“Về nước, có tiếc không?”

Tuyển Sinh – “…Hãy cất những gì mình biết, học được vào túi, và quan sát, học lại từ đầu những gì đang diễn ra. Thời gian sẽ giúp trả lời xem có những gì mình có thể áp dụng được”, một DHS tốt nghiệp ĐH Truman State (Mỹ), đang làm việc ở một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới tại Việt Nam chia sẻ tới báo Dân trí

Đi tiếp hay về?

Có lẽ với bất kỳ một du học sinh nào, câu hỏi trên là một trong những câu hỏi ám ảnh nhất phải trả lời cứ mỗi dịp kết thúc năm học. Và với mình, đây cũng là câu hỏi mình đã phải tra tấn bản thân nhiều nhất từ những năm đầu, đặc biệt là năm cuối của đại học. Lựa chọn về Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp ở Mỹ, với mình, là một lựa chọn không dễ dàng.

Bạn chắc đã xem “Ai là triệu phú?” Khi đến một mức câu hỏi nào đó, sẽ có lựa chọn hoặc dừng cuộc chơi, bảo toàn số tiền mình đã dành được, hoặc đi tiếp, chinh phục một nấc câu hỏi cao hơn, tuy nhiên nếu sai bạn phải chịu mất đi một phần số tiền bạn đã vất vả có được.

Trong một cuộc chơi mang tính vui vẻ, với tinh thần học hỏi và cọ xát, nhiều người sẽ nghĩ theo hướng không có gì để mất, sẽ dễ chọn phương án chơi tiếp. Tuy nhiên, việc “ở lại hay về” lại không đơn thuần chỉ là một trò chơi.

Bên cạnh những người ở lại tiếp tục chinh phục những thử thách mới, một số người, không chấp nhận rủi ro trước câu hỏi khó, họ dừng cuộc chơi này để lao vào cuộc chơi khác mà ở đó họ nắm chắc phần thắng, dù phần thưởng có thể là nhỏ hơn với người khác, nhưng mà đủ lớn đối với họ.

ve-nuoc-co-tiec-khong

Được và mất

Lựa chọn trở về Việt Nam là một lựa chọn có nhiều cái mất. Mất cơ hội đạt được giấc mơ Mỹ là cái mất to nhất. Đã là du học sinh, ở Hoa Kỳ, chắc hẳn không ít lần bạn có nghĩ đến việc đạt được giấc mơ Mỹ mà lịch sử đã cho thấy hàng triệu triệu người từ khắp nơi trên thế giới phấn đấu từ đời cha đến đời con để không ngừng hòa nhập, vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao trong tri thức, sự nghiệp và văn minh nhân loại.

Tất nhiên, con đường để ở lại vẫn còn cực nhiều chông gai, nhưng khi bạn đã dành đến 4-5 năm du học, và hòa nhập với văn hóa, bạn có một cơ hội để phấn đấu ở lại. Nói như Eminem, bạn có 1 lần trong đời để thử, vậy bạn sẽ thử chứ, hay để nó vuột mất?

Tuy nhiên, nếu ở lại Mỹ, bạn cũng sẽ mất rất nhiều thứ, và đây chính là cái được nếu bạn trở về. Quê hương bạn đang thay đổi, hội nhập hàng ngày, mà ở đó hiện khác xa với cái hồi bạn còn học trong trường cấp ba. Một vài chuyến bay, ba bốn cuộc café mùa hè không rõ có đủ khiến cho bạn xua đi cảm giác mình vẫn chỉ đang ở trọ, dạo chơi trên quê hương mình không?

Lúc du học, mình được quyền dạo chơi trên cả hai nơi, hè về Việt Nam thì du, sang Mỹ thì học, tuy nhiên chẳng hẳn đã biết đến đầu đến đũa những gì đang diễn ra và sắp diễn ra với nơi mà mình đang ở. Nhiều khi đầu óc thì ở bên này, trái tim lại nghĩ về bên kia và ngược lại. Ý của mình là, một khi ra trường, để thành công, bạn thật sự phải quyết tâm chiến đấu với thực tế đang diễn ra tại xã hội mà đầu óc và con tim mình thực sự muốn là một phần của nó.

Đây cũng chính là cơ sở cho chọn lựa của mình, sau muôn vàn lần cân nhắc được mất, hỏi đi hỏi lại và tham khảo các ý kiến, quan điểm khác nhau. Khát vọng giấc mơ Mỹ trở thành người quốc tế không đủ lớn bằng việc về Việt Nam khám phá, tìm hiểu và “học lại” văn hóa mà mình đã xa cách trong một thời gian quá dài.

Hơn nữa, gia đình mình cũng đã hy sinh rất nhiều trong 5 năm, và với việc phải đầu tư lớn thời gian và tiền bạc với một cuộc chơi mình không nắm chắc phần thắng, mình quyết định trở về Việt Nam. Đó là khoảng thời gian 1,5 năm khó khăn, liên tục tranh đấu với bản thân tới tận lúc đặt vé máy bay để đưa ra một trong những quyết định lớn nhất của cuộc đời. Và cuối cùng, mình đã chọn trở về luôn sau khi tốt nghiệp.

Về có tiếc không?

Cái này là bí mật quân sự, không nói. Đùa chứ mình nghĩ câu này có lẽ phải 10 năm hỏi lại mới biết được. Một trong những bài học thú vị mình rút ra là dường như cỏ bên kia đồi lúc nào trông cũng xanh hơn, nhưng khi sang đồi bên đấy rồi có khi ăn cũng chả ngon. Kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài là đáng quý và sẽ rất tốt để bạn tích lũy cho bản thân. Nên đứng bên Việt Nam nhìn sang, “tiếc” thì cũng “tiếc”.

Tuy nhiên đến giờ, mình không hối hận vì đã về Việt Nam. Mình hiểu được mình đã từ bỏ giấc mơ Mỹ, tuy nhiên cái mình được là “thực tế Việt”, điều mà hồi ở bên kia, mình cũng có mơ về.

Khó khăn của du học sinh là sự khác biệt về văn hóa, trở ngại để thích nghi với một môi trường còn thiếu chuẩn mực như Việt nam. Ở Mỹ mọi thứ đều khá chuẩn mực, và họ vẫn đang cố gắng vươn lên những chuẩn mực cao hơn.

Ở Việt Nam, trở ngại là những chuẩn mực mà các nước khác đã giải quyết xong từ trước. Vậy không thể áp dụng mọi thứ từ nước ngoài áp vào Việt Nam được, vì điều kiện mỗi nơi một khác. Thực tế Việt Nam, sự am hiểu thị trường là thứ mà các du học sinh đều thiếu.

Một câu quan trọng mà mẹ mình khuyên là: “Hãy cất những gì mình biết, học được vào túi, và quan sát, học lại từ đầu những gì đang diễn ra. Thời gian sẽ giúp trả lời xem có những gì mình có thể áp dụng được”. Có lẽ đây là kim chỉ nam của mình khi mới về, và mình vẫn sống có nghĩa.

Lệ Thu (ghi)

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*