Tuyển sinh – Nơi gốc rễ, nơi đào tạo đội ngũ giáo viên mà không đi trước, không dẫn lối chỉ đường thì còn lâu nữa giáo viên phổ thông của ta mới theo kịp cái mới.
Có thể nói, trong thời gian qua, hàng loạt đợt tập huấn, bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học, về sử dụng công nghệ thông tin, về đổi mới công tác quản lý giáo dục, về các hội thi, cuộc thi…được tổ chức rầm rộ, thường xuyên hơn ở bậc giáo dục phổ thông.
Thiết kế giáo án và thực hiện dạy học tích hợp liên môn là một điểm mới đáng chú ý nhất. Nó được xác định như chìa khóa để thay đổi căn bản và toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh của nhà trường.
Mục đích hướng tới của Bộ GD&ĐT rất rõ ràng, là để thầy cô giáo làm quen, thích nghi dần với cách tiếp cận dạy học mới, phát huy tối đa năng lực của người học và đến năm học 2018-2019 sẽ cho triển khai đại trà, đồng bộ bằng chương trình, nội dung, sách giáo khoa mới.
Thực tế cho thấy, một số thầy cô giáo đã thật sự thành công khi thiết kế và dạy học theo hướng tích hợp liên môn.
Trong một khoảng thời gian ngắn, từ 1 đến 2 tiết xong học sinh được củng cố, cung cấp và vận dụng lượng kiến thức liên quan khá nhiều, trải rộng từ môn này đến môn khác.
Tuy nhiên, việc thiết kế giáo án và thực hiện dạy học liên môn hiện nay đang gặp không ít khó khăn, thách thức đối với giáo viên.
Thầy Nguyễn Văn Minh- Phó hiệu trưởng Trường THPT số 1 Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) nhận xét:
“Về mặt lý thuyết thì dạy tích hợp là rất hay, giúp các em học sinh hình thành và phát triển những năng lực cần thiết, trong đó có năng lực vận dụng kiến thức để giải quyết có hiệu quả các tình huống thực tiễn. Nhưng về nhận thức và quá trình thực hiện của giáo viên có phần hạn chế.”
“Không chỉ giáo viên lớn tuổi mà cả những giáo viên trẻ vẫn còn mơ hồ về vấn đề này. Lâu nay, tại môi trường sư phạm, giáo viên cũng chỉ được đào tạo đơn môn chứ không tích hợp liên môn nên gây khó khăn trong quá trình thực hiện”, ông Minh khẳng định.
Cô Nguyễn Thị Lê Minh, dạy bộ môn Hóa, một trường THPT thuộc thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết:
“Bản thân tôi đã tham gia thi soạn giáo án tích hợp do Sở GD&ĐT tổ chức. Khi thiết kế những bài học tích hợp liên môn tốn rất nhiều công sức, thời gian.
Giáo viên phải tổng hợp, tìm hiểu kiến thức của rất nhiều môn học khác. Một bài giảng tích hợp hàm chứa rất nhiều kiến thức liên quan đến nhiều môn học khác nhau, nhưng thời lượng của một tiết học cũng chỉ gói gọn trong 45 phút là chưa phù hợp với thực tế.
Hơn nữa, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có sách giáo khoa nên giáo viên phải tự nghiên cứu và làm quen với phương pháp dạy mới này dẫn đến việc mỗi nơi làm một kiểu.”
Thầy Trần Văn Tâm – Hiệu trưởng, Trường Nguyễn Văn Xiện (Kiên Giang) chỉ rõ thêm nguyên nhân:
“Đến nay, về phía, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có sách giáo khoa cụ thể mang tính tích hợp. Gần như tất cả giáo viên chưa kinh qua đào tạo các phương pháp dạy học tích hợp. Có chăng chỉ được tập huấn vài ba buổi nên tính hiệu quả chưa cao, do làm việc theo nhận thức, hiểu biết cá nhân.
Một số giáo viên lại do hạn chế về kiến thức, phương pháp, ngại tìm hiểu nên không phát hiện ra được những bài, nội dung cần tích hợp.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều giáo viên lạm dụng việc tích hợp dẫn đến không đi vào trọng tâm của bài học…”
Là người trong cuộc, từng dạy học tích hợp liên môn, tôi thiết nghĩ, trên thực tế, tích hợp liên môn không khó để thực hiện, chỉ những bài có nội dung liên quan thì mới tích hợp liên môn.
Tuy vậy, để có những tiết dạy học đạt hiệu quả, mục tiêu đặt ra, nó yêu cầu, đòi hỏi người thầy, người cô giáo phải đầu tư nhiều, đọc trước chương trình và hiểu về cuộc sống. Chỉ những giáo viên có tâm và có tầm thì mới thực hiện tốt.
Sắp tới đây, khi thực hiện đại trà chương trình mới, sách giáo khoa mới, nhiều môn học được sắp xếp, viết lại theo hướng tích hợp, liên môn như môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Công dân với Tổ quốc… thì yêu cầu dạy học tích hợp là bắt buộc ở tất cả bậc phổ thông. Khó khăn, cực nhọc, áp lực đối với giáo viên là rất lớn.
Thời gian đến đó không còn nhiều, trong hoàn cảnh cuộc thi, công việc mang tính chất tập dượt, thử nghiệm về dạy học tích hợp liên môn tại nhà trường chưa cho ra hiệu quả rõ rệt, nhiều giáo viên còn mơ hồ, hoang mang…
Đổi mới cách dạy học ở bậc phổ thông không thể không đổi mới cách thiết kế giáo trình, cách dạy- học ở các trường đào tạo sư phạm. Các trường sư phạm cần tiệm cận ngay với cách đào tạo giáo viên dạy đa môn, dạy học tích hợp liên môn.
Nơi gốc rễ, nơi đào tạo đội ngũ giáo viên mà không đi trước, không dẫn lối chỉ đường thì còn lâu nữa giáo viên phổ thông của ta mới theo kịp cái mới.
Công việc cấp bách, Bộ GD&ĐT sớm xây dựng giáo án dạy tích hợp liên môn cụ thể, các Sở GD&ĐT cần nhân rộng những bài giảng đạt giải của giáo viên trong các cuộc thi soạn giáo án tích hợp liên môn trong những năm qua thành bài dạy mẫu và công tác tập huấn, bồi dưỡng được tổ chức một cách căn cơ, bài bản, huy động, bắt buộc mọi giáo viên tham gia.
Cách bồi dưỡng, tập huấn hiện nay thường giao lại các giáo viên cốt cán đã đi học rồi về trường tổ chức bồi dưỡng đại trà, xem ra không ổn, bị rơi rớt, cắt xén gần hết, giáo viên trực tiếp dạy học chẳng hiểu biết và vận dụng được mấy.
Điều quan trọng bậc nhất của phương pháp dạy học mới này, nằm ở trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ thầy cô giáo. Giáo viên phải có kiến thức rộng và vững, khả năng liên hệ và xâu chuỗi kiến thức cũng như kỹ năng đề ra biện pháp để giải quyết vấn đề.
Do đó, chính sách nhà nước và khả năng quản lý của nhà trường cần có những biện pháp động viên, hỗ trợ thiết thực để đánh thức bầu nhiệt huyết ở mỗi thầy, cô giáo.
Đỗ Tấn Ngọc