Thầy Cương cho rằng không thể bằng mọi giá tuyển người học kém vào đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục nên quy định điểm sàn riêng cho ngành.
Theo dõi điểm chuẩn các đại học, cao đẳng sư phạm năm 2017, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) bày tỏ: “Đại học Sư phạm mà lấy điểm trúng tuyển bằng sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cao đẳng tuyển cả thí sinh 3 điểm mỗi môn để đào tạo giáo viên thì hết sức lo ngại”.
PGS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: Quỳnh Trang. |
Thầy Cương phân tích, Việt Nam đang chuẩn bị cho công cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục, giáo viên là lực lượng xung kích, nòng cốt. Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ trong nhiều hội nghị cũng nhấn mạnh “để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên”.
Đội ngũ giáo viên tốt thì công cuộc đổi mới giáo dục sẽ thắng lợi, ngược lại đội ngũ này không đáp ứng được yêu cầu thì sẽ thất bại. “Ra trận mà lính yếu ớt thì còn đánh được ai. Đầu vào trường Sư phạm thấp thì đầu ra cũng không thể cao được”, thầy Cương nói.
Cựu giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội này cho biết, trước kia vào trường Sư phạm không dễ dàng như thế. Có những năm khoa Toán nơi thầy công tác lấy 27 điểm đầu vào, các khoa khác từ 22 điểm trở lên. Cao đẳng Sư phạm cũng là trường có giá, học sinh giỏi mới đỗ.
Điểm chuẩn ngành Sư phạm ngày một thấp, năm nay có trường lấy 9-10 khiến thầy Cương ra yêu cầu với trường Lương Thế Vinh “từ giờ tuyển giáo viên phải xem cả điểm đầu vào đại học”.
Ba nguyên nhân khiến ngành Sư phạm lấy điểm chuẩn thấp
PGS Văn Như Cương chỉ ra ba nguyên nhân chính khiến điểm chuẩn ngành Sư phạm lao dốc. Đầu tiên là tâm lý thế hệ trẻ không chuộng ngành sư phạm do ít năng động, nhiều quy tắc. Thứ hai do lương giáo viên thấp, không đủ nuôi gia đình. Trừ một số thầy cô giỏi dạy thêm môn Toán, Văn, tiếng Anh, các giáo viên môn Lịch sử, Thể thao… bị phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập ở trường học.
Thứ ba, tình trạng thừa giáo viên diễn ra phổ biến. Bộ Giáo dục từng đưa thông tin bỏ biên chế trong ngành khiến dư luận càng hoang mang. Dù mới đây Thủ tướng khẳng định, đây chưa phải chủ trương của Nhà nước, nhưng tương lai có bỏ biên chế ngành giáo dục vẫn là điều khiến nhiều người lo âu học sư phạm ra không có công việc ổn định.
“Vì sao trong lúc cả nước thừa hơn 26.000 giáo viên mà các trường Sư phạm vẫn tuyển mới hàng chục nghìn chỉ tiêu”, PGS Văn Như Cương đặt câu hỏi. Số liệu được Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga công bố trong họp báo ngày 24/3, tổng chỉ tiêu năm 2017 của các trường sư phạm là 52.000.
Nguyên nhân khiến các đại học, cao đẳng sư phạm bất chấp thực tế thừa giáo viên vẫn tuyển nhiều chỉ tiêu, chấp nhận học sinh được 2-3 điểm, theo thầy Cương, là đáp ứng nhu cầu việc làm cho đội ngũ giảng viên và giải quyết bài toán kinh tế cho trường.
Nên giảm trường Sư phạm
“Tuyển sinh sư phạm không nên phụ thuộc số lượng chỉ tiêu, lấy điểm chuẩn thấp để có nhiều sinh viên. Cái quan trọng của tuyển sinh sư phạm là làm thế nào để có được đội ngũ người học sau khi ra trường trở thành giáo viên có chất lượng. Từ mục tiêu đó, chúng ta đặt ra mức điểm chuẩn, tuyển được bao nhiêu sinh viên thì dạy bấy nhiêu”, thầy Cương chia sẻ.
Nhà giáo dục này cho rằng, dù tuyển ít sinh viên nhưng trường sư phạm vẫn có nhiều việc làm, đặc biệt khi tới đây Việt Nam áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới. Trường sư phạm khi đó nên làm công việc chính là đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện có để đáp ứng chương trình mới, tiêu chuẩn mới.
Mỗi khóa bồi dưỡng này không nên chỉ kéo dài trong dịp hè như hiện nay mà cần lâu hơn, bài bản, nghiêm túc, có kiểm tra, thi đánh giá chất lượng, cấp chứng chỉ. Do còn thừa quá nhiều giáo viên nên việc luân chuyển một số thầy cô tham gia khóa bồi dưỡng, các trường cũng không bị thiếu người dạy.
PGS Văn Như Cương cũng đề xuất, giảm số lượng trường sư phạm, không cần thiết mỗi địa phương có một trường. Về lâu dài, các đại học sư phạm nên là nơi đào tạo tất cả đội ngũ giáo viên.
Nhắc lại danh ngôn Một thầy thuốc tồi có thể giết chết vài bệnh nhân, một vị tướng tồi có thể giết chết một đạo quân, nhưng một thế hệ thầy giáo tồi sẽ làm hỏng cả một dân tộc, thầy Cương cho rằng nhất quyết không thể để người học kém vào đào tạo giáo viên. Bộ Giáo dục nên quy định điểm sàn riêng cho các trường Sư phạm và mức này phải cao hơn điểm sàn chung.
Giải quyết những nguyên nhân ngành Sư phạm ít học sinh đăng ký, tăng đãi ngộ cho người học, giáo viên, PGS Văn Như Cương tin rằng, ngành sẽ thu hút được sinh viên giỏi.
Nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, GS.TS Đinh Quang Báo cho rằng “3 điểm mỗi môn đỗ ngành sư phạm là không thể chấp nhận”. Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định “những ngành có điểm đầu vào thấp thì chất lượng giáo dục cũng thấp”. GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nên đặt ngưỡng điểm sàn riêng, cao hơn cho ngành Sư phạm. |
>> THÔNG BÁO XÉT NVBS ĐỢT 1 TRƯỜNG ĐH CÔNG NGHIỆP TP.HCM 2017