Tuyển sinh – Xin đừng lầm lẫn giữa kiến thức lịch sử cụ thể được sử dụng ở đâu đó, được gắn vào môn học nào đó, với hệ thống kiến thức sử của bộ môn khoa học chính thống.
Trong các cuộc tranh luận liên quan đến vị trí và cấu trúc của môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, các chuyên gia soạn thảo chương trình đã nhiều lần khẳng định rằng: “vị trí của môn lịch sử không có gì thay đổi, môn lịch sử vẫn được tôn trọng, vẫn là bắt buộc, không ai xoá môn lịch sử khỏi chương trình!”.
Nếu đúng như thế thì có gì phải bàn cãi, phải bức xúc nữa? Nhưng thưa Ban soạn thảo, chẳng lẽ một điều đơn giản như thế mà các nhà khoa học đã bạc đầu về sử học và sư phạm lịch sử, cũng như đội ngũ đông đảo những người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử của đất nước này lại không hiểu được chăng?
Chẳng lẽ lịch sử vẫn được tôn trọng, vẫn là bắt buộc, thế mà những người dạy sử vẫn đấu tranh, vẫn phản đối? Chẳng lẽ họ lại ấu trĩ, lại trì trệ, lại vô trách nhiệm đối với sự nghiệp đổi mới của Đảng đến như như vậy sao?
Hãy nhìn một cách tổng thể để xem Bộ môn Lịch sử nằm ở đâu và có vị trí như thế nào trong chương trình đổi mới: một cách tổng thể, về cơ bản, chương trình phổ thông đã hạ thấp rất nhiều, nếu như không muốn nói rằng môn lịch sử đang dần bị thủ tiêu.
Nói chính xác hơn, bộ môn lịch sử, hoặc là môn tự chọn (mà trong hoàn cảnh hiện nay, nếu tự chọn sẽ rất ít người học sử), hoặc là kiến thức lịch sử đã được tích hợp trong các môn bắt buộc khác.
Nhưng xin đừng lầm lẫn giữa kiến thức lịch sử cụ thể được sử dụng ở đâu đó, được gắn vào một môn học nào đó, với hệ thống kiến thức lịch sử của một bộ môn khoa học chính thống.
Nhận thức lịch sử, cũng như nhận thức bất cứ khoa học nào, là phải nhận thức trong hệ thống. Trong dạy học, kiến thức theo hệ thống đó đã được nhân loại đúc kết thành các bộ môn khoa học.
Kiến thức lịch sử, do tính phổ quát của nó, có thể được sử dụng và phục vụ cho hoạt động nhận thức của nhiều bộ môn khác nhau, nhưng nếu đem những kiến thức ấy để thay thế cho bộ môn lịch sử, hoặc tích hợp kiến thức lịch sử vào một môn bắt buộc nào đó, để coi lịch sử cũng là môn bắt buộc, thì thật là phi lý và phản khoa học. Đó là sự tầm thường hoá bộ môn lịch sử, là sự đánh tráo khái niệm nguy hiểm, dễ dẫn tới những hiểu lầm tại hại cho xã hội.
Có người đặt vấn đề cho rằng: giáo dục lịch sử không phải là trách nhiệm độc tôn của bộ môn lịch sử và người ta có thể giáo dục lịch sử bằng nhiều cách, nhiều hình thức, nhiều con đường khác nhau, rằng không thể đánh đồng giáo dục lịch sử chỉ là dạy sử, và rằng môn lịch sử không thể biến thành khoa học lich sử!
Vâng! đúng là như vậy, và điều này còn đúng với tất cả các môn khoa học chứ không riêng gì môn lịch sử. Nhưng nên hiểu rằng, giáo dục lịch sử thông qua môn lịch sử và giáo dục lịch sử ở các môn học khác, bằng các hình thức khác, là không đồng nhất như nhau cả về hàm lượng nội dung cũng như vị trí, và bất luận trong hoàn cảnh nào cũng không thể thay thế và xoá bỏ môn lịch sử được!
Bởi nếu thay thế và xoá bỏ được, thì cũng như các môn học khác, bộ môn lịch sử đã không đồng hành cùng với nhân loại từ cổ xưa cho đến tận bây giờ!
Giáo dục lịch sử có thể được thực hiện bằng nhiều cách ngoài môn lịch sử, nhưng đối với giáo dục phổ thông (chứ không phải là giáo dục nói chung), giáo dục lịch sử thông qua bộ môn lịch sử, là con đường giáo dục chính thống nhất, cơ bản nhất, hệ thống nhất, khoa học nhất, truyền thống nhất, pháp lý nhất và không có gì có thể thay thế cho điều đó.
Cũng như văn học có thể nhận thức được ở nhiều môn và bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng ở phổ thông, tất cả các sự nhận thức ấy không thể thay thế cho nhận thức qua bộ môn văn học được! Vẫn biết, dạy học lịch sử hiện nay ở trường phổ thông đang tồn tại nhiều bất cập và rất cần một sự đổi mới toàn diện, mang tính cách mạng.
Nhưng đúng như các nhà khoa học đã nói, dù với bất cứ lý do nào thì việc coi nhẹ vai trò và vị trí, dẫn tới hậu quả thủ tiêu bộ môn lịch sử ở trường phổ thông (cho dù đó không phải là ý chủ quan của ai đó), thì đó sẽ là điều cực kỳ nguy hiểm và sẽ để lại những hậu quả khó có thể lường hết được.
Tại cuộc hội thảo khoa học liên quan đến quan điểm tích hợp giáo dục lịch sử trong môn Công dân với tổ quốc, ngày 3/11/2015, có ý kiến đã đồng nhất một cách thuần tuý vị trí của bộ môn lịch sử với nhiều môn học khác khi cho rằng: trong nhóm các môn tích hợp, không chỉ có mình môn lịch sử mà còn có nhiều môn học khác (như vật lý, hoá học, sinh học), nhưng trái với môn lịch sử, các môn này lại nhận được sự đồng thuận của dư luận trong ngành, còn đối với môn lịch sử thì ngược lại. Đây là một quan điểm quan trọng rất cần được quan tâm trao đổi.
Trong hệ thống tri thức cần có của học sinh, mỗi môn học đều có vị trí riêng, không thể thay thế. Khi đánh giá kiến thức của môn học nào đó khi so sánh với môn học khác, rất cần phải xuất phát từ một cách tiếp cận cụ thể.
Nếu tiếp cận từ góc độ của khoa học tự nhiên, từ vai trò nhận thức khoa học tự nhiên, thì môn lịch sử không thể so sánh được với các môn thuộc khoa học tự nhiên như vật lý, hoá học, sinh học…
Nhưng xét ở khoa học xã hội, thì vị trí của các môn khoa học tự nhiên chắc chắn không thể so sánh được với các môn khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có môn lịch sử. Ngay trong các môn khoa học xã hội và nhân văn, mỗi môn học, bên cạnh cái chung, lại có những cải riêng đặc trưng.
Bộ môn lịch sử và kiến thức lịch sử, hơn tất cả các môn học khác, là môn học đề cập (tuy không phải là duy nhất, nhưng là đầy đủ nhất, hệ thống nhất, trực tiếp nhất) đến những giá trị cực kỳ quan trọng của con người Việt Nam. Đó là giá trị của truyền thống oai hùng của dân tộc ta, của Đảng ta và nhân dân ta.
Giá trị đó là cơ sở và nền tảng để hình thành lý tưởng và niềm tin cách mạng cho thế hệ trẻ. Đó là những phẩm chất cực kỳ quan trọng đã trở thành sức mạnh kỳ diệu và là một trong những nhân tố quyết định nhất đối với sự tồn sinh và phát triển của dân tộc ta từ trong lịch sử ngàn năm cho đến hôm nay và tương lai mai sau.
Cho nên nói tới lịch sử, không chỉ là nói tới tri thức khoa học thuần tuý, mà còn là nói tới tình cảm thiêng liêng không chỉ của thế hệ trẻ mà còn là của mỗi người dân Việt Nam đối với dân tộc, với tổ quốc và nhân dân mình.
Đó không chỉ là niềm vui và tự hào mà còn động chạm tới máu xương và nước mắt của biết bao thế hệ đã cống hiến và hy sinh cho dân tộc này và đất nước này.
Điều đó cũng giải thích vì sao cùng trong nhóm các môn học tích hợp, cùng có hoàn cảnh như nhau trong cấu trúc chương trình mới, nhưng trong khi các môn học khác rất ít ý kiến, thì môn lịch sử lại nhận được sự quan tâm đặc biệt và bức xúc như vậy.
Nếu cấu trúc môn học mới (về mặt khách quan chứ không phải chủ ý) đã vô tình dẫn tới hạ thấp vai trò của một môn nào đó về khoa học tự nhiên, nhiều người có thể cho là đáng tiếc, là không hợp lý, thì với môn lịch sử sẽ không chỉ là như vậy, không chỉ dừng lại ở đó, mà sẽ là sự bức xúc, nhiều khi đến phẫn nộ.
Mới đây, tại lễ hội hoá trang Halloween, trên một con phố trung tâm của thành phố Hồ Chí Minh, người ta có thể cười đùa và phấn khích với đủ loại hoá trang ma quỉ, nhưng cộng đồng đã phẫn nộ và phản ứng dữ dội với một nhóm thanh niên lố lăng, với hoá trang là mũ tai béo và trang phục truyền thống của dân quân và bộ đội giải phóng.
Nhiều người cho rằng, đó là sự vô cảm với truyền thống dân tộc và xúc cảm tới tình cảm thiêng liêng của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ cha anh.
Động chạm tới lịch sử là động chạm tới những vấn đề rất nhạy cảm về chính trị, những vấn đề của tình cảm nhân văn mang đặc trưng mang bản sắc Việt Nam, bản sắc của một dân tộc tuy không phải là hiếu chiến, nhưng không bao giờ được buông lơi cây súng, ngay cả khi đất nước hoà bình cũng vậy.
Đó cũng chính là tinh thần cơ bản mà các nhà khoa học, các nhà sư phạm đã cảnh báo và lưu tâm khi xem xét và tiến hành đổi mới đối với bộ môn lịch sử trong tình hình hiện nay. Bởi lẽ hơn mọi môn khoa học, bộ môn lịch sử luôn gắn chặt với những vấn đề nhạy cảm về chính trị như vậy.
Và cũng chính vì thế, dù với thể chế chính trị và vị trí địa lý khác nhau, đa số các quốc gia trên thế giới này, đặc biệt là các nước phát triển đều rất coi trọng giáo dục lịch sử, trong đó bộ môn lịch sử luôn là một độc lập và bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông.
Đổi mới không những là rất cần thiết, rất quan trọng, mà còn là sự nghiệp rất khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào cũng nên giành cho bộ môn lịch sử sự tôn trọng và một cách tiếp cận vừa khoa học, vừa thực tiễn, vừa tình cảm nhân văn.
Bởi lịch sử và giáo dục lịch sử vừa là vấn đề của tri thức khoa học, của lý trí, của chính trị, của truyền thống, bên cạnh đó còn là vấn đề của trái tim nữa.
Có thể sự đồng thuận không phải lúc nào cũng là tiêu chí của chân lý, nhưng khi thiếu sự đồng thuận, một mặt nó báo hiệu sự khiếm khuyết nào đó trong dự thảo chínhs sách, rất cần phải tiếp tục xem xét.
Nhưng quan trọng hơn, sự nghiệp đổi mới là sự nghiệp không chỉ của những nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách, mà còn là sự nghiệp trực tiếp của hàng vạn các nhà khoa học, các nhà giáo trong hệ thống giáo dục phổ thông, đó là những tướng lĩnh và những chiến sỹ thực sự trên tuyến đầu của mặt trận đổi mới.
Nếu không thuyết phục được họ từ cơ sở khoa học và thực tiễn thực sự của của các chính sách đổi mới, thì lo rằng, hoạt động đổi mới sẽ gặp không ít trở ngại và khó khăn.
Với tất cả sự chân thành và trách nhiệm với sự nghiệp đổi mới, chúng tôi chỉ xin gửi tới Ban sọan thảo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông một câu hỏi của rất nhiều các thầy cô giáo đang quan tâm đến vấn đề hệ trọng này:
Liệu đây đã phải là phương án đổi mới tối ưu nhất đối với môn lịch sử hay chưa? liệu có thể có những phương án khác, vừa đổi mới mà vẫn giữ được vai trò và vị trí của bộ môn lịch sử hay không?
Chúng tôi tin rằng một phương án như thế vẫn đang còn ở phía trước nếu chúng ta biết lắng nghe, biết chia xẻ và cầu cầu thị. Và cũng bởi, như trên đã nói, nếu thiếu sự nhất trí và đồng thuận, sự nghiệp đổi mới rất khó có thể thành công!
PGS. Kiều Thế Hưng