Góp ý thi 2016: Thời gian thi sớm, thầy và trò đều than khó

Tuyển sinh – Theo dự kiến kỳ thi THPT Quốc gia 2016 sẽ bắt đầu vào giữa tháng 6/2016. Dù Bộ GD-ĐT chưa ấn định về thời gian, tuy nhiên nhiều em học sinh khối 12 và giáo viên đang dạy khối lớp này đều than khó, vì thời gian ôn tập cho các em quá ngắn.

Thơi gian ôn tập ngắn

Trao đổi với PV Dân trí về thời gian dự kiến kỳ thi THPT Quốc gia 2016, em Nguyễn Thị Thúy Hằng – học sinh (HS) lớp 12C1 Trường THPT Phú Quốc (Kiên Giang) chia sẻ: “Nếu Bộ GD-ĐT ấn định thời gian 13, 14, 15 tháng 6 sẽ thi thì kỳ thi năm nay sẽ sớm hơn mọi năm khoảng 20 ngày. Điều này khiến cho chúng em không có nhiều thời gian ôn tập. Hơn nữa, khi chúng em vừa ôn thi xong cho chương trình 12 (học kỳ 2), tiếp tục lên kinh ứng thi cho kỳ thi “2 trong 1” nữa, chúng em thấy áp lực vô cùng. Và điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến kết quả thi của chúng em”.

Ngoài ra, em Thúy Hằng còn thông tin, năm nay lớp của Thúy Hằng và một số lớp 12 khác trên toàn quốc học theo chương trình thí điểm môn tiếng Anh. Theo em Hằng, khi học theo chương trình mới này, HS phải học thêm nhiều kỹ năng nhưng không nhắm vào trọng tâm văn phạm mà cấu trúc đề thi thì vẫn như cũ. Do vậy, theo em Hằng, điều này chưa hợp lý cho những HS phải học chương trình tiếng Anh thí điểm.

Góp ý thi 2016: Thời gian thi sớm, thầy và trò đều than khó

Còn em Lê Hoàng Huy – HS lớp 12A6 Trường THPT Tịnh Biên (An Giang) cho biết: “Thời gian thay đổi thi quá nhanh, chúng em chưa thích ứng thì năm nay lại có những điều mới. Nhất là thời gian thi dự kiến sớm hơn năm rồi hơn nửa tháng nên chúng em cảm thấy căng thẳng hơn, nhất là vừa trải qua kỳ thi kết thúc chươn trình học. Theo em, Bộ GD-ĐT đã gom hai kỳ thi thành một thì kỳ thi THPT Quốc gia nên kỳ thì này rất quan trọng cho tụi em, do vậy Bộ nên xem xét để chúng em có thời gian ôn tập nhiều hơn để có kết quả tốt nhất sau 12 năm đèn sách”.

Xung quanh về thời gian dự kiến kỳ thi THPT Quốc gia 2016, thầy Lê Thanh Vân – Hiệu trưởng Trường THPT Phú Quốc cho biết, việc tổ chức thi sớm có sự thuận lợi trong công tác quản lí, nhưng việc ôn tập của học sinh còn nhiều khó khăn. Do Bộ quy định thời gian kết thúc chương trình là tháng 5, mà HS phải kết thúc chương trình mới có thể ôn tập hiệu quả, cho nên thời gian ôn tập đối với HS tương đối ngắn. Nhà trường thực hiện ôn tập cho HS khối 12 bắt đầu từ học kỳ 2.

Thấy Lê Ngọc Xuân – Hiệu trưởng Trường THPT Tịnh Biên (An Giang) cũng cho biết: “Theo tôi Bộ GD-ĐT nên xem lại thời gian thi, vì nếu ấn định theo 3 ngày dự kiến thì thời gian ôn tập của các em quá ngắn. Thầy cô vừa xong chương trình 12 cũng không có nhiều thời gian để “luyện” cho trò của mình, như vậy chất lượng kỳ thi sẽ khó đảm bảo như mong muốn”.

Theo thầy Xuân, để công tác ôn tập cho khối 12 đạt hiệu quả cao nhất, nhà trường dựa trên văn bản của năm rồi và cập nhật thêm các thông tin mới để tổ chức tư vấn, xây dựng các kế hoạch ôn tập theo từng gia đoạn khác nhau và theo đặc thù của từng bộ môn. Mặt khác phân loại HS theo nhóm năng lực để tiến hành bồi dưỡng kiến thức cho các em. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch phụ đạo tăng tiết trái buổi cho HS lớp 12 nắm kiến kiến thức căn bản và đặc biệt quan tâm đến những HS yếu kém có nguy cơ không đậu tốt nghiệp THPT.

Xét tốt nghiệp và chỉ tổ chức thi tuyển ĐH, CĐ

Về kỳ thi THPT Quốc gia và đợt xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015, theo ý kiến của nhiều em HS và giáo viên tại An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… cho rằng bước đầu đã thành công, chỉ còn trục trặc ở khâu xét tuyển ĐH, CĐ. Tại khâu này còn gây khó khăn, vất vả cho HS và phụ huynh, nhất là những thí sinh ở vùng sâu, xa, hải đảo như Kiên Giang, An Giang.

Thầy Lê Thanh Vân – Hiệu trưởng Trường THPT Phú Quốc chia sẻ: “Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 cơ bản đáp ứng được yêu cầu của việc tổ chức một kỳ thi chung. Bất cập lớn nhất là việc xét tuyển ĐH-CĐ. Các em HS của trường ở xa phải đi lại nhiều lần. Thời gian chờ kết quả xét tuyển đợt 1 kéo dài, dẫn tới tâm lý HS căng thắng, việc rút và nộp hồ sơ còn phức tạp, khiến học sinh đi lại nhiều lần để thay đổi nguyện vọng. Theo tôi để đợt xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 tốt hơn, các trường ĐH-CĐ nên cung cấp thông tin về điểm chuẩn của các năm trước để HS tham khảo; đồng thời nên cho HS đăng ký xét tuyển trước khi thi để HS xác định ngành và trường phù hợp năng lực. Nếu HS không đâu NV1 có thể xét tuyển tiếp các đợt sau, tránh tình trạng rút và nộp hồ sơ tràn lan những ngày cuối đợt xét. Và nên rút ngắn thời gian xét tuyển các đợt.

Góp ý thi 2016: Thời gian thi sớm, thầy và trò đều than khó

Ngoài ra, thầy Văn cho biết thêm, trong kỳ thi năm rồi việc đi lại của HS Phú Quốc do có sự phân tán khu vực thi (cụm ĐH-CĐ) nên nhà trường rất khó quản lí và hỗ trợ học sinh. Cụm thi An Giang được sự hỗ trợ tốt nên tương đối thuận lợi hơn các cụm khác. Năm nay nhà trường đề nghị với Sở GD-ĐT tỉnh chỉ nên cho HS Phú Quốc thi 1 cụm tại An Giang. Còn tốt hơn thì xin thành lập 1 hội đồng tại Phú Quốc cho 3 trường THPT trên địa bàn huyện để giảm chi phí, khó khăn trong việc thi cử của các em HS và phụ huynh.

Cùng góp ý về kỳ thi THPT Quốc gia 2016, thầy Lê Ngọc Xuân – Hiệu trưởng Trường THPT Tịnh Biên An Giang nhận định: “Thời gian áp dụng cho sự thay đổi của kỳ thi quá nhanh làm cho HS, giáo viên và gia đình chưa có sự chuẩn bị tốt cho HS. Địa điểm thi tập trung quá nhiều thí sinh gây khó khăn cho việc đi lại và sinh hoạt của thí sinh, tiền thuê nhà trọ cao. Đặc biệt, tại Cụm thi An Giang, cơ sở vật chất chưa phù hợp với HS THPT, vì kỳ thi rồi cụm thi An Giang vẫn còn sử dụng bàn ghế HS tiểu học, ít nhiều gây khó khăn cho các thí sinh.

Về công tác xét tuyển ĐH, CĐ, thầy Xuân chỉ ra những điểm chưa hợp lí, như: khâu nộp hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ còn nhiều phiền hà cho HS và phụ huynh; Xét tuyển nguyện vọng 1 thời gian còn quá dài; Quy trình tuyển sinh Đại học gây nhiều bất lợi cho những thí sinh nông thôn ở cách xa trường ĐH không kịp rút và nộp lại hồ sơ đối với những điểm số kế cận. Ngoai ra, một số trường ĐH xét tuyển chưa công khai mà chỉ những thí sinh nào có đăng ký vào trường đó mới mở được thông tin.

Để đợt xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 tốt hơn, thầy Xuân góp ý, mỗi đợt xét tuyển cần rút ngắn thời gian lại; khi nộp hồ sơ xét tuyển rồi, Bộ nên ra qui định không cho HS rút hồ sơ ra; mỗi đợt xét tuyển chỉ được đăng ký 01 nguyện vọng. Tuy nhiên, theo thầy Xuân nên tổ chức xét tốt nghiệp THPT và tổ chức 1 kỳ thi tuyển vào tuyển ĐH, CĐ vào đầu tháng 7 hàng năm, nhằm nâng cao chất lượng đầu vào và có sự phân hóa rõ ràng về trình độ HS. Nếu Bộ GD-ĐT còn tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia nên để HS ở tỉnh nào thi theo tỉnh đó để đỡ tốn kém công sức và tiền bạc cho phụ huynh HS.

Nguyễn Hành – Song Nguyễn

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*