành những giáo viên giỏi. Nhưng phần đông còn lại, họ sẽ đi đâu?
Nếu họ xin được việc, đó sẽ là bi kịch của nền giáo dục. Mợ tôi làm giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội kể chuyện, một cô giáo dạy toán lớp 4 ở trường khăng khăng đề toán “tìm diện tích hình vuông khi biết một cạnh bằng 2” là không đủ dữ liệu. Câu chuyện này cũng khớp với chia sẻ của một thầy giáo về “hòn đảo tạo muối” giữa biển khơi. Một thầy giáo dốt, chắc chắn sẽ không thể khai sáng được tài năng của những thế hệ tương lai.
Nếu họ không xin được việc, đó sẽ là bi kịch của họ và gia đình. Hơn 4 năm học đại học là khoảng thời gian dài, là sự hy sinh cơ hội và tài chính của gia đình và xã hội. Đó là nỗi đau và sự mất mát. Đó là một bài toán, mà giải theo cách nào đi nữa, xã hội vẫn sẽ thua thiệt.
Vậy, hướng đi nào cho ngành sư phạm? Theo tôi, trước hết cần minh bạch hóa quá trình tuyển giáo viên trong trường học, đặc biệt là trường thuộc khối công lập.
Thứ hai, cần minh bạch về chất lượng giáo viên thông qua hệ thống đánh giá khách quan, ví dụ yêu cầu giáo viên tiếng Anh phải đạt ít nhất 6.0 IELTS. Những giáo viên không đạt chuẩn phải được đào tạo lại, một mặt nâng cao chất lượng đội ngũ hiện tại, mặt khác tạo nguồn học viên cho các trường sự phạm. Những giáo viên không thể đạt chuẩn tối thiểu phải được đưa ra khỏi hệ thống vì yêu cầu tối thiểu nhất của giáo viên chính là chuyên môn. Điều này sẽ tạo ra không gian cho những giáo viên có năng lực hơn tham gia vào hệ thống đào tạo.
Thứ ba, cần tìm cách nâng cao thu nhập chính đáng cho giáo viên, mức thu nhập giúp họ yên tâm giảng dạy và nghiên cứu. Điều này sẽ tạo sức hút cho đầu vào các trường sư phạm.
Đó là giải pháp lâu dài, còn trước mắt, tôi nghĩ các trường sư phạm nên giảm số lượng tuyển sinh để tập trung vào chất lượng. Với nguồn lực hiện có, sẽ tốt hơn nếu các trường đào tạo chỉ 50 giáo viên giỏi so với 1.000 giáo viên dốt. Đây vừa là tiết kiệm cho xã hội, vừa là xây dựng uy tín cho nhà trường. Vì với số lượng sinh viên ít hơn và chất lượng hơn, tỷ lệ xin việc làm và đóng góp cho xã hội của giáo viên sẽ là rất cao.
Đó là việc làm, dù đau đớn, nhưng hữu ích cho xã hội. Một việc làm cao thượng.
Mùa tuyển sinh 2017, trừ hai đại học lớn là Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TP HCM có điểm chuẩn cao, phần đông trường địa phương lấy điểm trúng tuyển ngành sư phạm bằng hoặc hơn một chút so với mức sàn 15,5 của Bộ Giáo dục.
Đại học Hồng Đức (công lập, tỉnh Thanh Hoá) 10/10 ngành Sư phạm lấy điểm chuẩn xét theo kết quả thi THPT quốc gia là 15,5. Đại học Hùng Vương (công lập, tỉnh Phú Thọ) 8/10 ngành đào tạo sư phạm có điểm trúng tuyển 15,5.
Trường vùng miền có “thương hiệu” như Đại học Vinh (tỉnh Nghệ An), điểm chuẩn nhóm Sư phạm Tự nhiên và Sư phạm Xã hội chỉ là 15,5, trừ Giáo dục tiểu học. Đại học Sư phạm Huế 10/15 mã ngành lấy bằng điểm sàn quy đổi. Sư phạm Thái Nguyên có 6/14 ngành lấy điểm chuẩn 15,5.
Nhiều trường cao đẳng sư phạm lấy điểm chuẩn đầu vào chỉ là 9, tức trung bình mỗi môn chỉ 3 điểm.
>> PGS VĂN NHƯ CƯƠNG: ‘ĐIỂM CHUẨN SƯ PHẠM PHẢI CAO HƠN MỨC SÀN’