Trường ĐH Tôn Đức Thắng điều chỉnh tên gọi giáo sư của trường

Tuyển Sinh – Trường ĐH Tôn Đức Thắng vừa công bố điều chỉnh nội dung hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình, hồ sơ đề nghị xét và bổ nhiệm chức vụ chuyên môn của trường. Tên gọi các chức vụ chuyên môn gồm: Giáo sư trợ lý, Giáo sư dự bị, Giáo sư thực thụ.

truong-dh-ton-duc-thang-dieu-chinh-ten-goi-giao-su-cua-truong

Theo đó, trường có hai bộ tiêu chuẩn cho ứng viên chuyên giảng dạy và ứng viên chuyên nghiên cứu khoa học. Ứng viên phải chọn một trong hai ngạch khi đệ đơn. Ở mỗi ngạch, nhà trường bổ nhiệm hay đề bạt ba chức vụ: Giáo sư trợ lý (Assistant Professor); Giáo sư dự bị (Associate Professor); Giáo sư thực thụ (Full Professor).

Ngoài ra, trường còn có một chức vụ Giáo sư xuất sắc (Distinguished Professor) dành cho các nhà khoa học có những đóng góp quan trọng cho chuyên ngành tầm quốc tế và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của trường.

Ở ngạch giảng dạy, thì tiêu chuẩn cho Giáo sư trợ lý là giảng dạy đại học sau 2 năm; hướng dẫn thành công 2 luận văn thạc sĩ; 1 giáo trình hoặc 1/3 sách đã xuất bản. Có 3 bài báo tác giả chính trên tạp chí quốc gia do Hội đồng xét duyệt quyết định; có 2 bài ISI (1 tác giả chính), hoặc 2 bài Scopus (1 tác giả chính) đối với khối ngành kinh tế, xã hội.

Tiêu chuẩn cho Giáo sư dự bị là giảng dạy đại học sau 5 năm; hướng dẫn thành công 4 luận văn thạc sĩ; 1 sách chuyên khảo có chỉ số xuất bản. Công bố 5 bài báo tác giả chính trên tạp chí quốc gia do Hội đồng xét duyệt quyết định; công bố 5 bài ISI (3 tác giả chính), hoặc 5 bài Scopus (3 tác giả chính) đối với khối ngành kinh tế, xã hội; chủ trì 1 đề tài nghiên cứu FOSTECT hoặc cấp Sở hoặc cấp Bộ. Ngoài ra còn có đóng góp cho chuyên ngành, Việt Nam và nhà trường.

Tiêu chuẩn cho Giáo sư thực thụ là giảng dạy đại học sau 8 năm; hướng dẫn thành công 2 luận án tiến sĩ; 2 sách chuyên khảo có chỉ số xuất bản. Công bố 10 bài tác giả chính trên tạp chí quốc gia do Hội đồng xét duyệt quyết định; 10 bài ISI (7 tác giả chính), hoặc 5 bài ISI (3 tác giả chính) và 5 bài Scopus (3 tác giả chính) đối với khối ngành kinh tế, xã hội; Chủ trì 2 đề tài nghiên cứu FOSTECT hoặc cấp Sở hoặc cấp Bộ; Chủ trì 1 đề tài nghiên cứu cấp quốc gia. Đóng góp cho chuyên ngành, Việt Nam và nhà trường như phản biện ít nhất 1 tạp chí ISI hoặc Scopus…

Ở ngành nghiên cứu thì những tiêu chuẩn chung cũng giống như những tiêu chuẩn chung của ngạch giảng dạy. Trong đó, tiêu chuẩn cho Giáo sư trợ lý thì phải công bố 4 bài ISI (3 tác giả chính), hoặc 2 bài ISI (1 tác giả chính) đối với khối ngành kinh tế, xã hội; số trích dẫn khách quan theo ISI: 12 (hoặc 06 đối với khối ngành kinh tế, xã hội) …

Tiêu chuẩn cho Giáo sư dự bị là phải giảng ít nhất 3 lớp và hướng dẫn thành công 2 thạc sĩ và 1 tiến sĩ. Công bố 10 bài ISI (7 tác giả chính), hoặc 5 bài ISI (3 tác giả chính) đối với khối ngành kinh tế, xã hội; số trích dẫn khách quan theo ISI: 30 (hoặc 15 đối với khối ngành kinh tế, xã hội); chủ trì 1 đề tài nghiên cứu FOSTECT hoặc cấp Sở hoặc cấp Bộ….

Tiêu chuẩn cho Giáo sư thực thụ là giảng ít nhất 5 lớp; hướng dẫn thành công 4 thạc sĩ và 2 tiến sĩ. Công bố 20 bài ISI (15 tác giả chính), hoặc 10 bài ISI (7 tác giả chính) đối với khối ngành kinh tế, xã hội; số trích dẫn khách quan theo ISI: 60 (hoặc 30 đối với khối ngành kinh tế, xã hội); xuất bản một chương sách quốc tế (không kể chương sách từ các kỷ yếu hội thảo khoa học); chủ trì 2 đề tài nghiên cứu FOSTECT hoặc cấp Sở hoặc cấp Bộ và 1 đề tài nghiên cứu cấp quốc gia…

Tiêu chuẩn cho Giáo sư xuất sắc: hướng dẫn thành công 8 luận văn thạc sĩ và 4 luận án tiến sĩ. Chứng tỏ là một nhà khoa học hàng đầu trên thế giới, nằm trong top 1% trong chuyên ngành trên thế giới…

Trước đó tên gọi “chức vụ chuyên môn của trường” gồm: Trợ lý giáo sư, Phó giáo sư, Giáo sư, Giáo sư xuất sắc. Điều này nhận được nhiều ý kiến phản ứng, không đồng tình vì dễ gây nhầm lẫn với chức danh giáo sư, phó giáo sư của Hội đồng chức danh giáo sư của nhà nước. Tuy nhiên sau khi nhà trường điều chỉnh thì các chức danh “Phó giáo sư”, “Giáo sư” của trường không còn nữa.

Theo nhà trường, việc đưa ra các tiêu chuẩn này là để chuẩn bị cho bước phát triển kế tiếp, nhà trường chủ trương tuyển dụng nhân sự xuất sắc trên khắp thế giới về làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại trường.

Mục tiêu của đề bạt các chức vụ chuyên môn của trường là nhận dạng những giảng viên và nhà khoa học có tiềm năng lớn; ghi nhận và trả thu nhập, chế độ cho ứng viên vì những đóng góp xuất sắc cho giảng dạy, nghiên cứu khoa học, xã hội và nhà trường; xây dựng sự nghiệp hàn lâm cho giảng viên và nhà khoa học phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Lê Phương

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*