Xung quanh việc chuẩn quốc gia trường ĐH: Lộ “lỗ hổng” đào tạo

Tuyển Sinh – quốc gia là một cụm từ đánh giá “đẳng cấp” và chất lượng dạy và học của một trường ĐH. Vậy nên hầu như trường nào cũng muốn “chạy đua” để đạt được cụm từ này.

Quy định mới

Mới đây, quy định mới về chuẩn quốc gia trường ĐH khiến nhiều trường rơi vào tình trạng khó đạt. Quy định xét đạt chuẩn dựa trên 6 tiêu chí, cụ thể: Đất đai, cơ sở vật chất và thiết bị; đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ quản lý; chương trình đào tạo và hoạt động đào tạo; hoạt động khoa học – công nghệ, hợp tác quốc tế, tài chính; kiểm định chất lượng giáo dục; sự hài lòng của sinh viên, của người sử dụng lao động và kết quả xếp hạng.

Trong đó, chất lượng giáo dục được quan tâm nhất. Trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm các trường nộp hồ sơ công nhận đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo sau 1 năm kể từ khi tốt nghiệp phải đạt 70%.

Đối với sinh viên đang theo học, phải đạt 80% sinh viên năm cuối hài lòng về chương trình đào tạo và môi trường học tập, nghiên cứu khoa học tại trường. Thêm nữa, 80% cựu sinh viên của 3 khóa tốt nghiệp gần nhất sẽ được lấy ý kiến hài lòng về tính thực tiễn của chương trình đào tạo, khả năng thích nghi của sinh viên tốt nghiệp và môi trường công tác.

Về người sử dụng lao động, phải đạt tỷ lệ 70% người sử dụng lao động có tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp trong 3 năm gần nhất hài lòng về chất lượng số sinh viên này.

Ngoài ra, tỷ lệ sinh viên, giảng viên cơ hữu theo ngành đào tạo, hoặc tỷ lệ giảng viên cơ hữu và nghiên cứu viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ phải chiếm tối thiểu 40% tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu đối với cơ sở giáo dục ĐH định hướng nghiên cứu, 25% với cơ sở giáo dục ĐH định hướng ứng dụng và 10% với cơ sở giáo dục ĐH định hướng thực hành.

Mục tiêu để phấn đấu

Thực tế, những quy định nêu trên tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất khó bởi chỉ riêng tiêu chí 70% sinh viên ra trường có việc làm phù hợp xem ra khó khả thi. Theo thống kê trong 7 tháng đầu năm 2015, số thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp đã lên đến gần 280.000 người. So với quý IV năm 2014, số lao động trình độ ĐH, sau ĐH thất nghiệp tăng từ hơn 165.000 người lên gần 178.000 người. Đối với lao động tốt nghiệp cao đẳng, số lượng thất nghiệp tăng từ 75.000 người lên hơn 100.000 người.

Trong khi đó, 70% người sử dụng lao động tỏ ra hài lòng về chất lượng sinh viên sau tuyển dụng cũng là một điều khó bởi về chuyên môn nghiệp vụ, các sinh viên phần lớn chưa đáp ứng được hết nhu cầu tuyển dụng. Thời gian đầu làm việc, sinh viên mới chỉ bắt nhịp với môi trường và công việc chứ chưa thể phát huy được hết khả năng của mình.

Một điểm mấu chốt nữa ở đây là phương pháp dạy và học ở các trường ĐH dù đang ngày một đổi mới những vẫn chưa được đánh giá cao. Đó là còn chưa nói đến cơ sở vật chất của các trường vẫn còn thiếu thốn, khó lấy được sự hài lòng của 80% sinh viên năm cuối.

Như vậy, những quy định mới đây về chuẩn quốc gia đối với các trường ĐH xem ra khó khả thi. Tuy nhiên, nó cũng phản ánh đúng thực trạng hiện nay của nền giáo dục, đó chính là cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo cử nhân tại nước ta vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu đào tạo. Minh chứng là hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp sau khi ra trường.

Trong khi đó, các nhà tuyển dụng đánh giá các sinh viên mới ra trường vẫn còn “non” kinh nghiệm, mà ở đây không chỉ “non” về chuyên môn mà còn “non” về nhiều mặt khác.

Do đó, những quy định mới được đề ra có thể xem như là mục tiêu để các trường ĐH phấn đấu trong tương lai, nâng cao chất lượng đào tạo để góp phần tạo ra những thế hệ cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước.

Hà Linh

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*